Sự việc xảy ra vào cuối năm 2015. Khi đó doanh nhân, phi công kiêm nhà thầu người Úc Dick Smith có dịp đến thăm Ấn Độ và đi qua thành phố Vadodara, bang Gujarat. Trong thời gian du lịch tại đây, Smith tình cờ nhìn thấy một bé gái không mặc gì trên người, trên tay đeo chiếc vòng màu hồng nổi bật, đang chơi đùa cùng bạn bè dưới gầm cầu Shashtri. Vị doanh nhân nhanh chóng chụp lại hình ảnh bé gái đồng thời đánh dấu vị trí cây cầu bằng Google Maps.
Trở về nước, Smith vẫn không quên được chuyện này và muốn giúp đỡ cô bé. Biết vợ chồng nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Jess Bray và Chris Bray đang đi tour tại Ấn Độ, Smith đã chủ động liên hệ qua email, hy vọng họ có thể tìm ra cô bé trong bức ảnh. Cặp đôi người Úc không chỉ vui vẻ nhận lời mà còn hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vòng 3 ngày. Hành trình tìm kiếm bé gái cũng được hai người chia sẻ lên Facebook.
Cặp đôi Jess Bray và Chris Bray.
Theo đó ngày 15/12/2015, cặp đôi bay đến Vadodara và bắt đầu tìm kiếm đứa trẻ với manh mối duy nhất là bức ảnh chụp phía sau lưng em. Dù đã đến được cầu Shashtri, nơi Smith chụp bức ảnh, nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng vì có rất nhiều gia đình sống dưới gầm cầu. Hơn nữa rào cản ngôn ngữ khiến vợ chồng Bray chẳng thể giao tiếp được với người dân địa phương.
May mắn họ gặp được Tiến sĩ Dilip Chellani từ khoa Ngân hàng và Bảo hiểm của đại học M S, người đã nhiệt tình lái xe xuống tận nơi để giúp tìm kiếm bé gái. Sau nỗ lực không ngừng, nhóm của Bray cũng xác định được danh tính bé gái trong ảnh. Đứa trẻ tên là Divya, 8 tuổi, là chị cả trong gia đình có 3 chị em, bên dưới em còn có 2 em trai lần lượt 7 tuổi và 2 tuổi.
Bé gái Divya núp sau lưng mẹ.
Lần đầu tiên cô bé phát hiện ra mình là tâm điểm của sự chú ý, ngỡ rằng bản thân đã gây rắc rối nên sợ hãi trốn sau lưng mẹ. Sau khi được nghe giải thích, cô bé mới gạt bỏ sự sợ hãi trong lòng.
Qua trao đổi được biết gia đình Divya đã sống dưới gầm cầu suốt 12 năm qua. Cha của bé Divya, anh Naresh, là thợ xây, mỗi ngày chỉ kiếm được từ 4-6 USD (92-140 nghìn đồng)/ngày. Đồng lương ít ỏi này không đủ để anh thuê hay mua một căn nhà dù là ở khu ổ chuột nên cả gia đình đành phải chọn gầm cầu làm nơi trú nắng trú mưa.
Chiều hôm đó, tiến sĩ Chellani đã mời cả gia đình bé Divya đến ngân hàng để gặp mặt. Ban đầu, anh Naresh còn hơi rụt rè, e ngại nhưng sau vài câu nói, anh đã thoải mái hơn. Anh là một người chân chất, chăm chỉ làm việc, không uống rượu cũng không hút thuốc nhưng lại không thể mang đến cho vợ con một cuộc sống tốt đẹp.
Chris và Jess đã đưa ảnh chụp vợ chồng doanh nhân Dick Smith cho cả nhà bé Divya xem đồng thời kể lại đầu đuôi câu chuyện. Họ cũng nói với gia đình cô bé rằng, ông Smith sẵn sàng tài trợ cho gia đình một khoản tiền và mở cho Divya một tài khoản ngân hàng. Hàng tháng Smith sẽ chuyển tiền trợ cấp thông qua tài khoản này.
Tiếp đến, 2 bên ký một bản hợp đồng dưới sự giúp đỡ của Tiến sĩ Chellani với cam kết khoản hỗ trợ sẽ kéo dài 2 năm, sau đó sẽ được xem xét lại để gia hạn thời gian. Số tiền ấy chỉ được sử dụng để trả tiền thuê nhà và chi trả học phí cho bé Divya. Nếu phát hiện bé gái không đến trường thường xuyên, khoản hỗ trợ sẽ lập tức bị cắt. Tiến sĩ Chellani sẽ chịu trách nhiệm giám sát quá trình sử dụng tiền hỗ trợ cũng như việc bé Divya có đi học mỗi ngày hay không.
Gia đình Divya chụp ảnh với cặp đôi nhiếp ảnh gia, trên tay là bức ảnh của vợ chồng ông Smith.
Sau khi mọi việc hoàn tất, vợ chồng Bray còn đưa cả gia đình bé Divya đi mua sắm quần áo mới, dụng cụ học tập cũng như thiết bị hỗ trợ công việc cho anh Naresh. Nhờ có sự giúp đỡ của doanh nhân đến từ một đất nước xa lạ, cuộc sống của bé Divya nói riêng cũng như của cả gia đình em nói chung đã thay đổi ngoạn mục theo chiều hướng vô cùng tích cực. Câu chuyện cảm động một lần nữa chứng minh lòng tốt, tình cảm giữa người với người có thể vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, địa lý.