Từ năm 2018 đến nay, khoảng 16 học sinh THCS trên cả đất nước Trung Quốc được tuyển thẳng vào Trung tâm Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng. Trương Tấn Các là học sinh duy nhất của tỉnh Sơn Đông và là người đầu tiên của TP Tế Nam được chọn.
Trương Tấn Các vinh dự lọt vào danh sách trúng tuyển của Chương trình đào tạo tài năng trẻ Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng. Nam sinh được tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa mà không cần thi. Theo đó, quá trình học của nam sinh diễn ra 8 năm liên tục, áp dụng mô hình đào tạo "3+2+3", cụ thể như sau: 3 năm đại học, 2 năm thạc sĩ và 3 năm tiến sĩ (mô hình đào tạo dành riêng cho thiên tài trẻ).
Chia sẻ về cảm xúc, Trương Tấn Các nói: "Nhờ vào những thành tích và kiến thức có được, em tự tin được chọn. Do đó, em không bất ngờ về kết quả. Em đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần bắt đầu hành trình mới".
Trương Tấn Các cho rằng, vào Đại học Thanh Hoa không phải là kết thúc, đây là điểm khởi đầu tốt cho việc học và nghiên cứu chuyên sâu. "Trước khi vào đại học, thời gian này em tiếp tục học và bổ sung kiến thức. Em sẽ tập trung vào việc nâng cao khả năng học của bản thân", nam sinh lớp 9 chia sẻ với Paper
Tài năng sớm bộc lộ
Ngay từ khi còn nhỏ, Trương Tấn Các đã thể hiện rõ niềm đam mê toán học và sự nhanh nhạy với các con số.
"Khi học mẫu giáo, em đã giải được các bài toán của lớp 5, lớp 6. Khi học lớp 2, em đã học hết kiến thức chương trình toán ở tiểu học. Lớp 5, em nắm vững nội dung toán cấp trung học cơ sở. Đến lớp 7, em đã tự học xong kiến thức toán cấp trung học phổ thông", nam sinh chia sẻ.
Tiết lộ bí quyết học tập
Để tạo thói quen chủ động trong học tập, Trương Tấn Các thường lập ra các kế hoạch học ngắn hạn, dài hạn để biết rõ bản thân đã và đang học những gì.
"Việc lập kế hoạch học tập và cố gắng hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chưa thể hoàn thành theo đúng kế hoạch ban đầu, em cũng không thất vọng và chán nản mà sẽ tìm cách khắc phục để đạt kết quả tốt nhất", nam sinh lớp 9 chia sẻ.
Trương Tấn Các tin rằng, việc chủ động học là quan trọng nhất, đó là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công. Nam sinh cho biết: "Bố mẹ không kiểm soát việc học của em và không đưa ra yêu cầu cao. Em hoàn toàn chủ động học theo tốc độ và năng lực cá nhân".
Lên cấp 2, bên cạnh việc hoàn thành chương trình học ở trường, Trương Tấn Các bắt đầu tìm hiểu sâu về toán học. Biết được tài năng của nam sinh, nhà trường cũng tạo điều kiện giúp Trương Tấn Các nhiều lần được đồng hành cùng thầy cô đến Bắc Kinh (Trung Quốc) tham dự hội thảo, khóa học và bài giảng liên quan đến toán học.
Trương Tấn Các không tham gia các lớp học thêm bởi nam sinh cho rằng, việc học thêm là không cần thiết, không giúp ích nhiều cho học sinh.
"Kể cả khi tham gia Olympic toán học quốc tế, em cũng chưa từng đăng ký bất kỳ lớp luyện thi nâng cao nào. Em nghĩ học thêm chỉ là phụ, không có nhiều hiệu quả. Điều quan trọng nhất là sự chủ động, cầu tiến trong học tập sẽ giúp cải thiện khả năng tư duy và nâng cao thành tích", nam sinh nhận định.
Khác biệt với các thiên tài thế hệ trước, Trương Tấn Các không chỉ chú tâm vào nghiên cứu mà còn rất quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng mềm và rèn luyện sức khỏe. Cậu hòa đồng, thích thể thao và thường xuyên chơi bóng rổ, cầu lông, bóng bàn với bạn của mình.
Thầy Mạo Bân - giáo viên trường THCS số 2 Lịch Thành, là chuyên gia luyện thi Olympic toán - cho biết: "Mặc dù có năng khiếu môn toán, Trương Tấn Các vẫn học đều các môn và tích cực trau dồi những kiến thức xã hội. Em luôn chú trọng đến sự phát triển toàn diện".
Quy trình tuyển chọn thiên tài khắt khe
Theo Sohu, chương trình đào tạo tài năng trẻ Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng (của Trung tâm Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng trực thuộc Đại học Thanh Hoa) tuyển dụng và đào tạo học sinh khắp nơi trên thế giới có tiềm năng và chuyên môn Toán đặc biệt.
Mục đích của chương trình là đào tạo nhóm tài năng trẻ hàng đầu thế giới có khả năng dẫn dắt hoặc phát triển Toán học cơ bản và các lĩnh vực ứng dụng liên ngành.
Số lượng tuyển mỗi năm không quá 100 chỉ tiêu. Những sinh viên được tuyển đều thuộc Khoa Toán và Toán học ứng dụng của Đại học Thanh Hoa. Họ được đào tạo tại Trung tâm Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng và áp dụng mô hình “3+2+3”, quá trình diễn ra liên tục 8 năm từ đại học đến tiến sĩ.
Trương Tấn Các (ở giữa) tại buổi công bố danh sách lớp tài năng trẻ Toán học năm 2024 của Đại học Thanh Hoa. Ảnh: Paper
Trong giai đoạn dự bị, sinh viên làm bài kiểm tra về khả năng thích ứng. Nếu vượt qua, sinh viên làm thủ tục nhập học mà không cần thi đại học.
Quy trình tuyển chọn, diễn ra 4 ngày liên tục:
Ngày 1 (thi sáng): Thí sinh làm bài kiểm tra toàn diện, hình thức thi tự luận gồm 8 câu hỏi theo chủ đề mở rộng.
Ngày 2 (thi sáng và chiều): Thí sinh làm bài kiểm tra chuyên môn: Sáng thi Toán, chiều thi Vật lý. Trước khi thi mỗi môn, thí sinh được nghe giảng (60p). Sau khi bài giảng kết thúc, đề thi được phát ra thời gian thí sinh làm bài bắt đầu tính (120p).
Ngày 3: Công bố kết quả, thông báo được gửi vào tối muộn. Các thí sinh nhận được thư vượt qua 2 bài kiểm tra toàn diện và chuyên môn sẽ tham gia thi phỏng vấn ngày 4.
Ngày 4 (cả ngày): Áp dụng với thí sinh nhận được thông báo vượt qua vòng 1 và 2, hình thức phỏng vấn trực tiếp. Đây là vòng thi tập trung vào việc kiểm tra và trau dồi khả năng tư duy, kỹ năng phản biện, độ nhạy bén của sinh viên.