Viết để lưu giữ và chia sẻ
Từng làm copywiter, Thanh Thu đã tạo một trang web để tiện làm việc. Năm 2018, cô bắt đầu đăng tải những bài viết chia sẻ, truyền tải những câu chuyện về trải nghiệm của mình trên chính trang. Cô cũng cùng lúc đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình. Các bài viết của Thanh Thu chủ yếu về du lịch, ăn uống, bảo vệ môi trường, những món đồ handmade tự tay làm, các hoạt động ý nghĩa mà cô tham gia như làm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch, tự nguyện hiến tạng... “Viết blog giúp mình thả lỏng đầu óc, thỏa ý thích muốn được chia sẻ. Mỗi chuyến đi, gặp gì, nghĩ gì mình đều ghi lại ngay. Về mình sẽ tổng kết và sửa lại thành một bài hoàn chỉnh", Thu cho biết.
Tùy vào mục đích hay đối tượng muốn chia sẻ, Thu sẽ chọn viết song ngữ hay chỉ tiếng Anh hoặc chỉ tiếng Việt. Thu thường đăng bài viết bằng tiếng Việt trên trang Facebook cá nhân. Sau đó, cô sẽ chắt lọc và dịch sang tiếng Anh, đăng tải trên web của mình để tăng độ tiếp cận thông tin với bạn bè quốc tế.
Người trẻ thì nên cho đi
Đăng ký tình nguyện chống dịch từ sớm, nhưng lúc đăng ký xong Thanh Thu biết mình là F2 nên đã tự cách ly tại nhà. Sau cách ly, Thu bắt đầu tham gia tình nguyện từ ngày 24/6, đều đặn vào hai ngày cuối tuần. Thu chủ yếu hỗ trợ ở những điểm tiêm vắc xin. Lịch trình của Thu bắt đầu vào 7h sáng và kết thúc vào 6h chiều. Thu hỗ trợ điều phối, nhắc nhở người dân giãn cách, hướng dẫn khai báo y tế, đo nhiệt độ, làm phiếu sàng lọc, nhập liệu, hỗ trợ trực phòng và theo dõi sau tiêm. Những khi chưa có lịch tiêm vắc xin, Thu sẽ đăng ký trực chốt ở những khu cách ly, phong tỏa, hay làm bất cứ việc gì cần hỗ trợ.
Góc làm đồ handmade của Thu tại nhà.
“Tuy mình bị dị ứng với đồ bảo hộ và gặp phải một vài sự phản đối khi tham gia chống dịch, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự quyết tâm của mình. Nhờ hoạt động này, mình thấu hiểu được sự vất vả của các lực lượng hỗ trợ chống dịch, từ các y, bác sĩ, nhân viên y tế đến lực lượng công an, dân phòng... nên càng muốn lan tỏa tới mọi người nâng cao sức khỏe và tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch tốt hơn”.
Thu thích nhất là viết về trải nghiệm chinh phục hệ thống hang động Tú Làn (Quảng Bình).
Thanh Thu cũng vừa hoàn thành đăng ký hiến tặng toàn bộ mô tạng của mình (sau khi mất) nhằm giúp đỡ những người không may mắc các bệnh hiểm nghèo. Ý định này Thu có từ nhiều năm trước, nhưng cô chưa đủ can đảm để thực hiện. Gần đây, Thu đọc được chia sẻ của những bạn đã từng đăng ký hiến tạng giúp cô có thêm động lực, thuyết phục người nhà và thực hiện hiến tạng.
“Mình luôn nghĩ còn gì phải băn khoăn khi một người mất đi rồi vẫn có thể làm được một việc ý nghĩa và cứu được rất nhiều người. Việc hiến tạng cũng giúp mình có ý thức, trách nhiệm với việc giữ gìn sức khỏe bản thân. Mình ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để giữ thể trạng tốt vì những bộ phận đó không chỉ là của riêng mình, mà còn là của người khác nữa”, Thu tâm sự.
Thu thích trải nghiệm đến nhiều vùng miền của Việt Nam.
Trước đây, Thanh Thu thường có thói quen đến chùa để phụ giúp nấu ăn cho các Phật tử và tham gia các hoạt động ở đó. Đợt dịch năm ngoái, Thu cũng tham gia phát cơm từ thiện cho người nghèo ở quán cơm Xã hội Nụ cười 7. Thỉnh thoảng, Thanh Thu và mẹ của mình có hoạt động giải cứu chó mèo hoang, đem đi chữa bệnh và tìm chủ cho chúng.
Thu còn tham gia cứu trợ chó mèo hoang.
“Mỗi lần được đóng góp chút gì đó cho xã hội, mình thấy rất vui. Chưa bao giờ mình biết mệt khi được làm những công việc ý nghĩa này. Với mình, “cho đi” hay “cống hiến” chỉ đơn giản là chia sẻ những cái mình có cho những người đang cần. Nó không chỉ thể hiện qua những vật chất hữu hình mà còn được thể hiện qua những giá trị vô hình như tình thương, sự đồng cảm và sẻ chia”, Thu bày tỏ.