Theo chuyên gia, tâm lý chủ quan rồi đổ ra đường trong những ngày thực hiện cách ly xã hội của nhiều người là hành động đáng lên án và phải phạt thật nặng.
Lực lượng chức năng tại Hà Nội lập biên bản xử phạt hành chính một người đi ra đường có lý do không cần thiết giữa mùa dịch Covid-19. (Ảnh: SGGP)
Hôm nay đã là ngày thứ 9 Việt Nam cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Phần lớn người dân đều nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng; hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, tất cả các dịch vụ không cần thiết đều đóng cửa.
Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày gần đây, “kỷ luật” trên đang dần mất đi. Khắp nơi, đường phố trở nên đông đúc hơn, người người đổ ra đường nhiều hơn. Tâm lý chủ quan này đang gây ra mối đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn là khi một số ca nhiễm virus corona ở Việt Nam hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Theo ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng, Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khuyến cáo người dân không được chủ quan, tất cả các cấp chính quyền cũng vậy.
Hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc người dân ra đường lúc này là không thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. “Đây là điều đáng tiếc, các cấp chính quyền nên có những biện pháp mạnh mẽ hơn, qua đó vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu và không chủ quan”, ông Cường nói.
Chung quan điểm, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên mọi người nên thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hiện có người tâm lý chủ quan, sau một vài ngày cách ly xã hội tốt lại đổ ra đường.
Để giải quyết vấn đề này, theo bác sĩ Hà, cơ quan chức năng nên có những biện pháp mạnh tay hơn nữa. Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở, phạt tiền có thể có những biện pháp khác, thậm chí phạt thật nặng những người có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Có như vậy mới đủ sức răn đe.
Người TP.HCM ùn ùn đổ ra đường.
Người dân nên hiểu rõ và yên tâm rằng, việc cách ly là đảm bảo an toàn cho chính họ. Để đi đến quyết định cách ly Chính phủ, các chuyên gia phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ với nhiệm vụ cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Do vậy chúng ta cần bình tĩnh, tin tưởng, không chủ quan. Còn cách ly trong bao lâu, có kéo dài thời gian hay không còn phụ thuộc rất nhiều tình hình dịch bệnh.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 8/4, PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thực tế ở nước ta hiện có những trường hợp lây lan trong cộng đồng, nhưng lại rất khó để xác định nguồn lây.
Trước đây có thể khẳng định chính xác nguồn bệnh từ ca bệnh nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn này thì rất khó phát hiện, hơn nữa sẽ tốn rất nhiều công sức nếu chỉ tập trung vào đó.
Ông Phu khuyến cáo, thời gian tới, song song với biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch, tất các địa phương cần tăng cường rà soát, sàng lọc và kiểm tra, qua đó phát hiện những ca bệnh mới (nếu có). Để từ đó nhanh chóng tập trung khoanh vùng, dập dịch sớm, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Người dân cũng cần tuyệt đối tuân thủ việc cách ly, giãn cách xã hội. Đây là biện pháp rất quan trọng, ngăn người bệnh tiếp xúc với người lành, tránh việc lây nhiễm bệnh.
“Giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Việt Nam đã và đang làm rất quyết liệt, quán triệt ngay từ khi số ca bệnh trong cộng đồng chưa cao. Tuy nhiên, việc giãn cách phải làm quyết liệt triệt để tất cả các nơi, các địa phương, chứ không thể nơi này làm, nơi kia không quyết liệt. Bởi hiện chúng ta không biết đâu là ổ dịch, không biết ai là người mang mầm bệnh”, ông Phu nói.
Tính tới 6h ngày 9/4, Việt Nam ghi nhận 251 ca mắc COVID-19, trong đó, 126 trường hợp khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện.
PHẠM QUÝ (Nguồn: https://vtc.vn/tin-tuc/chuyen-gia-y-te-de-nghi-phat-nang-nguoi-vo-y-thuc-do-ra-duong-giua-dich-benh-ar538816.html)
* Nội dung liên quan: