Tối 7/5, Cao Bá Hưng lần đầu tổ chức minishow riêng với tên gọi “Tự Tình” tại bến tàu Saigon Waterbus. Chương trình nằm trong khuôn khổ chuỗi dự án “Có hẹn với Sài Gòn”. Đây là dự án văn hóa, nghệ thuật phi lợi nhuận để phục vụ cộng đồng, dự kiến sẽ được tổ chức thường xuyên vào dịp cuối tuần.
Nam ca sĩ, nhạc sĩ cũng là người tự lên ý tưởng và dàn dựng cho minishow của mình. Lần đầu có đêm nhạc riêng, có thể nói rằng Cao Bá Hưng đã mang hết tâm huyết của mình với tổng cộng 12 tiết mục đa sắc màu, từ việc chơi những set nhạc điện tử kết hợp chất liệu dân gian, chơi nhạc cụ, biểu diễn các sáng tác mới, hát lại những bản hit cũ cho đến các tiết mục cover.
Lần lượt 12 màn trình diễn được anh thể hiện: “Nguyên Lai Y Cựu”, “Trống Cơm”, “Bình Bán Vắn”, “Tự Tình”, “Babie”, “Vẽ”, “Bốn Chữ Lắm”, “Tương Tư”, “Chim Sáo Ngày Xưa”, “Kết Duyên Tơ Hồng”, “Cô Gái Kéo Nhị”, “Bèo Dạt Mây Trôi”. Đêm nhạc của Cao Bá Hưng cũng có sự xuất hiện của một số khách mời đặc biệt như nhóm nhạc 4 Chị Em, nghệ sĩ tỳ bà Nghiêm Thu, nghệ sĩ piano Long An, nghệ sĩ saxophone Tuấn Lộc, ban nhạc Saigon Wave Band.
Cao Bá Hưng khiến khán giả thích thú khi mở màn minishow cùng set nhạc điện tử như một DJ thực thụ - là sự kết hợp táo bạo giữa đờn ca tài tử với nhạc trap hip hop. Không khí chương trình dần trở nên nóng hơn khi tiết mục âm nhạc đương đại Trống Cơm là những giây phút thăng hoa đầy ngẫu hứng giữa Cao Bá Hưng, nghệ sĩ Long An và nghệ sĩ Nghiêm Thu trên nền nhạc Hip Hop, piano và đàn tỳ bà.
Cao Bá Hưng kết hợp cùng nhóm 4 Chị Em
Sự xuất hiện của hai cô gái trẻ Cao Khánh Linh, Nguyễn Hoàng Phương Linh trong nhóm 4 Chị Em cũng là điểm nhấn thú vị (một thành viên vắng mặt). 4 Chị Em chính là nhóm nhạc gia đình của Cao Bá Hưng, với 4 chị em có chung đam mê âm nhạc dân tộc từng làm mưa làm gió tại chương trình Vietnam’s Got Talent 2014.
Kiên định theo đuổi các giá trị truyền thống, Cao Bá Hưng gây ấn tượng khi tự tin đem nhạc cụ dân tộc - đàn nguyệt lên sân khấu biểu diễn. Anh chọn bài thơ “Tự Tình” nổi tiếng của nhà thơ Cao Bá Quát để phổ nhạc. Là hậu duệ của nhà thơ tài hoa, Cao Bá Hưng rất tâm đắc với tác phẩm này và đã chia sẻ nhiều điều với khán giả về các tứ thơ cổ trong bài. Anh chọn chất liệu ca trù để phổ nhạc, cho tác phẩm có một đời sống mới.
Cao Bá Hưng trải lòng về quãng thời gian "ở ẩn"
Trong chương trình, khi được hỏi vì sao lại có quãng thời gian “ở ẩn” khá dài sau một cuộc thi, Cao Bá Hưng chia sẻ rằng, anh đã lắng lại để trau dồi bản thân và đi tìm câu trả lời cho việc “sẽ trở thành ai”. Anh bộc bạch: “Hưng nhận ra âm nhạc không phải giấc mơ lớn nhất của mình, âm nhạc là quá nhỏ. Điều Hưng mong muốn được làm, muốn hướng đến là văn hóa nghệ thuật truyền thống. Sinh ra trên đời, được trời đất ban cho một chút tài năng, một chút trí thông minh mà không cống hiến cho quê hương của mình, Hưng nghĩ dù có nổi tiếng hay kiếm nhiều tiền đến mấy, Hưng cũng không hạnh phúc được. Con đường này gai góc, nhiều khó khăn, vất vả nhưng Hưng rất hạnh phúc. Ước mơ bây giờ của Cao Bá Hưng đã chuyển sang một hướng mới rồi. Hưng muốn trở thành một nhà hoạt động văn hóa và đóng góp thật nhiều cho văn hóa truyền thống Việt Nam, không chỉ riêng âm nhạc”.
Cao Bá Hưng kỳ vọng đêm nhạc “Tự Tình” sẽ là bước chạy đà hoàn hảo cho các dự án tiếp theo của anh trong năm 2022.