Đào Phan Vũ Hồng Vân (sinh năm 1987, quê Vĩnh Phúc, hiện sống tại Hà Nội) là cháu ngoại của cố nhà văn Nguyên Hồng. Đó cũng là một phần lý do khiến cô có cái tên đặc biệt mà suốt 37 năm cuộc đời nhiều lần rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.
Hồng Vân kể, bố mẹ cô là mối tình đầu, cũng là mối tình cuối của nhau. Từ khi yêu cho đến khi chào đón đứa con đầu lòng, bố mẹ cô luôn dự định đặt tên con gái là Vân. Tên trong giấy chứng sinh ở bệnh viện của cô là “Đào Giáng Vân” nhưng đến khi làm khai sinh, bố cô đã “quay xe”, đặt cho con gái một cái tên khác. Có lẽ bởi quá trình mang thai, sinh nở của mẹ cô quá gian nan nên khi hạ sinh con đầu lòng, dù là gái hay trai cũng hàm chứa hy vọng lớn lao của cả gia đình.
“Tên mình là Đào Phan Vũ Hồng Vân. Đào là họ bố, Phan là họ bà nội, Vũ là họ bà ngoại, Hồng là tên của ông ngoại mình – nhà văn Nguyên Hồng. Anh trai của bà nội mình là con trai duy nhất lại hy sinh khi chưa có vợ con nên bố đã lấy thêm họ Phan trong tên con gái đầu lòng như một sự tưởng nhớ, an ủi động viên bà!”, Hồng Vân kể.
Chữ “Hồng” trong tên của Hồng Vân cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Đó không chỉ là tên của ông ngoại cô mà còn là tên của vị bác sĩ đã giúp đỡ mẹ cô hết lòng trong hành trình mang thai, sinh nở đầy khó khăn vất vả thời bao cấp: bác sĩ Hoa Hồng. Hồng Vân chào đời bằng phương pháp sinh thường với cân nặng 4,4kg. Đó là chuyện không hề dễ dàng với cả mẹ cô và các nữ hộ sinh vào thời điểm năm 1987.
“Các thành viên khác trong gia đình họ ngoại của mình, ngoài Hồng Vân ra còn có những cái tên khác nữa cũng có chữ “Hồng” kèm theo, với nhiều ý nghĩa thú vị”, Hồng Vân chia sẻ.
Hồng Vân cùng gia đình chụp ảnh kỷ niệm dưới bức chân dung của nhà văn Nguyên Hồng
Với cái tên vừa dài, vừa khó đụng hàng, câu chuyện “Hãy kể sự tích tên em” đã được Hồng Vân tua đi tua lại từ cấp tiểu học đến bậc thạc sĩ. Ngay cả khi thuyết trình ở Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, cô nàng cũng “được” kể lại câu chuyện này.
“Lần thi tốt nghiệp THPT năm 2005, giám thị phòng mình đã phải chạy đi hỏi thầy giám sát điểm thi xem khâu đánh máy có nhầm lẫn ở đâu không, khả năng đây là tên của 2 người bị “kẹp díp” vào nhau chăng? Mỗi lần tham gia các kỳ thi quan trọng như: thi tốt nghiệp, tuyển sinh đầu cấp, thi học sinh giỏi… mình đều phải “cắm cổ” viết tên lên giấy thi kẻo hết giờ chỉ vì cái tên quá dài”, Hồng Vân kể lại.
Năm 2011, Hồng Vân phải phẫu thuật. Trước khi cô thiếp đi bởi thuốc gây mê, ê kíp bác sĩ đã hỏi: “Tên em có ý nghĩa thế nào vậy?”, để kiểm tra phản ứng của bệnh nhân.
Có những lần ra sân bay, đội nhân viên an ninh kháo nhau thắc mắc: “Cô này tên gì mà lạ lắm nè”. Hay loa phát thanh gọi: “Xin mời hành khách Đào Phan…” rồi ngập ngừng vài giây mới nói tiếp “Vũ Hồng Vân, khẩn trương ra cửa số X để chuẩn bị khởi hành”.
Giao dịch ở ngân hàng cũng là một “kiếp nạn” của Hồng Vân bởi, đó là cuộc chiến “kí và ghi rõ đầy đủ họ tên”.
“Có lẽ, hành trình đi đẻ sau này của mình cũng có nhiều điều cười ra nước mắt. Chỉ mong luôn có chồng mình đồng hành bởi đọc hay viết đầy đủ họ tên dài như vậy cũng là điều khó khăn với một sản phụ đang trong cơn chuyển dạ”, Vân hài hước nói.
Gia đình Hồng Vân chụp ảnh cùng bức tượng đồng nhà văn Nguyên Hồng
Điều khiến Hồng Vân tự hào nhất về tên mình là có một phần tên của ông ngoại trong đó – nhà văn Nguyên Hồng.
Ông ngoại Hồng Vân mất trước khi cô ra đời 5 năm (1982) nên những gì cô biết về ông là qua những trang sách thấm đẫm tình yêu thương dành cho người cùng khổ, qua lời kể của những nhà văn cùng thời và trong kí ức của những người thân trong gia đình.
Hồng Vân từng có bài báo “Ông ngoại tôi – Nhà văn Nguyên Hồng” được đăng trên báo năm 2011. Đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của cô là thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, trong đó có những bài thơ của nhà văn Nguyên Hồng.
“Mẹ mình tên là Nguyễn Thị Nhã Nam, dì ruột mình tên Nguyễn Thị Yên Thế. Nhã Nam - Yên Thế đều là các địa danh nổi tiếng gắn liền với khởi nghĩa Yên Thế hào hùng năm xưa cũng như huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ngày nay. Mỗi tên gọi của các bác, các dì đều được ông bà ngoại gửi gắm nhiều ý nghĩa và ước nguyện thiêng liêng”, Hồng Vân tâm sự.
Hồng Vân từng nghe bố nói: “Đặt tên cho con là quyền tối thượng của người làm cha mẹ”. Đối với cô, tên gọi không chỉ là dấu ấn cá nhân, những danh từ riêng được viết hoa đi theo ta suốt cuộc đời, mà còn là mong muốn, ước ao, hay kỉ niệm của mẹ cha.
Hồng Vân không cổ xuý việc đặt tên con quá rườm rà, khó đọc, a dua theo trào lưu. Cô cho rằng, trong xã hội hiện đại, những cái tên với 2 - 3 âm tiết hoặc mang họ kép của bố và mẹ sẽ không bao giờ bị lỗi thời, thuận tiện trong các giao dịch đời sống.
“Mọi người thường gọi mình là Hồng Vân nhưng mỗi khi được gọi với cái tên đầy đủ 5 chữ, mình vẫn thấy bồi hồi. Cái tên đi theo mình suốt cuộc đời, mỗi khi đặt bút kí và ghi rõ họ tên trên bất kì trang giấy nào, với mục đích gì, mình đều thấy tự hào và yêu thương đấng sinh thành hơn bao giờ hết. Mong sao mỗi đứa trẻ sinh ra đều được cha mẹ đặt cho cái tên thật ý nghĩa để mỗi khi nghĩ về lại thấy mình được yêu thương và cần phải sống tử tế, thiện lương, có ích cho gia đình, xã hội”, Hồng Vân tâm sự.