
Trong buổi chiều tĩnh mịch ở Molezuelas de la Carballeda, một ngôi làng nhỏ nằm khuất giữa những ngọn đồi của tỉnh Zamora, Tây Ban Nha, cụ ông 92 tuổi Nicolás de la Fuente dắt chó đi dạo trên con đường vắng hoe. Đôi mắt ông ngập tràn hoài niệm khi kể về quá khứ phồn thịnh của ngôi làng. "Chúng tôi có đủ thứ," ông nhớ lại. "Năm đàn cừu mỗi đàn 500 con, hai đàn dê 600 con, hàng trăm con bò, ngựa, gà... đủ cả."
Nhưng tất cả đã trở thành ký ức. Những cánh đồng từng xanh ngát nay hoang tàn, cửa hàng đóng cửa, tiếng trẻ con cười đùa giờ chỉ còn vang vọng trong ký ức người già. Với dân số chỉ còn 47 người, độ tuổi trung bình 70, Molezuelas trở thành nơi già cỗi nhất tỉnh Zamora - trái tim của vùng “Tây Ban Nha rỗng”.
Suy giảm dân số ở vùng nông thôn không chỉ là vấn đề của Tây Ban Nha mà đang trở thành một cuộc khủng hoảng trên khắp châu Âu. Trong vòng 10 năm đến 2024, dân số sống tại các vùng nông thôn của Liên minh châu Âu đã giảm gần 8 triệu người (tương đương 8,3%), trong khi dân số đô thị tăng hơn 10 triệu người.
Các khu vực nông thôn chiếm khoảng 40% diện tích EU, nơi sinh sống của gần 1/3 dân số khối này, đang dần trống vắng. Khi dân số thưa dần, cửa hàng, quán bar phải đóng cửa, dịch vụ y tế thưa thớt, trường học trống trải. Vòng xoáy khép kín ấy khiến ngày càng nhiều người rời đi.

Không chỉ là vấn đề dịch vụ, việc người dân rời nông thôn còn làm suy yếu di sản văn hóa, ngôn ngữ địa phương, nghề thủ công, ẩm thực và thậm chí là an ninh quốc gia.

Ở Phần Lan, thị trưởng Markus Hirvonen của khu vực Bắc Karelia bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự thiếu hụt trẻ em. Một số xã trong vùng đã giảm dân số xuống chỉ còn 1/3 so với những năm 1960. Tại cụm làng Juuka, năm ngoái chỉ có 9 trẻ chào đời trong khi 150 người qua đời. "Giờ đây, có rất nhiều ngôi làng gần như trống không," ông thở dài.
Để ứng phó, các nước châu Âu đang nỗ lực xoay chuyển tình hình, từ bán nhà với giá 1 euro, hỗ trợ tái thiết nhà cửa, trợ cấp dịch vụ thiết yếu, đến sử dụng công nghệ để cải thiện tiếp cận giáo dục và y tế.
Tuy nhiên, thực tế không dễ thay đổi. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, việc làm khan hiếm, dân số già hóa là những thách thức dài hạn.
Tại Molezuelas, thị trưởng Alexandre Satue Lobo đang cố gắng duy trì những dịch vụ cơ bản còn sót lại, dù ông thừa nhận việc đảo ngược xu thế suy giảm là điều bất khả thi.
Khó khăn càng nhân đôi khi dịch vụ công cạn kiệt. Trạm y tế chỉ mở cửa 1 buổi mỗi tuần, còn cửa hàng lớn gần nhất cách 40km. Người già sống dựa vào những xe tải bán hàng rong, mà chính những người bán hàng này cũng đang lần lượt nghỉ hưu. “Chúng tôi từng được phục vụ rất tốt, nhưng giờ thì họ đã già cả,” bà María del Pilar Martínez nói khi mua ổ bánh mì từ chiếc xe tải của bà Margarita Casado.
Ở Garfagnana, Ý - vùng núi xanh mướt giữa Pisa và Florence, nữ thị trưởng Raffaella Mariani phải dùng chính tiền lương của mình để chi trả cho các tiết học ngoại khóa âm nhạc, khoa học, toán học và dịch vụ trông trẻ. Chính quyền địa phương còn bán nhà bỏ hoang với giá 1 euro, biến quán bar làng thành điểm truy cập dịch vụ công, từ thanh toán hóa đơn đến hẹn khám bệnh và kết nối kỹ thuật số. Tuy nhiên, dù nỗ lực, Garfagnana vẫn mất 10,5% dân số chỉ trong một thập kỷ. Một số làng giờ hoàn toàn bị bỏ hoang.

Tại vùng cao nguyên Scotland, Hội đồng Highland đang đối mặt khủng hoảng kép: thiếu việc làm, thiếu nhà ở và thiếu dịch vụ cơ bản. Để khắc phục, họ mua lại công ty xe buýt để phục vụ người dân ở khu vực xa xôi, tạm dừng hoạt động trường học thay vì đóng cửa vĩnh viễn. Nhưng họ vẫn phải cân nhắc giữa việc duy trì trường học và đảm bảo trẻ có cơ hội học tập trong môi trường đầy đủ bạn bè.
Tại Bắc Karelia, Phần Lan, chính quyền triển khai giáo dục từ xa cho các môn học chuyên biệt, lập quỹ thu hút doanh nghiệp, y tế lưu động, trung tâm thể thao miễn phí và hỗ trợ tài chính cho gia đình có con nhỏ. Nhưng ngay cả thị trưởng Hirvonen cũng không giấu được sự bi quan: “Mỗi ngày tôi đều tự hỏi còn có thể làm gì thêm nhưng thật sự rất khó”.
Một số vùng bắt đầu dựa vào du lịch như một cách duy trì sức sống. Molezuelas hiện chào đón một số cư dân tạm trú mùa hè, chủ yếu là con cháu của những người từng rời làng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thừa nhận viễn cảnh sẽ là một nơi không còn cư dân thường trú, không có dịch vụ, chỉ còn khách nghỉ dưỡng theo mùa.
Dẫu vậy, vẫn có những hy vọng. Chính quyền tỉnh Zamora đã khởi động chương trình “Mi Pueblo Acoge” (Làng tôi chào đón bạn), thu hút người nhập cư từ Mỹ Latinh. 124 gia đình đã được tái định cư, trong đó có kỹ sư, bác sĩ, quản trị viên từ Venezuela. Một số người đã tiếp quản cửa hàng của người địa phương đã nghỉ hưu.
“Người ta gọi đây là Tây Ban Nha rỗng, tôi gọi đó là Tây Ban Nha của cơ hội,” ông Jesús Alemán, giám đốc tổ chức từ thiện Talento 58, nói.
Từ Outer Hebrides của Scotland, Christina Morrison - nhân viên văn phòng định cư ở đảo Uist, đang nỗ lực tái xây dựng hình ảnh vùng quê. Dù thẳng thắn về các vấn đề như thiếu nhà ở, dịch vụ chăm sóc trẻ và giao thông, bà vẫn nhấn mạnh những ưu điểm không thể phủ nhận về sự an toàn cho trẻ nhỏ, cộng đồng gắn bó, thiên nhiên hùng vĩ và một cuộc sống không áp lực.
“Không nơi nào trên thế giới đẹp hơn khi mặt trời ló rạng,” bà mỉm cười. Và có lẽ, đó là hy vọng cuối cùng mà châu Âu đang cố gìn giữ, không chỉ là phong cảnh, mà còn là linh hồn của làng quê.
Tham khảo FT