Pronrawin Ongpisut, 18 tuổi, ở tỉnh Ratchaburi (Thái Lan), đang rất đau khổ và giận dữ. Bởi cô là người ở bên cạnh lúc bố cô đang nguy kịch, nhưng khi cô gọi cấp cứu thì lại bị nhân viên tổng đài trêu. Và mặc dù sau đó xe cấp cứu có đến, nhưng bố cô - ông Pisit, 53 tuổi - đã không qua khỏi.
Pronrawin kể, vào lúc hơn 7h sáng, cô đã gọi cấp cứu và nói địa chỉ nhà mình. Do lo lắng và sốt ruột vì sợ bố không vào viện kịp, cô đã gọi lần thứ hai nhưng không ai nghe máy. 5 phút sau cuộc gọi đầu tiên, cô phải gọi lần thứ 3.
Pronrawin cho biết: “Lần này, một người trực tổng đài là nam giới nghe máy. Tôi đã bật khóc và hỏi: “Sao các anh lâu vậy? Bệnh nhân không thể chịu nổi nữa rồi”, vì tôi thấy nhà mình và bệnh viện cũng không xa lắm, xe cấp cứu đi chỉ vài phút thôi”.
Đó là khi người trực tổng đài trêu chọc Pronrawin bằng cách nhái tiếng điện thoại tắt máy. Anh ta đáp: “Tôi không nghe thấy cô, tôi không nghe thấy cô, bíp, bíp”, rồi dập máy.
Pronrawin nói: “Điều khiến tôi tức giận không phải là việc xe cấp cứu đến muộn, mà là người trực tổng đài y tế kia còn trêu chọc trong lúc bố tôi đang không thở được”.
Phía Bệnh viện họp báo và cho rằng nhân viên trực tổng đài không hề "đùa ác". Ảnh: Saichol Ochkajon.
Pronrawin yêu cầu các nhà chức trách ở tỉnh Ratchaburi phải có hành động đối với người trực tổng đài đó. Cô khẳng định: “Tôi cần một lời xin lỗi. Nếu bố tôi còn sống thì tôi cũng sẽ cho qua. Nhưng giờ bố tôi mất rồi, anh đã hài lòng chưa? Nhiệm vụ của anh là phục vụ người dân, chứ không phải đùa cợt trong tình huống liên quan đến mạng sống của người khác như thế”.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau đó thì giám đốc của Bệnh viện Ratchaburi nói rằng đã tìm ra nhân viên nghe máy lúc đó, anh ta rất tiếc vì sự mất mát của Pronrawin nhưng không có ý trêu cô, mà do cô “đã nghe không rõ và hiểu nhầm”.
Hiện sự việc vẫn chưa ngã ngũ vì nói cho cùng, nhân viên trực tổng đài cũng chưa làm đúng trách nhiệm, bởi nếu sự việc như anh ta nói thì anh ta cũng phải gọi lại cho Pronrawin để xem cô cần gì, chứ không phải là mặc kệ như vậy.