Nhưng không may, những ngày lễ lớn này lại diễn ra đúng thời điểm có nhiều dịch bệnh cùng lúc lan truyền ở Mỹ . Trong suốt nhiều tuần, các bệnh viện nhi đã phải đối phó với tình trạng quá tải do sự gia tăng bất thường của số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) và nhiễm cúm. Các ca mắc COVID-19 cũng đang gia tăng và kết quả phân tích của CNN cho thấy các bệnh viện đang hoạt động với công suất cao hơn bình thường.
Tình trạng thiếu thuốc đã được báo cáo trên khắp nước Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 21/12 rằng sẽ xuất thuốc cúm Tamiflu từ Kho dự trữ quốc gia chiến lược sau khi mùa cúm nặng và sớm bất thường tấn công đất nước. Sự tấn công dữ dội của cúm, COVID-19 và RSV ở Mỹ bị các chuyên gia gọi là “bộ ba đại dịch”.
Tại Anh , sau hai mùa Giáng sinh với đầy quy định phòng dịch đi kèm, người dân năm nay có thể tận hưởng mùa lễ hội một cách thoải mái. Tuy nhiên, trong khi sự “bình thường mới” được hoan nghênh nhiệt liệt, thì không thể chối bỏ thực tế là COVID-19 vẫn chưa biến mất. Số ca COVID-19 – dù thấp hơn nhiều so với mức đỉnh – nhưng vẫn đang gia tăng. Số người nhập viện vì COVID-19 trong tuần đầu tháng 12 đã tăng 22%, trong khi số người nhập viện vì cúm thậm chí còn cao hơn. Các quan chức y tế cảnh báo những người có dấu hiệu mắc bệnh nên chủ động tránh xa gia đình và người thân lớn tuổi.
Nhiều người dùng Twitter rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì mắc COVID-19 ngay trước Giáng sinh.
Tại New Zealand , nhìn chung số ca mắc COVID-19 đã tăng khoảng 77% trong tháng qua, với số ca nhập viện tăng 68%. Trong khi đó, số người chủ động báo cáo dương tính được cho là chỉ đạt khoảng 50%. Nghĩa là số ca mắc COVID-19 trên thực tế có thể gấp đôi con số chính thức. Mô hình dự đoán mới cho thấy số ca dương tính có thể lên đến 13.000 ca/ngày vào cuối tháng 12, với khoảng 1.100 ca nhập viện mỗi ngày. Con số này tương tự làn sóng Omicron thứ hai hồi tháng 7.
Theo tờ The Spin Off , ngoài những quốc gia nói trên, tỷ lệ ca bệnh, nhập viện và tử vong cũng đang tăng ở Hàn Quốc và Úc, đặc biệt là Trung Quốc sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch hồi đầu tháng.
Một người đàn ông giấu tên ở Auckland (New Zealand) cho biết COVID-19 “đã chui qua ống khói” khiến ít nhất hai thành viên trong gia đình ông dương tính trong tuần này.
“Đáng buồn thay, chúng tôi phải hủy lễ Giáng sinh. Chúng tôi đã thực sự mong chờ được gặp chị gái và các con của chị ấy trong một buổi họp mặt đại gia đình. Nhưng giờ thì không thể.”
Trong khi đó, một người phụ nữ khác ở Auckland có tên Melanie Bruges lại may mắn hơn khi kết thúc thời gian cách ly kịp thời để ăn mừng Giáng sinh cùng gia đình.
“Chúng tôi sẽ họp mặt vào ngày 25/12, vì vậy tôi sẽ hạn chế tiếp xúc cho đến lúc đó. Chúng tôi có thể sẽ xét nghiệm trước bữa tiệc Giáng sinh, vì gia đình tôi có tới 5 người cao tuổi, nên chúng tôi không muốn họ mắc bệnh chỉ vì một bữa ăn”, Bruges nói.
Theo tờ NZHerald , hàng ngàn người New Zealand sẽ phải hủy bỏ kế hoạch cho ngày Giáng sinh vì COVID-19. Nhà dịch tễ học hàng đầu Michael Baker ước tính 85.000 người sẽ bị cách ly trong dịp lễ cuối tuần này. Ông nói rằng tụ tập ngoài trời hoặc trong những không gian thông thoáng là chìa khóa để hạn chế sự lây lan của COVID-19 trong dịp Giáng sinh, đồng thời nên xét nghiệm trước.
“Sẽ không ai cảm ơn bạn vì xuất hiện và mang theo virus, đặc biệt nếu có những người dễ bị tổn thương ở đó. Đây là lúc bạn phải chịu trách nhiệm và kiểm tra xem bạn có các triệu chứng hay không để hành động phù hợp”, Baker nói.
Thế giới thay đổi cách đón Giáng sinh
Gặp gỡ trong những ngôi nhà chật cứng người, tụ tập bạn bè và đi du lịch là những hoạt động quen thuộc mùa Giáng sinh trước khi COVID-19 ập đến.
Giờ đây, gần ba năm sau khi nước Mỹ phải phong tỏa vì COVID-19, mùa lễ hội vẫn chưa trở lại bình thường. Là do số ca bệnh đang tăng lên, hay do COVID-19 đã thay đổi vĩnh viễn cách công dân toàn cầu đón Giáng sinh? Có vẻ như câu trả lời là do cả hai.
Jessica Borelli, Giáo sư Tâm lý học tại UC Irvine, nói với CNBC : “Ít nhất là trong thời điểm hiện tại, chúng ta biết rằng COVID-19 đã thực sự thay đổi toàn bộ cách thức chúng ta tương tác với mọi người trong hầu hết hoàn cảnh, bao gồm cả ngày lễ.”
Thứ nhất , việc lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ trở nên căng thẳng hơn. Ở thời kỳ đầu đại dịch, hầu hết mọi người chỉ đơn giản là không tổ chức sự kiện mừng lễ. Giờ đây, mỗi người lại có cách nghĩ riêng đối với rủi ro do COVID-19, khiến việc lên kế hoạch cho các cuộc tụ họp trong kỳ nghỉ mà mọi người đều cảm thấy thoải mái ngày càng trở nên khó khăn.
Thứ hai , một số người đang chủ động từ bỏ truyền thống. Việc thay đổi cách đón Giáng sinh trong năm đầu tiên của đại dịch đã khiến nhiều người nhận ra họ thực sự mong muốn điều gì trong kỳ nghỉ lễ. “Có những truyền thống được tiến hành năm này qua năm khác. Nhưng hai năm qua đã cho chúng ta thấy rằng có những nghi lễ, những việc không nhất thiết phải tiến hành”, Kristen Carpenter, một nhà tâm lý học lâm sàng ở Columbus (bang Ohio) cho biết.
Việc ở nhà thay vì đi du lịch khắp đất nước, hoặc tham dự các cuộc tụ họp quy mô nhỏ hơn thay vì các cuộc tụ tập quy mô lớn, có thể mang lại nhiều lợi ích. Một cuộc khảo sát vào tháng 11 của công ty dịch vụ chuyên nghiệp Deloitte cho thấy nhiều người Mỹ quyết định ở nhà từ Lễ Tạ ơn đến giữa tháng 1, với ý định đi du lịch giảm 26% so với một năm trước.
Thứ ba , mọi người đang khó tính hơn khi lựa chọn danh sách khách mời. Đại dịch đã thúc đẩy nhiều người phải ưu tiên lựa chọn những người thực sự quan trọng với họ, Jessica Borelli nói.
Một mặt, đó là một điều tốt, Borelli nói: “Bạn có thể dành nhiều thời gian hơn với những người có cùng quan điểm. Nhưng nó cũng tạo ra một xã hội tách biệt hơn nhiều, thiếu gắn kết”.