Mỗi ngày của chị Đặng Tố Nga luôn bắt đầu vào lúc 6h30 sáng, khi ông xã Marco tới bên đánh thức chị bằng một nụ hôn rất nhẹ cùng với mùi hương cà phê thơm ngào ngạt. Chị mở mắt ra và thấy chồng mình đang mỉm cười cùng với một lời chúc ngày mới tốt lành khi đưa ly cà phê đang tỏa hương nghi ngút. Anh ngồi xuống bên cạnh chị và cầm tách cà phê của mình lên. Hai vợ chồng chị cứ vừa uống vừa nắm tay nhau cùng tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời, tràn đầy sự ngọt ngào mỗi sớm mai.
Chiều đến vợ chồng chị lại cùng nhau đi bộ dọc bờ sông vừa ngắm nhìn cảnh vật vừa lắng nghe những âm thanh của nước chảy, chim hót, lá bay và cùng nhau thưởng thức bữa tối đầm ấm bên con gái. Đối với chị, hạnh phúc mỗi ngày chỉ đơn giản vậy thôi.
Chị Đặng Tố Nga là kiến trúc sư tự do ở Italy. Trước đây, chị từng là giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội và tạm nghỉ để hoàn thành các nghiên cứu tại Italy. Hiện chị sinh sống tại thành phố Torino với anh Marco - người chồng hơn 7 tuổi cũng là kiến trúc sư và con gái 15 tuổi.
Chia sẻ về chuyện tình yêu của mình, chị Tố Nga cho biết, chị và anh Marco gặp nhau lần đầu tiên ở trường Đại học Kiến trúc Turin, trong một buổi hội thảo về kiến trúc bền vững. Hôm đó, vào giờ giải lao, mọi người ra ngoài sân gần hết, chị ngồi lại chuẩn bị tài liệu để lên trình bày tham luận của mình bỗng nhiên nghe thấy một giọng hát cực kỳ ấm áp vang lên phía sau lưng:
"Quella sua maglietta fina
Tanto stretta al punto che m'immaginavo tutto
E quell'aria da bambina
Che non glie'ho detto mai ma io ci andavo matto"
(Tạm dịch: Chiếc áo thun của em mỏng mềm và bó sát đến mức anh có thể hình dung ra tất cả. Và vẻ mặt như trẻ thơ của em làm anh phát điên).
Khi quay lại chị bắt gặp một nụ cười cũng ấm áp y như giọng hát ấy, cùng với ánh mắt tươi vui và tinh nghịch của anh Marco. Tuy nhiên chị chỉ đáp lại bằng một nụ cười mỉm rồi quay lên tiếp tục công việc của mình mà nào đâu biết rằng anh đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng đúng ngày hôm đó. Thế nhưng, mãi đến gần 5 năm sau lần gặp đầu tiên ấy, anh chị mới chính thức là một nửa của nhau.
“Lúc đó mình đã có người yêu nên anh đành ngậm ngùi cất giấu tình cảm và làm bạn với mình. Rồi anh cũng có người yêu và cô ấy cũng trở thành bạn của mình. Khi mình chia tay người yêu cũng là lúc anh ấy và người yêu chia tay. Chúng mình tâm sự với nhau về mối tình không thành.
Ngày ngày chúng mình cùng đạp xe dọc bờ sông và cảm thấy tâm hồn thật đồng điệu. Mình nhận ra tình cảm của anh, tình yêu mà anh giữ kín trong lòng gần 5 năm qua, và mình cũng phải lòng anh. 4 tháng sau đó anh đã ngỏ lời yêu mình”, chị Tố Nga nhớ lại.
Chị Tố Nga tâm sự, đàn ông Italy thường rất khéo léo dùng lời hoa mỹ nhưng với anh Marco lại không như vậy bởi anh là người gốc Hy Lạp. Anh luôn dịu dàng, ngọt ngào, chân tình mà không hề màu mè. Đến bây giờ, chị vẫn nhớ mãi về lần tỏ tình của anh dành cho mình trên đỉnh núi Monviso, nơi đầu nguồn con sông Po chảy vào thành phố Turin nơi chị sống. Lời tỏ tình chân thành, ngọt ngào và rất dịu dàng ấy đã khiến chị cảm thấy hạnh phúc, quên hết mọi đắn đo về việc anh là người nước ngoài.
“Thời gian trước đó, mình đã từng đắn đo về việc anh là người nước ngoài, nhưng anh đã tỏ ý cho mình biết về việc sẵn lòng về Việt Nam sống với mình nên đó không phải là lo ngại nữa. Tuy nhiên có một điều mình không hề hay biết về gia đình anh có dòng dõi quý tộc Italy, nhiều đời trước từng là bá tước khi nhận lời yêu bởi anh không nói, không quan trọng điều này”, chị chia sẻ.
Chị Tố Nga cho hay, mặc dù gia đình chồng chị có dòng dõi quý tộc nhưng đây chỉ là một trạng thái tinh thần chứ không phải sự hưởng thụ vật chất. Trong đó, truyền thống nề nếp gia đình được truyền từ đời này qua đời khác một cách khắt khe.
Tuy bố mẹ anh Marco không can thiệp vào việc lựa chọn vợ của các con trai, nhưng họ thật không vui nếu thấy con trai họ đưa về nhà giới thiệu một cô gái không có tác phong lịch thiệp. Cũng tương tự như tư tưởng ở ta “lấy vợ xem tông...”. Người vợ của con trai sẽ là mẹ của các cháu, là người trực tiếp dạy dỗ chúng nên họ rất lo ngại nếu thấy con dâu tương lai không để ý phép tắc, không quan tâm đến “nhập gia tuỳ tục”. Và bố mẹ anh Marco cũng đã không ưng người yêu cũ khi anh đưa về nhà dùng bữa lần đầu tiên.
Từng có thời gian làm bạn với người yêu cũ của chồng nên chị đã được nghe rất nhiều câu chuyện về sự khắt khe của bố mẹ anh và rất lo sợ về điều ấy. Chính vì vậy, mấy tháng đầu yêu nhau, dù anh Marco muốn đưa chị về nhà giới thiệu nhưng chị vẫn cố tìm mọi cách thoái thác.
Thấy con trai lâu không đưa người yêu về nhà, tưởng con trai sợ kết hôn, bố mẹ anh đã hỏi thẳng thắn rằng: “Con có muốn cưới cô ấy không?”
“Nếu cô ấy đồng ý, thì ngay ngày mai con sẽ cưới cô ấy” – Câu trả lời ấy của anh Marco đã khiến bố mẹ anh rất nóng lòng để gặp chị.
“Sở dĩ mẹ anh hỏi vậy vì chị người yêu trước đã cố gắng hết sức, gần như ép anh cưới nhưng vì anh không cảm thấy thực sự yêu, nên đã phải từ chối và cuối cùng họ chia tay nhau. Mọi người lại tưởng rằng anh sợ kết hôn và mẹ anh cũng nghĩ vậy”, chị Tố Nga cười.
Chị Tố Nga khiến cả gia đình anh Marco tò mò.
Để giúp chị bớt ngại ngùng, anh Marco đã bố trí để chị gặp các anh em trai của mình trước, rồi mới đưa chị về nhà. Và buổi gặp mặt đầu tiên đã diễn ra hoàn toàn khác với lo sợ của chị.
Chị Tố Nga cho biết, những quy tắc lịch sự của gia đình chồng chỉ được coi là khắt khe với những ai không được giáo dục kỹ lưỡng, không quan tâm học hỏi còn với chị đã chịu sự giáo dục còn khắt khe hơn thế của bố mẹ ở Việt Nam nên việc học hỏi nhập gia tuỳ tục rất dễ dàng, chị cũng không phải nỗ lực học hỏi.
Những lời bố dạy ngày xưa: "Chỉ nghe một câu là đủ biết trình độ học vấn của bạn, chỉ cần quan sát một phút ở bàn ăn là biết văn hoá ứng xử của bạn" đã khiến chị học hỏi được rất nhiều điều và giúp chị chiếm được cảm tình của gia đình anh Marco ngay lần gặp đầu tiên.
Chị được đón tiếp vui vẻ và thân thiện mà không hề gặp phải bất cứ ánh mắt hay cử chỉ bất lợi nào. Mẹ anh dẫn chị đi xem vườn hoa của bà và cắt tặng chị một bó hoa đẹp rực rỡ còn bố anh đã thốt lên khi gặp chị rằng: “Cuối cùng tôi cũng được gặp cô gái nổi tiếng này!”.
Thì ra mọi người trong nhà cũng như bạn bè anh đã nói với bố anh rất nhiều về chị. Không phải vì chị là người nước ngoài mà bởi khi vừa mới yêu chị, anh Marco đã tuyên bố với tất cả mọi người rằng anh muốn lấy chị và muốn có con với chị. Điều đó làm chị hạnh phúc vô cùng bởi với một người phụ nữ, câu nói “anh muốn có con với em” là cấp độ cao nhất của tình yêu.
Sự giáo dục của bố mẹ chị ở Việt Nam còn khắt khe hơn nên đến gia đình nhà anh Marco chị không gặp khó khăn gì.
Khoảng thời gian yêu nhau, anh Marco có tặng chị Tố Nga một quả địa cầu. Anh chị cùng nhau xem chênh lệch kinh tuyến, vĩ tuyến giữa Việt Nam và Italy. Anh Marco đã búng quả địa cầu quay tít và ấn ngón tay vào điểm bất kỳ rồi giữ cho nó dừng lại để bói địa điểm kết hôn của cả 2. Tuy nhiên khi điểm dừng nằm ở ngoài biển giữa Việt Nam - Malaysia, chị đã chưng hửng và nhanh chóng quên đi bởi chị nghĩ làm sao tổ chức được lễ cưới giữa biển.
Cho đến mùa hè năm đó khi chị đưa anh về thăm Việt Nam lần đầu tiên, trên chuyến bay Singapore – Hà Nội, anh đã đánh thức chị bằng nụ hôn rất nhẹ cùng với nụ cười rạng rỡ và một chiếc hộp nhỏ xinh đựng chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương trong đó.
“Em đồng ý lấy anh nhé?” – Anh Marco nhìn chị bằng ánh mắt ngời ngợi yêu thương rồi đeo chiếc nhẫn vào ngón tay giữa chị.
Anh chỉ tay lên bản đồ bay trên màn hình trong sự xúc động của chị: “Chúng ta đang bay qua chỗ mà anh và em đã bói trên quả địa cầu, em còn nhớ không?”.
Cầu hôn là ngày quan trọng nhất còn đám cưới chỉ là thủ tục nên anh chị tổ chức nhỏ gọn và được gia đình rất đồng ý.
Vậy là sau đó đám cưới của anh chị diễn ra trong lâu đài cổ Osasco của một người bạn, rất đơn giản và nhẹ nhàng vào năm 2003 với sự tham gia của 60 khách. Chị và anh đã trở thành cô dâu - chú rể hạnh phúc nhất trong ngày hôm đó.
Mặc dù làm dâu gia đình quý tộc nhưng chị Tố Nga cũng không hề gặp khó khăn gì bởi chị biết “chìa khóa” để mở được cánh cửa vào gia đình anh Marco. Chị được bố mẹ anh yêu quý như con gái, nhất là mẹ anh. Bà luôn giặt là quần áo cho vợ chồng chị khiến chị hoàn toàn không có cảm giác “phải làm dâu”, mà luôn cảm thấy mình như con cái trong nhà.
“Vợ chồng mình ở cách ông bà 40km, nhưng cuối tuần nào cũng về thăm ông bà. Và mỗi lần như thế chúng mình lại tranh thủ mang túi quần áo bẩn về cho bà giặt, và lấy túi quần áo bà đã giặt là, xếp cẩn thận từ tuần trước về. Có những tuần chúng mình đi chơi xa không về, sau đó bà lại phái ông lái xe đến chỗ chúng mình để mang túi quần áo bẩn về giặt. Bà thích yêu thương chăm sóc mình vì bà không có con gái.
Bố chồng mình ít khi nói chuyện, nhưng khi đã nói có thể nói hàng giờ, vì sở thích về văn học, âm nhạc, nghệ thuật của mình rất giống ông”, chị Tố Nga kể.
Với chị Tố Nga, bố mẹ anh Marco là những người rất tình cảm. Trong suốt thời kỳ thai nghén, chị luôn được bố mẹ chồng và chồng đưa đi khám, siêu âm khiến các bác sĩ nhầm tưởng họ có cháu lần đầu chứ không phải là cháu thứ 3. Thậm chí, sau khi chị sinh, bố mẹ chồng còn đón chị về nhà để chăm sóc tháng đầu tiên. Nghe nói món gan và cật có nhiều sắt, mẹ chồng chị cũng đặt người bán thịt mua về nấu sao cho thơm ngon nhất mặc dù bà chưa từng nấu và ăn món này bao giờ.
Anh và bố mẹ chồng quan tâm chị rất nhiều.
Không chỉ có bố mẹ chồng, ông xã chị - anh Marco còn là một người chồng trên cả tuyệt vời, quan tâm tới chị từ những việc nhỏ nhất. Mỗi lần đi vào siêu thị, anh luôn lấy những thứ chị thích đầu tiên vào giỏ. Anh để ý cảm xúc của chị mỗi ngày và không một cảm xúc bất thường nào của chị qua được mắt anh.
Khi chị có bầu, anh cũng luôn đưa chị đi khám thai, đi học lớp tiền sản... quan tâm chị từng ly từng tí khiến bác sĩ cũng phải thốt lên rằng “tôi chưa thấy ông chồng nào như thế”.
Vì có rất nhiều sở thích và đam mê nên dù cuộc sống hôn nhân đã qua 16 năm, vợ chồng chị cũng không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Anh chị luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng xây dựng mối quan hệ thêm vững chắc mỗi ngày, phải thấu hiểu và tôn trọng nhau.
Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của chị ở Italy.
Nhiều người đã hỏi chị “làm sao để giữ lửa hạnh phúc?”, chị thường nói đùa rằng, mỗi tuần vợ chồng chị thường ra ngoài ăn tối 2 lần, chồng chị vào thứ 3 và chị vào thứ 6. Điều này có nghĩa rằng dù yêu thương gắn bó với nhau nhưng vợ chồng chị đều có một khoảng trời riêng của mình và tôn trọng điều đó.
16 năm kết hôn đến bây giờ, chị cảm thấy mãn nguyện với những gì mình đang có. Nếu có một lời để nói dành cho ông xã, chị sẽ mượn lời của nữ danh hoạ Frida Kahlo gửi đến anh rằng: “Em ước gì anh có thể nhìn thấy bản thân mình bằng đôi mắt của em, vì chỉ có như vậy anh mới hiểu được anh đặc biệt đối với em như thế nào”.