Cuộc đình công kéo dài 24h tại Đức
CNN đưa tin, các cuộc đình công trên toàn nước Đức - một trong những cuộc đình công tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ - gây ra sự gián đoạn lớn tại các sân bay, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại cảng lớn nhất của đất nước này vào hôm 27/3 (giờ địa phương).
Cuộc đình công kéo dài 24 giờ vào ngày 27/3 do Công đoàn Verdi, Công đoàn đường sắt và vận tải EVG kêu gọi, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng cao làm giảm mức sống của người dân ở Đức. Lời kêu gọi đình công tập thể hiếm hoi ở Đức đánh dấu sự leo thang của tranh chấp tiền lương ngày càng gay gắt.
Cuộc đình công diễn ra vào ngày 27/3 ở Đức (Ảnh: Reuters)
Công đoàn Verdi đại diện cho khoảng 2,5 triệu lao động ở khu vực công, trong khi EVG đại diện cho 230.000 lao động tại các công ty vận hành đường sắt và tại các công ty xe buýt.
Công đoàn Verdi đã yêu cầu tăng lương 10,5% và EVG đang tìm kiếm mức tăng 12% cho các thành viên của mình với lý do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao.
Các chuyến bay tại 8 sân bay lớn bao gồm cả những sân bay ở Munich, Frankfurt và Hamburg, đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công. Hiệp hội sân bay Đức cho biết cuộc đình công "vượt quá mọi biện pháp có thể tưởng tượng", ước tính rằng khoảng gần 400.000 du khách không thể cất cánh vào hôm 27/3.
Các dịch vụ đường sắt đường cũng đã tạm dừng hoạt động trên khắp nước Đức vào hôm 27/3. Theo công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn, "cuộc đình công lớn" đã làm "tê liệt" đất nước. "Việc đình công với quy mô lớn này khiến hàng triệu hành khách đang phụ thuộc vào các phương tiện công cộng như xe bus, tàu hỏa bị ảnh hưởng".
Hamburg, cảng lớn nhất của Đức, cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh đình công, với các tàu lớn không thể cập cảng hoặc rời cảng.
Cuộc đình công làm gián đoạn giao thông công cộng (Ảnh: AFP)
Gánh nặng về chi phí sinh hoạt
Một số người khác ở Đức cũng đã chỉ trích các cuộc đình công. Karin Welge, người phát ngôn của VKA, một nhóm đại diện cho các nhà tuyển dụng trong khu vực công, gọi cuộc đình công là "sự leo thang vô cớ". Welge nói: "Hiếm khi tôi thấy người dân của một quốc gia bị ảnh hưởng theo cách như vậy".
CNN đưa tin, tuy nhiên, nhìn chung, người Đức ủng hộ rộng rãi các cuộc đình công. Trong một cuộc thăm dò gần đây của YouGov - một công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh, khoảng 55% số người được hỏi cho rằng các cuộc đình công là "nên" hoặc "hoàn toàn" hợp lý. Khoảng 38% cho biết hành động công nghiệp là "không nên" hoặc "hoàn toàn không" hợp lý, 8% người được khảo sát không trả lời câu hỏi.
Giống như nhiều quốc gia khác, Đức đang phải vật lộn với lạm phát cao sau sự kiện ở Ukraine khiến chi phí lương thực và năng lượng tăng vọt. Với lạm phát lên tới 8,7% trong tháng 2, các nhà tuyển dụng đã cáo buộc các công đoàn đại diện cho người lao động góp phần gây ra vấn đề thông qua yêu cầu tăng lương.
Các công đoàn phản đối điều này và nói rằng các thành viên của họ đã phải chịu gánh nặng về chi phí sinh hoạt tăng cao.
Những công nhân đình công mặc áo khoác dày, thổi còi và huýt sáo, giương biểu ngữ và vẫy cờ trong các cuộc biểu tình. Verdi cho biết đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Đức kể từ năm 1992.
(Ảnh: Getty)
Ảnh hưởng hạn chế
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho biết ảnh hưởng từ cuộc đình công đối với nền kinh tế Đức sẽ hạn chế.
Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Commerz, nói với Reuters: "Cuộc đình công lớn gây căng thẳng cho người dân và làm tổn hại danh tiếng của Đức với tư cách là một quốc gia dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động kinh tế của cuộc đình công kéo dài một ngày bị hạn chế vì hầu hết tất cả các doanh nghiệp, ngoại trừ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường".
Klaus Wohlrabe, một chuyên gia tại viện nghiên cứu kinh tế Ifo, cho biết các cảng bị phong tỏa, các chuyến bay bị hủy và các tuyến tàu trống có thể gây thiệt hại lên tới 181 triệu Euro (195 triệu USD).