Mặc dù cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện nhưng sự chênh lệch giàu nghèo vẫn tồn tại rất rõ trong xã hội. Trong khi nhiều người thoải mái trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, ở ngoài kia có không ít người phải vật lộn cuộc sống mưu sinh lo từng bữa ăn mỗi ngày. Và điều đáng buồn nhất, một phần trong số đó là những đứa trẻ đã sớm phải lăn lộn ra ngoài đời.
Mới đây, một cư dân mạng có tên Rahmadi đã sử dụng tài khoản Instagram của mình để giới thiệu một trường hợp cậu bé 14 tuổi, đạp xe vòng quanh Barabai, Indonesia bán bánh ngọt sau khi người cha đột ngột mất việc làm.
Trong bài viết của mình, Rahmadi đã viết:
"Hầu hết trẻ em hiện nay không phải lo âu về bất kỳ chuyện gì cả, mọi thứ đã có bố mẹ lo, chúng chơi đùa với bạn bè hoặc chơi điện tử cả ngày, không cần phải đổ mồ hôi để vật lộn với cuộc sống. Thế nhưng, một bé 14 tuổi tên là Muhammad Haiqal, đang sống trong một căn nhà nhỏ thuê trong hẻm Hijrah ở miền nam Kalimantan ngày đêm vật lộn với cuộc sống mưu sinh.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, cha của cậu - người từng làm công nhân xây dựng đột ngột không có việc làm. Do đó, để giúp đỡ cha mình, cậu bé quyết định bán bánh ngọt trên một chiếc xe đạp nhỏ.
Cậu bé sẽ rời nhà vào lúc 4 giờ sáng, bắt đầu làm bánh và lang thang khắp nơi để bán, chỉ trở về nhà lúc 10 hoặc 11 giờ sáng. Sau đó, cậu bé tiếp tục bán bánh lại từ lúc 2 giờ chiều và cho đến khi màn đêm buông xuống.
Sự kiên trì làm việc của cậu bé không phải là để mong đợi có thể sở hữu một chiếc điện thoại di động nào, mà chỉ là mong có thể có được bữa cơm qua ngày".
Khi chia sẻ về mình, Rahmadi cho biết, bản thân sinh ra trong một gia đình có cha là người dọn rác và mẹ bán đồ vỉa hè. Thế nhưng, dù cuộc sống khó khăn, nhưng họ vẫn muốn giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.
Rahmadi cũng là một đứa trẻ kém may mắn, anh hy vọng khi chia sẻ câu chuyện của cậu bé Muhammad Haiqal, có thể giúp cho nhiều người biết đến và tìm mua ủng hộ cậu bé.
"Nếu bạn từng nhìn thấy cậu bé này, hãy giúp mua bánh ngọt của cậu ấy. Số tiền cậu bé buôn bán từ những miếng bánh này không phải để làm giàu mà là để tồn tại trước cuộc sống khó khăn hiện nay", Rahmadi nói thêm.
Trước bài đăng của Rahmadi, nhiều người nhận ra, việc mua những món đồ từ người ven đường, tuy có thể là bản thân không cần nhưng lại có thể giúp cho họ có được bữa ăn vào ngày mai.