Bức tranh nhạc Việt 2022: Ồn ào và Gen Z

Sau 2 năm đại dịch COVID-19, năm 2022 chứng kiến cuộc tái sinh ngoạn mục, nhưng không kém phần ồn ào của làng nhạc Việt. Nếu như nửa đầu năm, nhạc Việt chật vật sau bối cảnh bình thường mới, thì nửa cuối năm là cuộc đua gay gắt của những “tay chơi” âm nhạc với đủ phong cách, thể loại từ pop dance trẻ trung, R&B thời thượng cho đến hip hop/rap…

Gen Z trỗi dậy và cú ngã ngựa của những cái tên “sừng sỏ”

Năm 2022, làng nhạc Việt chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của thế hệ gen Z. Từ Mỹ Anh, Phương Mỹ Chi cho đến Tlinh, Mono, MCK… đều mang đến làn gió mới và tạo dấu ấn mạnh mẽ. Sản phẩm của các ngôi sao trẻ cho thấy có tư duy âm nhạc mới lạ, hát được tiếng Anh và tự tin trình diễn dù tuổi đời còn trẻ. Nhờ sự tiếp cận nhanh với thông tin, xu hướng thế giới, lớp ca sĩ Gen Z cho thấy sự hòa nhập rất tốt với dòng chảy âm nhạc thị trường.

Cá biệt như trường hợp của tân binh Mono (Việt Hoàng) - em trai Sơn Tùng M-TP. Anh khá dũng cảm, thậm chí có phần liều lĩnh khi tung album ngay từ lần đầu tiên chào sân. 11 bài hát trong album đầu tay 22 đều do anh chấp bút hoặc đồng sáng tác. Dưới sự giúp sức của nhà sản xuất Onionn, các ca khúc phủ lên màu EDM và một chút Kpop phù hợp với đối tượng khán giả trẻ. Trong đó, bản hit "Waiting for you" đã đưa chàng ca sĩ sinh năm 2000 trở thành hiện tượng chỉ sau 3 tháng đi hát. MV ca khúc thu hút hơn 1 triệu lượt xem sau nửa ngày, phủ sóng trên YouTube với 50 triệu lượt nghe cùng nhiều diễn đàn, sự kiện âm nhạc.

Trong khi đó, Mỹ Anh cũng mạnh dạn giới thiệu MV “Mỗi khi anh nhìn em” được đầu tư chỉn chu, bài bản, làm rõ nét chất nhạc R&B/soul mà cô quyết tâm theo đuổi suốt sự nghiệp. Giọng ca sinh năm 2000 Grey-D cũng giới thiệu MV “Dự báo thời tiết hôm nay mưa”. Cựu thành viên nhóm Monstar thể hiện sự trưởng thành khi tự sáng tác, trình bày và đồng sản xuất ca khúc. Còn MCK với “Chìm sâu” (44 triệu views), “Tại vì sao” (17 triệu views) cũng giúp anh trở thành rapper hiếm hoi trên thị trường có sản phẩm solo thu về thành công thật sự trong năm nay.

Trái ngược với phân khúc của gen Z, sự trở lại của nhóm trước như Đen Vâu, Sơn Tùng hay Đông Nhi… lại không đạt được như kỳ vọng. Có một thời, Đen Vâu được xem là rapper không có đối thủ trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Hàng loạt ca khúc lẫn MV của anh đều tạo hiệu ứng truyền thông và gây sốt trên mạng xã hội. Thế nhưng, cả 3 sản phẩm gần đây của Đen Vâu đều không đạt thành tích tốt như những MV tiền nhiệm. Tính đến hiện tại, MV “Đi trong mùa hè” đạt hơn 15 triệu views, MV “Ai muốn nghe không” vượt mốc 10 triệu views và album đầu tay “dongvui harmony” dừng lại ở con số 2,9 triệu views trên Youtube. Đây là một con số không tồi với một ca sĩ bình thường, nhưng lại là thành tích kém ấn tượng với một nghệ sĩ từng có sức hút như Đen Vâu.

Những giọng ca lâu năm cũng góp mặt các ca khúc của được nghe nhiều nhất. Mỹ Tâm ghi dấu với “Hẹn ước từ hư vô” đạt hơn 62 triệu lượt nghe. “Cô đơn trên sofa” của Hồ Ngọc Hà, “906090” của Tóc Tiên tuy mới ra mắt vài tháng nhưng tạo hiệu ứng tốt nhờ phong cách đậm chất highfashion thời thượng và thông điệp nữ quyền cổ vũ sự tự do thể hiện cá tính. Về phần Lyly, Anh Tú, Isaac, Thiều Bảo Trâm, Đức Phúc, Erik, Hương Giang… cũng phát hành những sản phẩm âm nhạc mới. Tuy nhiên, những sản phẩm này không tạo được hiệu ứng lớn. Các nghệ sĩ được cho là đang an toàn với thể loại ballad quen thuộc thay vì tìm kiếm sự mới mẻ.

Trong số các nghệ sĩ đã có chỗ đứng, Miu Lê và Karik là hai ca sĩ có thành tích ấn tượng nhất trong năm với “Vì mẹ anh bắt chia tay”. Ngay từ khi ra mắt giữa tháng 6/2022, ca khúc đã lọt Top 6 video âm nhạc thịnh hành nhất thế giới, Top 1 Âm nhạc thịnh hành tại Việt Nam suốt 1 tháng và giữ vị trí cao nhất trên các bảng xếp hạng như: iTunes, Apple Music, Zing Chart, NCT Realtime,... Bản hit do Châu Đăng Khoa sáng tác cũng "phủ sóng" trên các nền tảng MXH như Tiktok, Facebook... và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả trẻ. Hiện tại, MV đang sở hữu 88 triệu lượt xem Youtube sau 5 tháng phát hành.

Ồn ào nhạc rác, câu chuyện bản quyền

Giữa cuộc đổ bộ và cạnh tranh của các nghệ sĩ nhiều thế hệ, làng nhạc Việt trong năm qua cũng gây thất vọng khi chứng kiến nhiều lùm xùm liên quan đến vấn đề: nhạc rác và câu chuyện bản quyền.

Bức tranh nhạc Việt 2022: Ồn ào và Gen Z - 2

Ca khúc “Shashimi” của Chi Pu sau khi ra mắt nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì có chứa nội dung phản cảm.

Năm nay, các hoạt động quản lý của nhà chức trách cho thấy sự sát sao với phản ứng công luận. Cụ thể, MV “There is no one at all” với ca từ, hình ảnh tiêu cực đã khiến ca sĩ Sơn Tùng M-TP phải đối diện với án phạt 70 triệu đồng từ cơ quan chức năng đồng thời phải gỡ bỏ MV khỏi nền tảng YouTube. Những cái tên như: Chi Pu, Phí Phương Anh, Bình Gold, Rhymastic,... cùng với những sản phẩm âm nhạc của họ đã được nhắc đến như một minh chứng cho những sản phẩm âm nhạc "nhảm nhí và dung tục". Điển hình, Chi Pu phải tạm dừng phát hành album sau khi 2 MV “Black Hickey” và “Sashimi” bị chỉ trích dữ dội. “Black Hickey” được cho là gợi dục, cổ xúy ngoại tình nơi công sở. Còn “Sashimi” do Hứa Kim Tuyền sáng tác gây tranh cãi về ca từ nhảm nhí, nhạy cảm, đầy tính ẩn dụ.

Năm 2022, vấn đề bản quyền ca khúc vẫn là câu chuyện nhức nhối. Các bên đã chủ động đưa ra động thái pháp lý cứng rắn nhằm bảo vệ bản quyền như: ACV Entertainment cảnh báo vi phạm bản quyền đối với ca khúc “Ai chung tình được mãi”, “Từng yêu”; Big Arts Entertainment cảnh báo vi phạm bản quyền đối với ca khúc “Bên trên tầng lầu”; HT Productions cảnh báo vi phạm bản quyền đối với 157 bài hit của Đan Trường;...

Liveshow, gameshow bùng nổ

2022 ghi dấu vô số live concert thành công và tạo được tiếng vang như: Tri âm - Mỹ Tâm, Kosmik – Spacespeakers, Những vết thương lành - Hà Anh Tuấn, Yên - Hoàng Dũng, Triệu lời tri ân - Jimmii Nguyễn, Mùa thu của Phương - Thu Phương, Love songs - Hồ Ngọc Hà, Liveconcert 20 năm ca hát - Tùng Dương, Hà Nội riêng tôi - Vũ Thắng Lợi…

Tính sơ, trong năm nay có đến trên 20 đêm nhạc ở khắp mọi miền đất nước. Đó là chưa nói đến các chương trình nghệ thuật tại các tụ điểm lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt… và các chương trình dịp cuối năm Dương lịch, đón mừng năm mới 2023. Khi thị trường liveshow hoạt động nhộn nhịp cũng là lúc các nhà sản xuất căng thẳng với việc bán vé. Nhưng cuối năm 2022 lại báo hiệu những dấu hiệu đáng mừng cho thị trường phòng vé, khi hầu hết các liveshow đều được thông báo “cháy” vé trước đêm diễn.

Đặc biệt, “Tri âm” của Mỹ Tâm gây sốc khi 1.000 vé đã bán sạch sẽ khi vừa mở bán trong vỏn vẹn 10 phút. Điểm chung ở các đêm nhạc cháy vé là sự đầu tư bài bản từ khâu tổ chức, bán vé đều tiệm cận công thức của quốc tế. Các ca sĩ đầu tư mạnh vào giọng hát, ca sĩ hát chính xuyên suốt buổi diễn. Một số đêm nhạc có sử dụng ban nhạc cũng như các bản phối riêng khác với bản phối chính thức. Khán giả không còn nhận vé miễn phí hay nhận vé giá rẻ mà phải trực tiếp bước vào trận chiến mua vé trực tuyến.

Song hành với live concert, lễ hội âm nhạc (festival) cũng trở lại đầy ấn tượng. Các lễ hội lớn như Bloom: Outsider, Secret weekend 5, HAY festival, Creamfields Vietnam, BridgeFest, Hozo festival,... là những không gian âm nhạc thực sự cần thiết cho cộng đồng sau 2 năm dồn nén vì dịch bệnh.

Bức tranh nhạc Việt 2022: Ồn ào và Gen Z - 3

“O Sen” Ngọc Mai là quán quân của “Ca sĩ mặt nạ” mùa đầu tiên.

Trong năm qua, các chương trình ca nhạc cũng được mùa, gây sốt ngay từ khi lên sóng. Nổi bật là “Ca sĩ mặt nạ” và “Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân”. Sau 4 tháng lên sóng, “Ca sĩ mặt nạ” thu hút hơn 230 triệu view trên các nền tảng số như YouTube, Facebook, TikTok.... Các tập liên tục vào top 1 Trending YouTube Vietnam chỉ sau 24 giờ phát sóng. Đêm chung kết có sự theo dõi trực tiếp của hơn 10.000 khán giả. Chương trình cũng khiến tên tuổi “Báo Mắt Biếc” Uyên Linh, “Kim Sa Ngư” Lương Bích Hữu, “Tí Nâu” Thùy Chi, “O Sen” Ngọc Mai… được hâm nóng khi tái xuất. Mùa thứ 2 lên sóng chương trình truyền hình thực tế “Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân” với tiêu chí mang âm nhạc chữa lành tâm hồn cũng tạo cú nổ trên mạng xã hội. Chương trình thu hút 3.000 khán giả theo dõi và hơn một triệu lượt xem cho tập đầu tiên. Không tạo hiệu ứng mạnh mẽ bằng mùa đầu nhưng một số ca khúc của mùa hai như: “Đôi bờ” (Trúc Nhân), “Tình yêu màu nắng” (MIN - Trúc Nhân), “Bản tình ca đầu tiên” (Anh Tú), “Đến giờ cơm” (Ái Phương)... cũng thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.

Theo nhạc sĩ An Hiếu, sự thành công của các chương trình nói trên cho thấy khán giả không còn quá hứng thú với những sô thuần ca hát hay các cuộc thi theo những định dạng rõ ràng vì họ đã quá "lão luyện", gần như đoán được tất cả diễn biến, tình huống sắp tới. Vì vậy, sự đổi mới, yếu tố bất ngờ chính là điểm khác biệt để khán giả thích thú. Chẳng hạn, một bài hát cũ được phối khác đi với giọng hát đặc biệt sẽ gây chú ý. “Sức hút từ các chương trình âm nhạc cho thấy khán giả ngày nay vẫn "khát" những ca sĩ có giọng hát chất lượng, những chương trình âm nhạc mà ở đó âm nhạc mới thật sự cốt lõi chứ không phải chiêu trò”, nam nhạc sĩ cho hay

Nhạc Việt đang ở đâu?

Tạm gác lại những ồn ào và rực rỡ của nhạc Việt sau một năm biến động, năm 2022 khép lại khi những trăn trở của giới chuyên môn về việc xuất khẩu nhạc Việt đến nay vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Mà nói như nhạc sĩ Quốc Trung tại Hội thảo Văn hóa 2022 tổ chức ngày 17/12 ở Bắc Ninh là, âm nhạc Việt Nam là "nền âm nhạc khép kín, trong nhiều năm không giao lưu, cọ xát, ước mơ hội nhập cho tới giờ vẫn là ước mơ. Mọi giao lưu với bên ngoài vẫn chỉ là đoàn ra, đoàn vào theo phương thức trao đổi văn hóa chứ chưa thực sự là nhu cầu của công chúng".

Trong một thị trường đang trên đà phát triển với nhiều thay đổi mạnh mẽ, cơ hội đến với các nghệ sĩ nhiều hơn. Trái ngược, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, rất ít nghệ sĩ Việt Nam có khát vọng vươn xa hay ước mơ mang âm nhạc của mình ra bên ngoài. Đồng thời, nghệ sĩ Việt không hiểu và không biết làm thế nào để có được sản phẩm âm nhạc đủ sức thu hút và hội nhập với thế giới. Việc này dẫn tới việc hạn chế năng lực sáng tạo, thị trường âm nhạc phát triển mất cân đối, tiềm năng thui chột, tâm lý tự ti, chộp giật, không có kế hoạch phát triển bền vững. "Điều nguy hiểm là chưa hoặc rất hiếm hoi nghệ sĩ có thói quen tìm tòi sự mới lạ hay đặt mục tiêu xây dựng cá tính âm nhạc lên hàng đầu mà chủ yếu chạy theo trào lưu ngắn hạn", nhạc sĩ nhận định.

Giải pháp căn cơ là cải thiện môi trường làm việc, môi trường sáng tạo; đẩy mạnh thị trường âm nhạc lành mạnh, cạnh tranh lành mạnh hướng tới nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến. Đối với chế độ kiểm duyệt, cấp phép, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng cần sớm thay đổi theo định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho nhà sản xuất tư nhân, thay vì kiểm soát hay soi xét.