Nhiều nơi tại Đông Nam Á đang phải vật lộn với đợt nắng nóng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ. Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng bất thường xảy ra thường xuyên, kéo dài và dữ dội hơn.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan những ngày này nắng đổ lửa. Nhiệt độ ghi 37oC nhưng độ ẩm cao đã đẩy nhiệt độ cảm nhận thực tế có thể lên tới 43oC.
Bất chấp cái nóng gay gắt, những người làm nghề giao đồ ăn nhanh này vẫn kiên nhẫn đứng đợi để nhận đồ cho khách hàng.
Ông Seksith Prasertpong - người giao đồ ăn nhanh, Thái Lan - cho biết: "Lượng đặt hàng vẫn ổn định, chỉ có điều thời tiết nóng nực khiến công việc này vất vả hơn. Rồi lại tắc nghẽn giao thông trên phố nữa vì ai cũng muốn di chuyển bằng ô tô cho mát. Nóng thế này, tôi chỉ có thể chống chọi bằng cách rửa mặt thường xuyên và uống thật nhiều nước lạnh".
Nhiều tài xế cho biết họ đã đổi sang mặc áo bằng vải thoáng khí hơn, quần dài và đi giày để che chắn khỏi ánh nắng. Nhưng ngay cả khi có sự chuẩn bị kỹ càng đến thế, nhiệt độ cao và thời gian dài làm việc ngoài trời vẫn rất thách thức với sức khỏe của họ.
Người giao hàng Thái Lan chật vật mưu sinh trong nắng nóng lên tới 40oC (Ảnh: Bangkok Post)
Ông Suriyan Wongwan - người giao đồ ăn nhanh, Thái Lan - chia sẻ: "Những người làm nghề giao đồ ăn phải làm cật lực để đảm bảo tỷ lệ giao hàng. Nhưng càng nhận nhiều đơn thì chúng tôi càng phải ở ngoài trời nóng nhiều hơn, cũng rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều hàng quán cũng chu đáo khi cung cấp nước uống miễn phí cho người giao hàng trong khi đợi làm đồ".
Ông Suriyan cho biết những người lao động ngoài trời như ông nên được tăng mức thưởng khi làm việc trong điều kiện nắng quá nóng hay mưa lớn, để phần nào bù đắp những vất vả của công việc.
Tuần trước, Thái Lan đã trải qua một đợt nắng nóng cao điểm, với nhiệt độ có nơi lên tới 44,2oC - tiến rất gần kỷ lục 44,6oC của năm ngoái. Bộ Y tế nước này cho biết đã có ít nhất 30 người tử vong do sốc nhiệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay.
Không chỉ tại Thái Lan, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tác động trực tiếp tới người lao động. Khoảng 2,4 tỷ người lao động toàn cầu phải làm việc trong các điều kiện nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng.
Bà Manal Azzi - Chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - cho rằng: "Người lao động thường bị lãng quên khi nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, họ lại đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng, bởi họ phải chung sống với các bệnh mãn tính, bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư, các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần và cả các vấn đề khác liên quan đến phơi nhiễm trong quá trình làm việc".
Dự báo cho thấy đến năm 2030, tổng số giờ làm việc trên thế giới sẽ bị giảm 2% do nhiệt độ cao. Do đó, Tổ chức Lao động quốc tế ILO nhấn mạnh các nước cần đánh giá lại hoặc đưa ra các quy định mới bảo vệ người lao động trong môi trường thời tiết cực đoan.