Chuyện chi tiêu dịp Tết luôn là bài toán khó nhằn với các cặp đôi mới cưới. Tuy nhiên, không giống mọi năm, tình hình kinh tế đang có nhiều biến động ở thời điểm hiện tại gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập càng khiến các cặp đôi phải cân nhắc, tính toán nhiều hơn.
Nếu như những năm trước, mọi người thường có tâm lý Tết là dịp để tiêu tiền, cứ thoải mái vung tay thì đến năm nay, không ít cặp vợ chồng trẻ lại cho biết họ đã và đang lên kế hoạch tài chính chi tiết cho dịp Tết, hầu hết đều dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho cả những khoản mà trước đây họ coi là cố định.
Cắt giảm 50% chi tiêu cho dịp Tết 2023
Thúy Nhi (25 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay, kinh tế khó khăn hơn và tình hình cắt giảm nhân sự ở nhiều nơi khiến vợ chồng mình rất đau đầu về bài toán chi tiêu dịp Tết này. Hiện tại, vợ chồng mình đang cân nhắc về việc chỉ sắm sửa đơn giản đủ để cúng gia tiên, còn lại chủ yếu tiết kiệm và lo cho con nhỏ. Nhìn chung, các khoản chi cho Tết năm nay của gia đình mình phải giảm đi khoảng 50% so với năm ngoái về mọi mặt".
Không còn háo hức đón Tết như mọi năm, Thúy Nhi cũng cho biết cô sẽ cắt giảm các khoản đầu tư cho bản thân mình và chi phí trang hoàng nhà cửa. Chẳng hạn như mọi năm, Nhi dự tính sẽ mua cây đào hoặc cây mai cỡ lớn chưng trong nhà nhưng năm nay sẽ chỉ mua cành đào nhỏ rồi trang trí điểm xuyết để nhà có không khí Tết mà vẫn tiết kiệm.
"Mặc dù bản thân Nhi cũng tự thấy mình không phải người hoang phí, cũng không hay mua liền một lúc nhiều thứ mà chỉ mua những món đồ thật sự cần thiết. Và hầu hết các khoản mua sắm này đều đã nằm trong ngân sách cố định mình sẽ trích hàng tháng nhưng mình vẫn khá lo lắng vì hiện tại, thu nhập của 2 vợ chồng đều không tăng" - Thúy Nhi nói.
Chia sẻ về dự tính cân đối lại ngân sách sắm sửa quà biếu dịp Tết, Nhi cũng cho biết sẽ tự đi chọn và mua đồ về để gói quà tặng gia đình 2 bên nội ngoại chứ không mua sẵn ở ngoài.
Tranh thủ săn sale trước cả tháng để sắm Tết
Thu Hiền chọn cách mua đồ trước vào các dịp khuyến mãi lớn để tiết kiệm.
Dù việc này khá mất thời gian nhưng Thu Hiền (29 tuổi, nhân viên kế toán, Thái Nguyên) cho biết năm nay thu nhập bị giảm sút khá nhiều nên ngay từ đầu năm cô đã phải siết lại các khoản chi. Thói quen này được duy trì cho cả dịp Tết này.
"Năm nay, vào dịp Black Friday mình cũng đã chuẩn bị trước 1 tháng lương để dành riêng cho việc sắm Tết. Mình chủ yếu đặt mua 1 số món đồ cần thiết như đồ gia dụng, quần áo, giày dép cho bản thân. Nhờ thế mình cũng tiết kiệm được khá nhiều. Tuy việc sắm đồ vào thời điểm này sẽ khiến mình phải tính toán, đắn đo nhiều hơn vì chưa đến Tết thì mua sắm chả có không khí gì đâu, nhiều khi còn mua phải những món đồ không cần thiết nữa.
Vì kế hoạch sang năm có em bé nên bọn mình phải tiết kiệm ngay từ bây giờ, bọn mình cũng quyết định chỉ dành 3 triệu để mua sắm quần áo, giày dép cho cả hai vợ chồng. Còn lại mình cũng đang tìm kiếm thêm các deal giảm giá để mua kẹo bánh, trà mứt, rượu bia. Nếu có mình sẽ mua luôn vì các đồ này hầu hết đều sử dụng được lâu, dễ bảo quản, không lo ảnh hưởng đến chất lượng" - Thu Hiền cho biết.
Mặc dù bằng cách này, Hiền sẽ có thể gặp phải một vài rủi ro về việc lựa không được món đồ như ý và mua sắm vào lúc mình chưa cần tới có thể khiến bản thân chi tiêu quá tay vào những thứ không thật sự đáng.
Tuy nhiên, Hiền cũng chia sẻ, cô phải tìm hiểu và tính toán rất kỹ lưỡng về vấn đề này để hạn chế tối đa những khoản không đáng có.
Có thể thấy, quan điểm về thói quen chi tiền sắm Tết của những cặp đôi mới cưới đã thay đổi khá nhiều so với trước đây. Đa số người trẻ đều ý thức rằng, dù Tết là dịp để tri ân, gia đình sum họp nhưng Tết cũng là dịp mở ra 1 năm mới với vô vàn kế hoạch lớn nhỏ nên việc kiểm soát chi tiêu để không lạm chi sau Tết với những rắc rối tiền bạc bủa vây gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mới là điều mà các cặp vợ chồng trẻ ưu tiên. Với nhiều người, sắm Tết tiết kiệm có thể ảnh hưởng tới yếu tố tinh thần nhưng chỉ cần bạn biết cách thiết lập và quản lý chi tiêu, Tết vẫn sẽ vui như những gì bạn mong.