
Mục sư Martin Luther King (Ảnh: Stephen F. Somerstein/Getty Images)
Đây là động thái gây chú ý trong chuỗi hành động của Tổng thống Donald Trump nhằm thực hiện lời hứa minh bạch hóa những vụ ám sát chính trị từng làm rúng động nước Mỹ. Trước đó, vào đầu năm nay, ông cũng cho giải mật hàng nghìn trang hồ sơ liên quan đến cái chết của cựu Tổng thống John F. Kennedy (1963) và Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy (1968).
Martin Luther King Jr. - mục sư da màu từng giành giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng lớn của phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi - bị ám sát ngày 4/4/1968 tại Memphis, Tennessee. Khi ấy, ông đang mở rộng tầm ảnh hưởng từ vấn đề chủng tộc sang các cuộc vận động vì hòa bình và công bằng kinh tế.
Theo tài liệu vừa được công bố trên website của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, FBI dưới thời Giám đốc J. Edgar Hoover từng coi mục sư King là "mối đe dọa" an ninh quốc gia.
Trong tuyên bố chính thức sau khi hơn 240.000 trang tài liệu mật được công bố, gia đình mục sư Martin Luther King - gồm hai người con còn sống là ông Martin Luther King III (67 tuổi) và bà Bernice King (62 tuổi) - kêu gọi công chúng "tiếp cận các tài liệu này với sự đồng cảm, tiết chế và tôn trọng nỗi đau chưa nguôi ngoai của gia đình".
Người bị kết án trong vụ ám sát mục sư King là James Earl Ray - một kẻ lang thang có tư tưởng phân biệt chủng tộc. Ray thừa nhận bắn King nhưng sau đó rút lại lời thú tội. Ông chết trong tù năm 1998.
Tuy nhiên, gia đình mục sư King không tin rằng Ray là hung thủ thật sự. Năm 1999, họ đã đệ đơn kiện dân sự tại Tennessee và bồi thẩm đoàn kết luận rằng "Martin Luther King Jr. là nạn nhân của một âm mưu có sự tham gia của Loyd Jowers và các đồng phạm chưa được nêu tên".
Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2024, ông Trump đã nhiều lần cam kết "trả lại sự thật cho lịch sử nước Mỹ" bằng cách giải mật các vụ ám sát nổi tiếng, vốn từ lâu là đề tài gây tranh cãi.