Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh phát hành album Hồi ký không tên của Vũ Thành An

Sau hơn 2 năm làm học trò của nhạc sĩ Nguyễn Quang, ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh phát hành album gồm 6 tuyệt phẩm của Vũ Thành An như một luận án công phu, nghiêm cẩn báo cáo công ơn người thầy.

Tiếng hát của Nguyễn Tuấn Anh qua từng ca khúc với chất nhạc mênh mang, trầm lắng, từ bài Không tên số 4, Không tên số 5, Không tên số 7, Không tên số 8 đến Đời đá vàng, Không tên cuối cùng cứ ru dịu lòng người bởi sự quấn quýt, lúc lại khoan thai cùng độ sâu nồng ấm mượt mà. Sau khi album Hồi ký không tên hoàn thiện, ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh đã gửi nhạc sĩ Vũ Thành An nghe và nhạc sĩ rất hài lòng.

Kỳ công của thầy và trò

Nguyễn Tuấn Anh vốn xuất thân là một ca sĩ dòng nhạc Bel Canto cổ điển. Anh có chất giọng rất đẹp, rất dày. Tuy nhiên, chất giọng thiên về phô diễn kỹ thuật này chưa phù hợp với dòng nhạc trữ tình.

Suốt hơn 2 năm, đều đặn mỗi tuần, vào 3 ngày cuối tuần, chàng ca sĩ từ Hà Nội bay vào TP.HCM để được người thầy của mình là nhạc sĩ Nguyễn Quang trực tiếp uốn nắn, dạy dỗ khắt khe sao cho anh có được tiếng hát vừa chắc khỏe vừa mượt mà cảm xúc.

Đó cũng là quá trình thầy và trò dồn tâm huyết thực hiện album nhạc xưa Hồi ký không tên với sự đồng ý, hỗ trợ của nhạc sĩ Vũ Thành An. Nhạc sĩ Nguyễn Quang cũng là người đứng ra tổ chức dàn nhạc cho Nguyễn Tuấn Anh, đồng thời đóng vai trò chỉ huy dàn nhạc và hòa âm phối khí.

Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh phát hành album Hồi ký không tên của Vũ Thành An - 1

Album được thực hiện một cách rất kỳ công. Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Thầy yêu cầu rất khắt khe, tôi phải rất nghiêm túc khi làm việc với thầy. Quá trình thu âm rất vất vả, thầy không cho tôi hát nối, sai thì bỏ hát lại, thu lại từ đầu. Có nhiều ngày hai thầy trò ở lì trong phòng thu suốt từ 9 giờ sáng cho đến 1-2 giờ khuya”. Và ngay cả khi đã hoàn thành, hai thầy trò vẫn nghe đi nghe lại và gửi các bản thu cho nhiều người giỏi thẩm âm để họ góp ý rồi chỉnh sửa công phu từng chút một.

Lần đầu tiên hát nhạc Vũ Thành An với dàn nhạc giao hưởng đồ sộ

Trong album Hồi ký không tên, lần đầu tiên nhạc Vũ Thành An được viết theo lối giao hưởng dưới sự chỉ đạo của “phù thủy hòa âm phối khí”- nhạc sĩ Nguyễn Quang.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang kết nối với những người chơi nhạc cụ xuất sắc nhất ở cả hai miền nam bắc để có một dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, trong đó thành phần quan trọng nhất là ban nhạc Nguyễn Quang đóng vai trò là khung của chương trình, gồm những người có tố chất nổi trội và đã làm việc lâu năm ăn ý với nhau.

Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh phát hành album Hồi ký không tên của Vũ Thành An - 2

Bìa album Hồi ký không tên của ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: NVCC

Điều tinh tế, kỹ lưỡng ở nhạc sĩ Nguyễn Quang là anh có chủ ý chọn dàn nhạc giao hưởng miền Bắc rất giỏi kỹ năng hàn lâm kết hợp với tính phiêu lãng, mượt mà và chuyên nghiệp của dàn nhạc giao hưởng miền Nam.

Sáu nhạc phẩm của album được thổi hồn giao hưởng vào rất hoành tráng. Riêng dàn nhạc dây là 40 cây, cello được chơi hay nhất bởi hai nghệ sĩ Đỗ Pha Lê và Hoàng Thế Mạnh rất nổi tiếng, violin cũng do những nghệ sĩ solo tên tuổi đảm nhiệm như Trịnh Minh Hiền, còn trống giao hưởng lớn bằng nửa chiếc ô tô được điều động có khi để chơi đúng một bài… Nhạc sĩ Nguyễn Quang chỉ huy dàn nhạc và viết tổng phổ ra giấy, anh phải bay ra, bay vào giữa hai dàn nhạc TP.HCM và Hà Nội không biết bao nhiêu lần. Toàn bộ hệ thống thu, dàn nhạc đều tối tân nhất.

Được nhạc sĩ Vũ Thành An ghi âm lời tự sự

Trong 6 bài hát của album Hồi ký không tên thì có 5 bài nhạc sĩ Vũ Thành An ghi âm đoạn tự sự bằng giọng nói đầy day dứt, cảm xúc. Như mở đầu bài Đời đá vàng, vị nhạc sĩ tài hoa có đoạn tâm tình: “Em yêu dấu, cuộc đời anh đã trải qua bao thăng trầm, biến cố, nếm trải bao hương vị ngọt ngào lẫn đắng cay (...) Em ơi chỉ có đi qua bao khổ đau, bao gian nan trong đời ta mới hiểu và trân trọng những giá trị cuộc đời này phải không em?”.

Nhạc sĩ Vũ Thành An vừa dứt lời thì đoạn intro giai điệu piano dập dồn kéo lên thanh âm violin riết róng, dẫn dắt tài tình cho giọng hát trầm ấm, mượt mà của Nguyễn Tuấn Anh nối nhịp: “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu... Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau...”.

Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh phát hành album Hồi ký không tên của Vũ Thành An - 3

Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh cùng nhạc sĩ Vũ Thành An và nhạc sĩ Nguyễn Quang trong phòng thu album Hồi ký không tên. Ảnh: Huỳnh Anh

Những bản phối tài tình của nhạc sĩ Nguyễn Quang

Nhạc sĩ Nguyễn Quang được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét là “phù thủy hòa âm phối khí”, có lẽ ở chỗ những bản phối của anh cứ như một cái nôi ôm ấp và tôn lên, đưa tiếng hát của ca sĩ thăng hoa nhất có thể. Ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Đắm chìm trong hòa âm phối khí của thầy, có những bản tôi nhắm mắt tôi hát mà cảm giác như mình đang ở trên mây, không ngừng được. Thầy đặt hòa âm rất hay và viết hòa thanh tuyệt đẹp. Khi tôi gửi những đoạn intro của thầy cho các nhạc sĩ nghe thì tất cả đều công nhận là xuất sắc, nghe vô cùng bắt tai và họ nhận ra ngay đây là hòa âm của Nguyễn Quang, không lẫn đi đâu được”.

“Bất kỳ ca sĩ nào cũng đều có mong muốn được hát trong một dàn nhạc giao hưởng lớn. Trong sự nghiệp âm nhạc 25 năm tôi đi hát đến nay, cuốn album Hồi ký không tên là dịp đầu tiên tôi vinh dự được hát trong một giàn nhạc giao hưởng hoành tráng, hoàn hảo dưới sự chỉ huy của một nhạc sĩ tài ba, tất cả diễn ra y hệt như trong một giấc mơ”, ca sĩ Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Album Hồi ký không tên được thiết kế, trình bày mang đậm chất vintage, có 4 định dạng gồm: audio CD, băng cassette, băng cối và đĩa nhựa. Album do Trung tâm Audio Space Nguyễn Ngọc Thiện phát hành vào ngày 9/12, phân phối trên toàn quốc.