Mới đây, một con cá mái chèo còn sống quý hiếm đã trôi dạt vào bờ biển Playa Quemada, thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Đoạn video ghi lại khoảnh khắc này nhanh chóng lan truyền trên mạng, khiến nhiều người không khỏi tò mò về loài sinh vật bí ẩn này.
Cá mái chèo còn sống quý hiếm đã trôi dạt vào bờ biển Playa Quemada.
Cá mái chèo hay còn gọi Oarfish, có tên khoa học Regalecus glesne, là loài cá có xương dài nhất thế giới, với chiều dài lên tới 17m và nặng tới 270kg. Đây cũng là một trong những loài cá có xương sống lâu đời nhất. Chúng thường cư ngụ ở độ sâu khoảng 1.000m dưới mực nước biển, nhưng đôi khi bị dòng chảy mạnh hoặc thiên tai đẩy lên gần bờ.

Sự xuất hiện của cá mái chèo gần bờ thường gắn liền với nhiều quan niệm tâm linh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của loài cá này thường gắn liền với nhiều truyền thuyết và niềm tin dân gian. Loài cá này còn được gọi là "rồng biển", cá "đai vua" hay thậm chí là cá "ngày tận thế" vì từ lâu, người ta tin rằng sự xuất hiện của chúng là điềm báo trước thảm họa.
Theo quan niệm dân gian Nhật Bản, nếu xác cá mái chèo trôi dạt vào bờ, đó có thể là dấu hiệu sắp xảy ra động đất. Niềm tin này bắt nguồn từ truyền thuyết rằng cá mái chèo mang thông điệp từ cung điện của thần biển.
Một số nhà khoa học cũng cho rằng loài cá này nhạy cảm hơn với các chuyển động địa chất do sống ở vùng nước sâu, nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh chúng thực sự có thể dự báo động đất.
Hiện tại, các chuyên gia vẫn đang theo dõi và phân tích nguyên nhân khiến con cá mái chèo này trôi dạt vào bờ, nhằm tìm hiểu thêm về tập tính và môi trường sống của loài cá bí ẩn này.