Chỉ vì câu nói của mẹ chồng trong mâm cơm, tôi biết mình đã cư xử tệ thế nào

Ăn uống là hoạt động diễn ra hằng ngày, là nhu cầu tự nhiên của mỗi người nhưng xung quanh mâm cơm cũng có rất nhiều chuyện đáng bàn.

Ăn uống là hoạt động diễn ra hằng ngày, là nhu cầu tự nhiên của mỗi người nhưng đằng sau đó ẩn chứa nhiều đạo lý, quy tắc ngầm mà không phải ai cũng hiểu. Đôi khi, chỉ thiếu một chút tinh tế, khéo léo khi ngồi trong mâm cơm chung, nhiều người rơi phải tình huống xấu hổ không thốt lên lời.

Với Phương Thanh (28 tuổi), tình huống hôm đó là bài học nhớ đời của cô về cách cư xử trong bữa cơm gia đình. Thanh kể, trước khi lấy chồng, cô vốn sống khá thoải mái, thậm chí suồng sã. Từ nhỏ, cô không mấy khi nghe bố mẹ nhắc đến chuyện ăn cơm phải tuân thủ các quy tắc dùng thìa, muỗng, cách ăn, cách ngồi… Nhà cô thường chỉ theo một quy tắc duy nhất là người nhỏ mời cơm người lớn trước khi dùng bữa, sau đó mỗi người sẽ ăn theo cách mình muốn.

Chỉ vì câu nói của mẹ chồng trong mâm cơm, tôi biết mình đã cư xử tệ thế nào - 1

Đem đúng nếp sống đó về nhà chồng, Thanh không biết mình đã gây khó chịu cho các thành viên. Cho đến khi bị mẹ chồng nhắc khéo, cô mới “chột dạ”.

“Mình không có thói quen dùng muôi múc rau vào bát mà thường dùng đũa nhúng luôn vào đó, khuấy khuấy rồi chọn thứ mình muốn gắp. Mẹ chồng có lẽ khó chịu với thói quen này của mình khá lâu rồi nhưng hôm đó mới có cơ hội nhắc nhở. Bà nói khéo với đứa cháu trai, là con của anh chị chồng mình rằng: “Cháu muốn múc canh, múc rau vào bát thì phải dùng muôi không được nhúng đũa vào đó. Người khác nhìn thấy mất vệ sinh ai còn muốn ăn bát canh đó nữa”. Mình bỗng chột dạ, tim hẫng một nhịp. Cách đó vài phút, mình vừa dùng đũa khuấy đảo bát canh.

Mình không trách mẹ chồng, chỉ thấy xấu hổ khi không hiểu nguyên tắc cơ bản trong ăn uống. Sau này, mình cố gắng thay đổi thói quen, khéo léo hơn một chút để không ảnh hưởng đến bữa cơm chung”, Phương Thanh tâm sự.

Thế Vinh (25 tuổi) cũng từng trải qua tình huống tương tự. Vinh có một người chị gái hơn 8 tuổi. Anh thường nghĩ chị gái là người khó tính khi luôn nhắc nhở anh không được tạo ra tiếng động quá lớn khi ăn, không gắp lên bỏ xuống, khi gắp thức ăn cho người khác phải đảo đầu đũa…

Cho đến khi bị đồng nghiệp quở trách, Thế Vinh mới biết tất cả những gì chị gái răn dạy đều đúng đắn.

“Khi chị nhắc nhở, mình thường cãi ngang, cho rằng chị quá kỹ tính nhưng khi ra đời mình mới biết, đó là những nguyên tắc cơ bản nhất cần phải học để hòa nhập với tập thể. Hôm ấy, phòng mình đi liên hoan, mình vẫn theo thói quen cũ đảo đũa chọn miếng ngon, nhai thành tiếng. Anh đồng nghiệp bên cạnh quay sang nói nửa đùa nửa thật: “Vinh được cái nết ăn tốt nhỉ, nhai chóp chép, húp sùm sụp, nghe mà thấy ngon lây”. Anh ấy nói đùa nhưng mình hiểu, đó là một lời nhắc khéo”, Vinh kể lại.

Lê Sương (27 tuổi) có một thú vui đặc biệt là nhận xét, đánh giá món ăn người khác nấu. Sương sống cùng mẹ và vợ chồng anh trai. Người nấu ăn chính trong nhà là mẹ cô bởi chị dâu bận con nhỏ, còn cô và anh trai thì thường xuyên đi làm về muộn.

Vì là đồ ăn mẹ nấu nên Sương thoải mái chê bai những món không hợp khẩu vị. Món này mặn, món kia nhạt, món này chưa đủ lửa, món kia nấu quá nhừ… Sương xem đây là những lời góp ý thẳng thắn để người nấu rút kinh nghiệm. Tuy nhiên cô không ngờ, những lời chê bai của mình vô tình khiến mẹ và chị dâu tổn thương.

“Chị dâu mình là người đi chợ, mẹ mình là người nấu chính. Mỗi buổi tối, hai người cùng nhau lo cho hai đứa trẻ và nấu cơm, mình và anh trai đi làm về chỉ sẵn ăn. Hôm ấy, mình vẫn như mọi khi vừa ăn vừa chê món thịt gà mẹ nấu quá lửa. Ai ngờ, chị dâu mình buông bát, buông đũa nói: “Người đi làm về sẵn ăn thì không được phép chê người nấu. Nếu cô muốn ăn ngon thì từ sau đi làm về sớm, tự đi chợ, tự nấu cơm, chị và mẹ sẽ không chê một câu nào. Còn nếu đã ăn cơm mẹ nấu thì phải tôn trọng mẹ, biết ơn mẹ đã nấu cơm cho mình ăn”.

Phản ứng của chị khiến mình muốn độn thổ, không biết giấu mặt đi đâu. Mình giận chị quá lời nhưng sau đó lại thấy chị nói đúng. Mỗi người có một khẩu vị, món ăn có thể không ngon với người này nhưng lại ngon với người khác. Hơn nữa, món ăn đó được làm nên từ công sức, tâm huyết của người chế biến, mình không có quyền chê bai”, Lê Sương tâm sự.

Bữa cơm gia đình luôn ẩn chứa nhiều đạo lý mà không phải ai cũng hiểu hết. Ăn uống không chỉ để no bụng mà còn thể hiện nét văn hóa ứng xử khéo léo của mỗi người.