Khi nhắc đến sakuga (ngắn gọn và dễ hiểu thì sakuga là những cảnh đẹp nhất trong một tập anime), trên thực tế thì đa phần mọi người đều "đánh đồng" sakuga với những đoạn hành động bỏng mắt, nhưng thuật ngữ này không chỉ bao quát các cảnh hành động với biên đạo đẹp mắt, mà còn để diễn tả những cảnh nhân vật "diễn xuất", thể hiện các cung bậc cảm xúc qua từng động tác tỉ mỉ dưới ống kính điện ảnh.
Một số ví dụ khác dễ dàng nhận ra, là khi xem những tác phẩm từ Kyoto Animation, hoặc Dogakobo, bạn sẽ nhận ra sự trẻ trung năng động của nhân vật qua hoạt ảnh, thậm chí, khi nhân vật trò chuyện với nhau, hãy để ý, các nhân vật không bao giờ "đứng yên" với mỗi cái miệng nhép nhép, mà luôn có những động tác, cử chỉ thân thể góp phần "phụ hoạ" thêm cho lời nói của họ, như cử động ánh mắt, đôi tay, khi thì một cái nhún vai, nhịp chân và vv ... mà nếu không tinh mắt, thì rất dễ bỏ sót.
Có lẽ, một phần nguyên nhân là do cách thức chúng ta "tiếp nhận" anime. So sánh tương đồng thì nó giống như một tác phẩm hành động với một tác phẩm slice of life vậy. Tác phẩm hành động thì thường dễ xem hơn, và cũng không mất nhiều thời gian để kéo cặp mắt khán giả vào những đoạn hành động bóng mẩy, mãn nhãn, cho dù họ không để ý đến tình tiết hay sự việc đang diễn ra.
Với Slice of life, thì điều này khó hơn. Đây là một thể loại đã kén người xem, nên việc yêu cầu khán giả nhập tâm hơn để chú ý những gì nhân vật cảm thấy/thể hiện cũng là một thách thức lớn. Và điều này cũng tương tự với action và character acting. Xem anime đã là một việc tốn thời gian, do vậy, bất kì ai cũng muốn "tận dụng" tối đa khoảng thời gian bỏ ra (thú thật với mình đi, bao nhiêu người vừa xem 1 tập anime vừa làm chuyện khác?). Với những cảnh hành động long trời lở đất, tất nhiên nếu hiểu được động cơ/nguyên do thì sẽ làm cho đoạn cảnh hấp dẫn hơn, nhưng nếu không quan tâm, thì ta vẫn có thể thưởng thức toàn vẹn đoạn cảnh ấy.
Với character acting, điều này lắt léo hơn. Để thấu hiểu được cảm xúc, cũng như hành động của nhân vật thể hiện qua phần "diễn xuất" - đòi hỏi người xem phải có sự quan sát theo dõi ngay từ đầu, vd như để khám phá ra động cơ của họ, vì lí do gì dẫn đến sự bộc phát này. Nôm na là "nhập tâm" hơn với câu chuyện. Và trừ phi bạn thật sự yêu thích câu chuyện/nhân vật hoặc cả tác phẩm, thì việc chú ý đến những "tiểu tiết" để làm nổi bật hơn phần "diễn xuất" của nhân vật luôn là một thách thức lớn với bất kì người xem nào - và điều này theo mình hiện hữu rõ nhất trong anime với hình thức chiếu tuần, vừa rời rạc vừa chỉ có 30' đồng hồ.
Nhưng khi bạn đã làm được, thì dù qua một ánh nhìn, liếc mắt, hay một câu thoại, nhún vai ... cũng đủ giúp bạn khám phá ra cả chân trời mới trong tâm hồn nhân vật/tác phẩm.