Dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến Dương Nhật Lệ (27 tuổi, quê Bình Thuận) tạm dừng công việc ổn định tại một doanh nghiệp ở TPHCM.
Khi TP giãn cách, Nhật Lệ cũng ở nhà như nhiều người. Cũng trong thời gian đó, chính những hình ảnh người dân phải chật vật hồi hương, cảnh bà con gặp khó khăn vì dịch bệnh phức tạp... khiến cô gái 9x cảm thấy xót xa, chạnh lòng. “Nhận thấy ở nhà cũng không làm được gì, thôi thì ra ngoài giúp được ai thì giúp, giúp được người nào hay người đó. Thời gian này mình cũng nhớ nhà, ráng góp sức để khi nào hết dịch sẽ lại về với ba mẹ”, Nhật Lệ chia sẻ.
Nghĩ là làm, Nhật Lệ hăng hái tham gia công tác chống dịch do Quận Đoàn Phú Nhuận quản lý, từ việc hỗ trợ lấy mẫu tầm soát COVID, nhập liệu, trực chốt, hỗ trợ tiêm vắc xin, cấp cứu bệnh nhân F0 trở nặng và vận chuyển bình oxy hỗ trợ cấp cứu.
Một tuần qua, tham gia hỗ trợ đội phản ứng nhanh cấp cứu của trạm y tế lưu động phường 17 (quận Phú Nhuận), Nhật Lệ gần như ứng trực 24/24 tại đơn vị, sẵn sàng lên đường tiếp sức những bệnh nhân F0 nặng cần cấp cứu. Theo đó, Nhật Lệ và đồng đội tham gia điều phối bình oxy, giúp các y bác sĩ quân y (các y bác sỹ, học viên Học viện Quân y chi viện cho TPHCM - PV) sắp xếp thuốc men; cùng bác sỹ quân y lên đường đi cấp cứu, phát thuốc cho người dân.
Chia sẻ về công việc những ngày này, Nhật Lệ cho biết gần như hôm nào cũng có ca cấp cứu về đêm, cho nên có những hôm cả đêm không ngủ. Đã sẵn sàng với công việc này, cô gái trẻ luôn chuẩn bị tinh thần chủ động vào việc để mỗi khi có người gọi là lập tức lên đường cấp cứu người bệnh.
Hiện tại, Nhật Lệ cùng sự hỗ trợ của các y bác sỹ từ Học viện Quân y đã tham gia ứng cứu các trường hợp bệnh nhân F0 nguy kịch (Ảnh: NVCC)
Trong các trường hợp đã tham gia hỗ trợ, Nhật Lệ còn nhớ như in ca cấp cứu “liên quận” cho một bệnh nhân COVID đang nguy cấp tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức). “Đêm hôm đó, trạm nhận được cuộc gọi nhờ trợ giúp khẩn cấp từ người dân. Nhận thấy trường hợp cần hỗ trợ là cụ bà cao tuổi đang trong tình trạng rất yếu, nguy hiểm tính mạng nên khi nhận điện là mình xin phép chạy đi ngay dù trường hợp này ở địa bàn khác”, Nhật Lệ nhớ lại giây phút khẩn cấp cách đây ít hôm. Được đơn vị “duyệt”, Lệ và một nam tình nguyện viên nhanh chóng lên xe lao đi ngay trong đêm, vượt khoảng 20km từ trạm y tế dã chiến đến nhà người dân chờ cấp cứu.
Nhật Lệ cho biết thêm, lúc đến nơi cô khá lo sợ vì tay chân cụ bà khoảng 90 tuổi này đã cứng hết, hơi thở yếu ớt. Trấn tĩnh bản thân, Nhật Lệ lập tức bóp tay bóp chân, đo SpO2 và cho cụ thở oxy, nhờ đó cụ bà đã lấy lại nhịp thở ổn định hơn. Khi mức oxy lên 98%, đôi bạn tình nguyện viên mới an tâm đi về, lúc đó đội ngũ y tế địa phương cũng đã đến và tiếp tục các bước hỗ trợ tiếp theo. Niềm vui với Nhật Lệ càng nhân lên gấp bội khi những ngày sau đó, người nhà báo tin cụ bà đã ổn định, qua cơn nguy kịch.
Sau chuỗi ngày hoạt động tình nguyện, Nhật Lệ trở thành "thủ lĩnh" của một nhóm bạn trẻ tình nguyện viên cùng chiến tuyến chống lại "giặc COVID".
Phút thư giãn của Nhật Lệ và các tình nguyện viên. Niềm vui của cô gái 9x Bình Thuận những ngày này chính là giúp bà con ổn định sức khỏe trở lại (Ảnh: NVCC)
Mỗi ngày làm việc, Lệ thực hiện hỗ trợ cấp cứu trung bình khoảng 4-5 ca, tuy nhiên cũng có hôm lên đến gần 10 ca, làm việc bất kể sớm - khuya.
“Thực sự lúc đầu nghe tình hình dịch bệnh phức tạp cũng sợ lắm, nhưng rồi nghĩ dù sao mình cũng còn trẻ, còn khỏe. Đến giờ này thì đã không còn sợ, tinh thần đã át cả nỗi sợ rồi”, Nhật Lệ bộc bạch.
9x Bình Thuận cũng chia sẻ, ba mẹ cô vẫn luôn động viên, khích lệ con gái cố gắng trong công tác hiện tại, “còn trẻ thì cứ cống hiến, đóng góp cho xã hội”.