Sự việc xảy ra tại một đám cưới ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã khiến cư dân mạng nước này dậy sóng.
Theo truyền thông địa phương, khi chú rể đến rước dâu, vừa bước xuống xe hoa, chưa kịp chào hỏi đã bị một nhóm người thân và bạn bè trong gia đình nhà gái, có cả dàn phù rể bao vây.
Chú rể sau đó đã bị nhóm người này trói vào cột điện cùng 3 phù dâu, rồi lấy cành cây, dây leo và các vật dụng khác quất liên tục lên người. Họ bị trói chặt đến nỗi không thể chống cự nên chỉ biết đứng im chịu trận.
Bị đánh quá đau, 3 phù dâu bắt đầu khóc thét lên cầu xin giúp đỡ, trong khi đó chú rể cũng lên tiếng ngăn cản. Tuy nhiên, những người xung quanh lại không mảy may để tâm. Họ thoải mái cười đùa, trêu chọc, thậm chí rút điện thoại ra quay lại.
Đến lúc thấy chú rể cùng 3 phù dâu bơ phờ, đầu tóc, quần áo và váy vóc rối tung lên, trông vô cùng thảm hại, nhóm người mới chịu thả họ ra, để chú rể vào đón dâu.
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là sau màn náo hôn y như một vụ bạo hành như vậy, chú rể lại không hề tức giận, thậm chí còn tỏ ý ủng hộ hành động đó.
"Lúc đó tôi xấu hổ lại rất đau, họ đánh mạnh tay thật. Tuy vậy, đây là phong tục ở địa phương chúng tôi, cũng là trải nghiệm thú vị cho tất cả những người trẻ tuổi, có lẽ nên tiếp tục duy trì", chú rể ngượng ngùng nói.
Sự việc sau khi được chia sẻ, nhiều người lên tiếng chỉ trích hành động của nhóm người trên, đồng thời tỏ ý không đồng tình với ý kiến của chú rể.
- "Có biết bao trò chơi, tại sao người ta cứ phải lôi nhau ra đánh đập mới chịu được nhỉ? Chú rể là nam nhân đã đành, còn 3 phù dâu thì sao? Họ có tội gì mà phải chịu sự bạo hành đau đớn như vậy?".
- "Dù bị đánh đập vô cùng xấu hổ nhưng chú rể vẫn ủng hộ hành động này, đó là sự tiếp tay cho hành vi xấu. Mong rằng những chàng trai khác sẽ không giữ suy nghĩ lạc hậu như thế"...
Tục 'náo tân hôn' - nỗi khiếp sợ của các cô dâu chú rể Trung Quốc
Náo động phòng, hay náo hôn, náo tân hôn, là phong tục có từ hơn 2.000 năm ở Trung Quốc (thời nhà Hán, khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên).
Ban đầu, các trò quậy trong tối tân hôn ở Trung Quốc được đặt ra nhằm mục đích xua tan bầu không khí gượng gạo giữa cô dâu, chú rể. Hành động náo hôn này cũng được cho là giúp xua đuổi tà ma, yêu khí, giúp hai vợ chồng sống với nhau hòa thuận, sinh con đẻ cháu thuận lợi.
Nhưng trong các đám cưới ngày nay, tục này bị biến tướng, trở thành trò quấy rối khiếm nhã, lố bịch, thậm chí tàn nhẫn khiến cho ngày cưới trở thành ác mộng đối với nhiều cặp cô dâu chú rể.
Tục náo động phòng đang trở thành nỗi ám ảnh của các cô dâu chú rể Trung Quốc, nhất là với cô dâu bởi nó rất dễ trở nên không thể kiểm soát, trở thành bạo lực và quấy rối tình dục.
Theo một khảo sát năm của Youth Youth Daily trên 21.000 người, có đến 80% cho biết họ bị bắt nạt, bị sàm sỡ trong đám cưới của chính mình, 60% tuyên bố căm ghét hủ tục này. Không ít người thậm chí còn phải chạy trốn trong đêm tân hôn. Có những chú rể bị bạn bè mình lột đồ diễu phố, ném đồ ăn vào người, nhiều cô dâu bị sờ soạng, ôm ấp, xé váy áo đến mức phải khóc gào kêu cứu.
Cô dâu chú rể bị trói trên cây, ảnh chụp tại một đám cưới ở Hồ Bắc
Tháng 10/2016, tại một đám cưới ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đám bạn chú rể xông vào phòng tân hôn lột đồ cô dâu ngay trước mặt người chồng. Cô gái cố gắng giữ mảnh nội y trên người mình và chật vật né tránh những bàn tay sàm sỡ. Chú rể, không dám làm ngược tục lệ, vẫn ngồi im. Đoạn clip ghi lại cảnh này sau đó được tung lên mạng, gây phẫn nộ.
Các phù dâu cũng dễ trở thành nạn nhân của tục náo động phòng. Đầu năm 2014, trong một phóng sự ngắn được phát trên truyền hình, cô thiếu nữ Tiểu Lệ 16 tuổi khóc, kể lại việc cô làm phù dâu bị hơn chục gã bạn chú rể dồn vào góc phòng, xé hết váy áo rồi sờ soạng khắp người. Vì chuyện này, cô tự tử 2 lần nhưng may được cứu, bố cô phải bỏ việc để ở nhà canh chừng, khuyên giải.
Phóng sự này khiến dư luận dậy sóng, đòi cơ quan chức năng xử lý nghiêm những kẻ vin vào tục náo động phòng để lạm dụng tình dục phụ nữ. Tiểu Lệ chỉ là một trong nhiều phù dâu trẻ từng tự tử do bị sàm sỡ, làm nhục trong đám cưới.
Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện liên tục của những clip tố cáo cảnh náo động phòng biến tướng thô bỉ, cộng đồng mạng nhiều lần sục sôi giận dữ, lên án hủ tục này, kêu gọi từ bỏ nó để không còn những cảnh bắt nạt, bạo hành, xâm hại… trong ngày vui của các đôi trẻ.
Sự trắng trợn và quá đáng của các màn náo động phòng cũng làm tăng số vụ tố cáo đến cảnh sát, và lực lượng này đã phải tiếp nhận,xử lý rất nhiều vụ quấy rối tình dục phụ nữ với danh nghĩa náo hôn trong những năm qua.