Chủ tịch tập đoàn FLC: "Người ta gọi tôi là thằng Quyết chém gió"

Tỉ phú Trịnh Văn Quyết - chủ tịch Tập đoàn FLC, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Hãng hàng không Bamboo Airways - cho biết nhiều người nói hãng bay của ông thông tin chuyện mở đường bay tới Mỹ là 'chém gió'.

Ti phú Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways sẽ bay tới Mỹ vào tháng 12-2020 hoặc đầu quý 1-2021 - Ảnh: T.HUYỀN

Mở đầu phần trình bày tại tọa đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" tổ chức chiều 1-8 tại Hà Nội, ông Trịnh Văn Quyết cho biết: Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ nhưng nhiều người nói là không khả thi, có phần "chém gió".

"Nhiều người chưa gặp tôi lần nào nhưng khi Bamboo Airways chưa bay, có anh chị tôn trọng thì gọi anh, ông, không tôn trọng thì nói 'thằng Quyết chém gió' chứ Bamboo Airways cất cánh sao được. Có ông còn thề ông Quyết mà bay được tôi tự tử, tôi bỏ nghề", ông Quyết kể.

"Tôi là người nói nhiều nhưng làm gấp nhiều lần nói. Những gì FLC và Bamboo Airways làm được trong thời gian qua, nhiều người nói với tôi là 'thấy kinh ngạc' khi Bamboo Airways bay đúng giờ, an toàn nhất. Con số chính xác ở hàng không thì không nói dối được", ông Quyết tự tin.

Về thị trường hàng không Việt Nam và Mỹ, ông Quyết cho biết số người Việt Nam đang ở Mỹ hơn 2 triệu người thì không có lý do gì không có tiềm năng về khách. Cơ quan nhà nước thẩm định thị trường hàng không Việt - Mỹ trên dưới 700.000 khách/năm. 

Về hiệu quả kinh tế của việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ, ông Quyết đọc vanh vách tại buổi tọa đàm: giả sử thuê máy bay Boeing 787-9 thì 1 triệu USD/tháng, nhiên liệu 175 tấn/chuyến chi phí 61 tỉ đồng… 1 tháng bay 17 ngày, thông thường bay 15 tiếng, nếu tháng 12, tháng 1 ngược gió bay 17 tiếng thì chi phí tất cả tổng cộng 113 tỉ đồng mỗi tháng cho khai thác máy bay Boeing 787-9.

Máy bay Boeing 787-9 có 310 ghế, bay thẳng sang Mỹ phải giảm tải trọng để đảm bảo đủ nhiên liệu nên sẽ khai thác 240 ghế. Nếu bán vé 1.100 USD/ghế cho 240 ghế/chuyến khứ hồi thì mỗi chiều bay lỗ 14 tỉ đồng. Nếu vé tăng thêm 200 USD thì lãi sẽ 8,4 tỉ đồng.

"Giai đoạn đầu có thể khuyến mãi, khi khai thác tin cậy thì hoàn toàn có thể tăng giá vé thêm 200-300 USD thì lãi trên dưới 8 tỉ đồng/tháng. Hiện các hãng khác bán vé từ 1.300-1.600 USD/vé khứ hồi. Với hàng không, tiềm năng, cơ hội, thực tế của hãng, số liệu chi phí cho một máy bay hoàn toàn khách quan và chính xác đến từng USD", ông Quyết lý giải.

Tuy nhiên, tỉ phú Trịnh Văn Quyết cũng nhắc đến trường hợp rủi ro là khách đi máy bay ít hơn 240 người: "Tất cả cái đó chúng tôi có kế hoạch kinh doanh của mình như với các đường bay trong nước. Thay vì bay 17 ngày/tháng thì chúng tôi dồn khách giảm tần suất khai thác. Còn trong trường hợp bay có 1 điểm quá cảnh ở Hong Kong, Hàn Quốc hay Nhật Bản thì hiệu quả lớn hơn nhiều".

Ông Quyết cho biết dự kiến tháng 10-2019 Bamboo Airways sẽ nhận máy bay Boeing 787-9 mà hãng này thuê về và xúc tiến khai thác đường bay tới Mỹ trong tháng 12-2020 hoặc đầu quý 1-2021.

Sau phần phát biểu của ông Quyết, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - bày tỏ tin tưởng những doanh nhân trẻ, những doanh nghiệp đi sau sẽ có phương thức, tư duy kinh doanh khác biệt vào một thị trường đã cũ để thành công và tin tưởng Bamboo Airways.

"FLC có thể dùng những mặt kinh doanh khác để bù lỗ nhưng Bamboo Airways bay tới Mỹ thương hiệu, sức hút của FLC sẽ lên, nhiều nhà đầu tư sẽ đầu tư vào, FLC sẽ chiến thắng bằng bài toán tổng hợp", ông Lộc nhận định.

Theo ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tháng 2-2019, Cục Hàng không Việt Nam được cấp chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (Category 1 -CAT 1) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA). Đây là điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không Việt Nam được phép mở đường bay tới Mỹ.

Do đó, bất cứ hãng hàng không nào của Việt Nam cũng có thể nộp đơn tới nhà chức trách hàng không Hoa Kỳ để mở đường bay tới Mỹ.

Theo ông Cường, 10 năm trước có 2 hãng hàng không Mỹ bay đến Việt Nam nhưng dừng khai thác vì không hiệu quả. Hiện chỉ có Fedex bay chở hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ.

Theo Tuổi trẻ