Check in cháy máy tại cổ trấn bị lãng quên giữa lòng Hà Nội, mùa đông này bạn đã set lịch ở đâu chưa?

Bạn đã lên lịch cho những chuyến đi cuối tuần? Nếu chưa, hãy cân nhắc xem địa điểm lạ mà quen này có đủ tầm để bạn ghé qua trong những ngày cần yên bình không nhé?

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ hơn 40km, nên chắc hẳn bạn đã nghe đến làng cổ Đường Lâm rồi chứ? Đây luôn là địa điểm hoàn hảo cho các chuyến tham quan và đặc biệt, vẻ đẹp cổ kính của làng luôn hạ gục bất cứ trái tim nào đang tìm kiếm sự yên bình sau nhiều căng thẳng và mệt mỏi.

Mặc dù ở ngoại thành nhưng hệ thống giao thông ở Đường Lâm rất phát triển. Bạn có thể bắt xe buýt 71 từ bến xe Mỹ Đình đến thành phố Sơn Tây với giá vé là 20.000đ/lượt. Tự di chuyển bằng xe máy, ô tô theo hướng đại lộ Thăng Long hoặc xuôi theo đường 32 theo chiều Nhổn – Sơn Tây là cũng có thể tới nơi.

Cổng làng sẽ xuất hiện trước mắt bạn dưới cây đa khổng lồ 300 năm tuổi.Các bức tường được xây bằng đá ong tuy cũ nhưng vẫn cực kỳ chắc chắn và phù hợp để làm background sống ảo. Đến làng, bạn cần tìm chỗ để gửi xe và đi bộ vào. Đối diện đình làng Mông Phụ có một quán nước chè, bạn cũng có thể dừng chân tại đây một chút trước khi bắt đầu tham quan.

Nếu ở Trung Quốc làng cổ Tây Đệ và Hoành Thôn nổi tiếng với những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi. Thì Đường Lâm cũng có tới hàng nghìn mái nhà truyền thống với ngôi nhà lâu đời nhất lên tới 400 năm tuổi. Những ngôi nhà cổ được xây bằng đá ong với những mái ngói đỏ đã nhuốm màu rêu phong. Được người dân ở đây gìn giữ hàng thế kỉ qua.

Sau khi tới nơi, gửi xe, và uống nước chè, hãy thả bộ thong dong trên những con đường lát gạch đỏ dẫn vào làng, chụp hình với những bức tường cổ kính, ghé qua đình làng Mông Phụ, những ngôi nhà cổ nhất, nhà thờ, đền thờ Giang Văn Minh, chùa Mía.

Cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 40 km nên bạn không cần phải thức dậy quá sớm trong thời tiết lạnh thế này để di chuyển tới đây. Thời điểm thích hợp để tới làng cổ Đường Lâm là khoảng 9h sáng. Hãy bình tĩnh thưởng thức bữa sáng và nghỉ ngơi một chút trước khi lên đường. Cho dù có di chuyển bằng xe máy hay xe buýt thì cũng đừng quên mặc cho thật ấm nhé!

Tới trưa, bạn có thể dùng bữa và nghỉ ngơi ở một số nhà hàng ở cổng làng. Các món ăn ở Đường Lâm rất phải chăng và ngon nhé. Đặc biệt đường quên thưởng thức các món dưới đây.

Thịt quay đòn: Đây là món thịt quay nổi tiếng với hương thơm, vị ngon đặc trưng. Những miếng thịt ba chỉ được chiên vàng ruộm với phần bì giòn tan sẽ khiến bạn mê mẩn ngay tức thì.


Gà mía: Du lịch làng cổ Đường Lâm không thể bỏ qua món gà mía thơm ngon, hấp dẫn. Đây đã từng là món ngon chỉ dành riêng cho vua chúa. Món ăn tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc. Tuy không còn quý hiếm như xưa nhưng món ăn bổ dưỡng này vẫn được thực khách ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà rất riêng của nó.

Tương chấm: Ăn uống tại làng cổ Đường Lâm không thể thiếu món tương chấm trứ danh. Tuy không quá rầm rộ như tương bần Hưng Yên nhưng loại nước tương làng cổ lại mang hương vị rất riêng. Bạn cũng có thể mua một vài chai tương nơi đây để làm quà.

Bánh tẻ: ngon nhất là ăn lúc nóng. Bóc phần lá ra, chiếc bánh vẫn còn nóng hổi, hiện ra trắng ngần với mùi thơm dung dị từ lá dong, bột gạo nấu chín ôm ấp phần nhân mỡ màng, khiến ai đi xa cũng khó lòng quên được.

Chè lam: Sau khi ăn một bữa no nê các bạn có thể tráng miệng bằng chè lam. Đây là món ăn vặt đậm vị truyền thống rất thích hợp ăn vào thời tiết se lạnh. Những thỏi chè lam ở Đường Lâm có hương vị ngọt thanh không ngán.

Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi thì buổi chiều hãy dành thời gian để tham quan hai ngôi đền thờ vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Chuẩn bị mua chút quà quê rồi lên đường trở lại Hà Nội nhé. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng cũng là một lịch trình vừa đủ thú vị rồi!