"Sướng nhỉ, từ giờ có người chăm rồi!", "Thế là ông bà nhàn rồi, có con dâu về làm hết mọi việc nhé" - Đó là 2 trong số những câu nói quen thuộc mà người ta thường "chúc mừng" nhau khi lấy vợ, có con dâu. Không biết từ bao giờ lấy vợ về lại là để làm việc và chuyên trách chăm sóc chồng, có con dâu chỉ để sai bảo?
Huệ (27 tuổi) chia sẻ cô kết hôn gần 1 năm nay và vẫn chưa sinh con. Tuân - chồng cô và gia đình anh cũng có suy nghĩ tương tự như trên.
"Ngày đầu tiên ở nhà chồng, mẹ chồng gọi tôi đến bàn giao công việc trong nhà từ lớn đến nhỏ. Bà bảo hiện tại bà phải được nghỉ ngơi. Khi ấy tôi nghĩ bố mẹ vất vả cả đời, quả thật bây giờ là lúc thảnh thơi. Tôi bàn với chồng chuyện việc nhà vì tôi cũng đi làm như anh. Ai ngờ chồng tôi giãy nảy lên, còn bố mẹ chồng cấm tiệt anh bước vào bếp, tuyên bố đàn ông không dính dáng đến việc nhà", Huệ kể.
Huệ mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, cô thật sự chưa đủ dũng khí đấu tranh. Vậy là nghiễm nhiên mọi công việc trong nhà đều thuộc trách nhiệm của cô. Làm tốt là lẽ đương nhiên, chỉ một chút sơ suất cũng nhận về đủ lời chê bai, trách móc.
Tuân có một chị gái và một em gái, hai người họ đều lấy chồng gần và thường xuyên về nhà mẹ đẻ chơi. Mỗi dịp như vậy, nhà chồng Huệ lại tổ chức ăn uống linh đình. Lẽ dĩ nhiên người đi chợ, nấu nướng và dọn dẹp chủ yếu vẫn là Huệ. Đa phần chị chồng và em chồng cô gần tới giờ cơm mới có mặt, ăn uống no say xong mọi người lại rủ nhau đi hát karaoke, chỉ còn mình Huệ lau rửa, quét dọn.
Nhiều lần như vậy Huệ bất mãn than thở với Tuân thì nhận về những lời trách móc ngược. Anh bảo cô đã làm vợ, làm dâu thì đấy là phận sự cô phải làm. Phụ nữ ai cũng như vậy, đâu chỉ riêng Huệ.
"Tôi thật sự không hiểu, người ta lấy quyền gì và căn cứ vào đâu để áp đặt lên người phụ nữ bao trách nhiệm nặng nề đến thế? Họ biến việc lấy chồng, làm dâu của phụ nữ trở thành nỗi cơ cực và gánh nặng chồng chất…", Huệ bày tỏ.
Khi mọi thứ quá giới hạn chịu đựng thì phản kháng lại là lẽ thường tình. Hôm ấy cũng là một dịp anh em nhà chồng Huệ tụ họp như bao lần khác. Thậm chí lần này họ còn rủ thêm bạn bè, đồng nghiệp thân, lên đến 5 mâm tiệc.
Cơm no rượu say, mọi người kéo nhau đi hát karaoke một cách vui vẻ. Đống lộn xộn của bữa tiệc dĩ nhiên vẫn cần phải có người xử lý và đối tượng đó không ai khác chính là Huệ.
Thế nhưng đêm khuya trở về nhà, Tuân và bố mẹ chồng đã phải choáng váng khi thấy nhà cửa vẫn là “bãi chiến trường” như khi họ rời đi. Huệ không có ở nhà, đồ đạc của cô cũng biến mất. Tuân tức tối gọi điện cho vợ thì nhận được câu trả lời đanh thép:
"Tôi về ở với bố mẹ tôi đây. Ông bà nuôi tôi lớn bằng từng này mà tôi chưa chăm sóc, báo hiếu được ngày nào. Việc gì tôi phải về phục vụ những người chẳng nuôi tôi nổi một bữa?Người giúp việc cũng chỉ làm việc theo thỏa thuận ban đầu, công việc phát sinh là phải trả thêm tiền. Tôi đã làm không lương, còn bị chèn ép, bắt bẻ đủ điều. Tại sao nhỉ? Vì cái gì thế? Mà tôi phải chấp nhận những điều đó? Anh cưới tôi về, vợ chồng không thể yêu thương, san sẻ, đùm bọc cho nhau thì tốt nhất tôi về chăm lo cho bố mẹ tôi!".
Huệ kể hiện tại vợ chồng cô đang ly thân. Cô sẽ không nhân nhượng, về phía Tuân có lẽ cần phải mất một chút thời gian để anh suy nghĩ lại mọi thứ. Nếu anh còn cần cô thì anh sẽ tự biết phải làm thế nào cho đúng.
Thiết nghĩ Huệ không làm sai. Suy cho cùng phụ nữ không “nợ” người đàn ông bất cứ điều gì. Hôn nhân là sự bình đẳng, có qua có lại, cả người vợ và người chồng đều phải cùng chịu trách nhiệm với gia đình chung. Phụ nữ hiện đại độc lập và làm chủ được cuộc đời mình. Họ sẽ không cho phép người khác làm tổn thương mình, không chấp nhận hy sinh một cách mù quáng và chắc chắn là luôn phải sống thật vui vẻ, hạnh phúc.