Đám cưới là sự kiện trọng đại trong đời mỗi người, vì vậy ai cũng mong muốn hôn lễ của mình được tổ chức trong khung cảnh thật lung linh, đẹp đẽ và hoành tráng, để cô dâu và chú rể cùng sánh bước bên nhau tiến vào hôn trường trong những tràng pháo tay và những lời chúc phúc của mọi người.
Khi tổ chức tiệc cưới, ai mà chẳng muốn nhận được thật nhiều lời chúc phúc, khách khứa đến đông đủ, uống rượu mừng với chú rể. Thẳng thắn mà nói, dẫn đến chuyện "ế cỗ" là điều gia chủ nào khi bày tiệc cũng sợ nhất. Nếu như thừa vài mâm cỗ thì còn dễ bề xử lý, thừa đến cả hàng chục mâm thì thật sự đáng buồn.
Mới đây, một đám cưới bất thường ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng nước này.
Theo đó, như phong tục địa phương thì mời đi ăn cỗ cưới không cần đến thiệp. Bởi vậy, gia đình chú rể chỉ thông báo cho hàng xóm thân thiết và khách mời trong làng mà thôi. Theo quy củ của làng từ trước đến nay, một nhà có hỷ thì cả làng đến ăn cỗ. Khi dân làng biết tin người đàn ông này kết hôn, họ cũng vui vẻ gửi lời chúc phúc. Bởi vậy gia đình anh hoan hỷ, chuẩn bị cỗ cưới cho đủ với số lượng khách mời trong làng.
Họ đã làm 100 bàn tiệc dành cho khoảng 1000 khách mời là dân làng địa phương. Thế nhưng kết quả là không một ai trong số hơn 1 ngàn vị khách trong làng có mặt đến chung vui với họ. Đám cưới đìu hiu chỉ có thể diễn ra với một vài người thân và bạn bè của cô dâu chú rể.
Trong những bức hình được đăng tải, nhà chú rể bày tiệc trên một khoảng sân rộng lớn. Tất cả mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, hôn lễ trang trí đẹp mắt nhưng tất cả đều trống vắng vì không có khách ngồi.
Nhìn khung cảnh đám cưới vắng vẻ, ế đến cả trăm mâm cỗ, chú rể và bố mẹ vô cùng lo lắng, buồn bã. Hôn lễ mà lại chẳng có mấy người đến chúc phúc thật sự đìu hiu làm sao.
Bố mẹ chú rể đã đến từng nhà để mời mọi người đến dự tiệc. Tuy nhiên dân làng đều viện cớ nói rằng đang có việc phải làm nên không tới.
Cặp đôi tổ chức đám cưới bày 100 bàn nhưng không ai đến dự, biết được lý do khiến ai cũng bất ngờ.
Sau đó, mẹ của chú rể cũng ra sức đi tìm hiểu sự việc. Bà thật sự áy náy, băn khoăn chẳng rõ lí do gì mà con trai lại chẳng được người làng tới chúc phúc trong đám cưới. Mãi đến cuối tiệc cưới, mẹ của chú rể mới thở dài và nói: "Đó là vì chúng ta không biết cách đối nhân xử thế".
Sau khi hỏi cặn kẽ, mẹ của chú rể mới giải thích vì vợ chồng bà đi làm ở ngoài đã lâu nên bao nhiêu năm qua, bà không hề tham gia các buổi vui hay tang lễ của làng.
Thế nên với tiệc cưới của nhà họ lần này, tất cả dân làng đều ngầm hiểu và không đến chúc mừng như một cách "đáp lễ" sự vắng mặt của bà. Vậy nên gia đình cũng không có lý do gì để trách cứ họ.
Sau khi câu chuyện được đăng tải, đã có nhiều những bình luận của dân mạng nổ ra. Cũng có tranh cãi xung quanh sự việc.
Một số người cho rằng, nếu như không đến dự tiệc cưới thì ngay khi người ta đi mời, dân làng nên nói luôn. Gia đình chú rể có sự chuẩn bị thì sẽ không dẫn đến tình trạng thừa cỗ, ế cỗ đến cả gần trăm mâm như thế. Thiệt hại về kinh tế lớn cộng với khung cảnh đìu hiu vào ngày cưới chắc chắn khiến cô dâu chú rể rất buồn lòng.
Số khác cho rằng gia đình chú rể cũng thật sự có lỗi. Dù sao thì văn hóa làng xóm cũng cần qua lại, giúp đỡ lẫn nhau, nó như một vòng tròn liên tục vậy, cần cho đi và nhận lại. Gia đình chú rể đã tách rời quá lâu, không tham gia vào sự kiện nào suốt thời gian dài nên cũng chẳng thể trách móc dân làng được.