Các nhà báo, chuyên gia nhận định: Nên mời đội tuyển nữ VN hơn là 32 cô hotgirl không am hiểu bóng đá bình luận World Cup

Nhiều khán giả cho rằng, việc đưa các cô gái xinh đẹp lên để bình luận bóng đá là không cần thiết và chỉ gây ra nhiều tình huống, phát ngôn "dở khóc dở cười".

Bên cạnh các trận đấu và những ngôi sao sân cỏ, World Cup 2022 còn được khán giả Việt Nam chú ý vì dàn "hot girl bình luận World Cup" trong chương trình "Nóng cùng World Cup 2022".

Các cô gái xuất hiện trong vai trò người hâm mộ của 32 đội tuyển, mặc áo đấu theo phong cách gợi cảm và trả lời một số câu hỏi đơn giản trong phần bình luận các trận đấu. Mặc dù vậy, việc họ có ít kiến thức về bóng đá khiến khán giả phản ứng.


Các cô gái đại diện cho 32 đội tuyển tại "Nóng cùng World Cup 2022"

Mới đây, một cô gái đại diện người hâm mộ đội tuyển Brazil đã nhầm đội tuyển Anh với Câu lạc bộ Chelsea. Khi được hỏi về cảm nhận đội tuyển Anh sau trận đấu với tuyển Iran, cô nói: "Các đại diện thi đấu cho Chelsea đã thể hiện rất tốt vai trò của mình và giúp Chelsea có một thế trận chơi hoàn toàn chủ động".


Cô gái đại diện đội Brazil gây chú ý vì nhầm tuyển Anh là Chelsea

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân: "Trong mọi trận đấu bóng đá, bình luận viên là phần vô cùng hấp dẫn và quan trọng, đặc biệt trong giải đấu lớn nhất hành tinh là World Cup.

Tôi rất cần và rất thích nghe các bình luận viên chuyên nghiệp thấu hiểu bóng đá bình luận trước, trong và sau trận đấu. Bình luận chuyên nghiệp sẽ làm cho người hâm mộ hiểu thêm về bóng đá, về đấu pháp trận đấu, về những diễn biến trận đấu và những thông tin mới mẻ về huấn luyện viên và cầu thủ".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không đồng tình với việc đưa các cô gái đẹp vào chương trình bình luận chỉ để "sắm vai fan đội này, đội kia và chiếm một thời lượng phát sóng nhất định".


Họ nói những câu đơn giản như "Argentina cố lên, Qatar cố lên" và luôn dự báo đội bóng mình đại diện sẽ giành chiến thắng. Điều này không mang lại giá trị chuyên môn cho chương trình.

"Các bạn gái đó quả thật xinh đẹp. Nhan sắc là một tài sản. Nhưng có lẽ tài sản trời cho ấy phải được đặt vào một không gian khác và tôi sẽ ngắm nhìn họ trong những không gian phù hợp. Còn khi đang xem các trận đấu 4 năm mới có một lần thì tôi cần nghe các chuyên gia giỏi bình luận" - ông Nguyễn Quang Thiều viết.


Hình ảnh tuyển "diễn viên" cho "Nóng cùng World Cup 2022"

Phản hồi với nhà thơ, một khán giả khác nói người xem bóng đá qua truyền hình hiện nay là người trẻ, và nhà đài đưa các cô gái đẹp lên sóng là vì "bọn trẻ thích thế". Nguyễn Quang Thiều không đồng tình, ông khẳng định có nhiều khán giả lớn tuổi xem World Cup.

Nhà văn Đặng Chương Ngạn cũng cho rằng nếu người trẻ là "tín đồ túc cầu" thì họ cũng thích nghe chuyên gia am tường về bóng đá bình luận.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhận định "tự thân bóng đá đã hấp dẫn, thu hút cả nhân loại rồi, không cần màu mè gì thêm". Bóng đá không nhất thiết phải đưa các cô gái đẹp lên cùng thì mới hấp dẫn.

Trên các trang cộng đồng có nhiều người trẻ theo dõi, "hot girl bình luận World Cup" cũng là chủ đề được quan tâm. Nhưng phản hồi cũng không tích cực, thường là chỉ ra những câu nói ngô nghê hoặc bình luận khiếm nhã về ngoại hình, trang phục các cô gái.


Trên các trang cộng đồng, sự việc cũng vấp phải ý kiến trái chiều

Bên cạnh việc các cô gái bị cười cợt, khán giả Vũ Hoàng Linh chỉ ra rằng đây là hành động "vật hóa" phụ nữ. Họ được chọn đại diện cho các đội bóng không phải vì họ thích hay am hiểu đội bóng đó, mà vì họ xinh đẹp, gợi cảm.

"Để các cô ấy nói lăng nhăng về bóng đá, về đội tuyển mà các cô ấy đại diện, mà có khi tuần trước đó cô ấy còn chưa biết đến là có nước đó trên đời, thì đó cũng chỉ là để mua vui cho khán giả mà đa phần là đàn ông, để họ cười cợt về kiến thức và hiểu biết thể thao của các cô ấy và của phụ nữ nói chung" - khán giả này phân tích trên trang cá nhân.


PGS, TS Nguyễn Phương Mai thì gợi ý nên mời các nữ cầu thủ "vàng" của Việt Nam bình luận hơn là 32 hotgirl: "Ước gì chương trình 'Nóng cùng World Cup', thay vì chọn 32 cô gái xinh đẹp đại diện cho 32 quốc gia, thì mời 32 nữ tuyển thủ Việt Nam, rồi thiết kế những nội dung tương tác phù hợp với tài năng của họ. 

Từ những thế hệ đầu tiên, họ đã luôn là những CÔ GÁI VÀNG, những CHIẾN BINH THỰC SỰ trên sân cỏ. Họ đã đem vinh quang về cho bản thân, đội tuyển và quê hương. Cùng với những đôi chân vẫn ngày ngày cày sân cỏ, nhiều người tuy đã rời cuộc chiến, nhưng kinh nghiệm, máu lửa và đam mê vẫn còn rực cháy.

Đưa họ lên chương trình quốc gia vừa văn minh, vừa có ý nghĩa, vừa tôn vinh tài năng của các tuyển thủ, vừa góp phần phá bỏ khuôn mẫu định kiến về phụ nữ và thể thao, vừa tạo niềm cảm hứng cho những cô gái nhỏ khác vươn lên theo đuổi đam mê sở thích của bản thân."