Xin chào Th.S Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh, ở tuổi 34 lấy bằng Thạc sĩ ở Anh và đạt IELTS 9.0, chị có cho rằng đây là một “hành trình chậm” so với nhiều người khác không?
So với nhiều bạn, đúng là mình có đi chậm hơn một chút. Nhưng với bản thân mình, mình không cảm thấy chậm bởi những điều này xảy ra rất đúng lúc. Nếu không có kinh nghiệm gần 10 năm sống, làm việc ở nước ngoài, có lẽ mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học Thạc sĩ, hoặc học sẽ không thật sự hiệu quả và sẽ không được nhận tấm bằng Xuất sắc.
Vậy chị đã có cơ hội trải nghiệm, làm việc ở những nước nào trước khi đặt chân đến ngôi trường top 8 thế giới?
Năm 2010, trụ sở Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại New York kêu gọi các bạn trẻ từ những nước đang phát triển trên toàn thế giới đăng ký học bổng thực tập (Special Youth Fellowship). Học bổng này đã lựa chọn 6 bạn trên tổng số 1.100 bạn đăng ký, hỗ trợ toàn bộ từ visa, vé máy bay, bảo hiểm, nhà ở, cũng như chi phí sinh hoạt mỗi tháng để sống và làm việc tại New York.
Khi đó, mình đang học năm cuối khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. May mắn có kinh nghiệm làm thiện nguyện và 5 năm làm trong các dự án phát triển cho MCNV và Plan International; tự xây dựng dự án truyền thông về thúc đẩy bình đẳng giới và an toàn sức khỏe sinh sản cho thanh niên (được tài trợ bởi World Bank và Ford Foundation).
Phù hợp với tiêu chí lựa chọn của học bổng gồm các thành tích và kinh nghiệm thực tế liên quan tới mảng phát triển xã hội, đặc biệt là phát triển phụ nữ, bảo vệ trẻ em nên mình vinh dự được lựa chọn là 1 trong 6 bạn nhận học bổng thực tập tại New York. 5 người còn lại được chọn là 2 bạn nữ đến từ Fiji, Ecuador; 3 bạn nam đến từ Lebanon, Ghana, Ukraine.
Trong quá trình thực tập tại đây, mình nghiên cứu về mảng quyền, sức khỏe sinh sản của phụ nữ tại Châu Á. Sản phẩm nghiên cứu của mình đã được chia sẻ trong hội nghị toàn cầu của Liên hợp quốc tại Mexico và Thái Lan.
Từ đó, mình tiếp tục theo đuổi mảng phát triển xã hội, cụ thể là bình đẳng giới bằng 2 cách: tiếp tục làm tư vấn dự án cho các tổ chức quốc tế như UNFPA, UNICEF trong khi đi trải nghiệm nhiều quốc gia, và làm thiện nguyện tại các tổ chức phi chính phủ sở tại như ở Israel, Kenya, Ấn Độ, Thái Lan.
Sau một thời gian dài trải nghiệm ở nhiều nước khác nhau, điều gì đã thôi thúc chị chinh phục học bổng toàn phần Chevening của chính phủ Anh cho bậc học Thạc sĩ ở tuổi 32?
Chevening là học bổng Thạc sĩ danh giá được cấp bởi Chính phủ Anh với mục tiêu tạo điều kiện cho những cá nhân xuất sắc đến từ các nước trên thế giới. Theo tìm hiểu của mình, hàng năm có khoảng hơn 65,000 đơn xin học bổng và chỉ khoảng 1,500 người được nhận học bổng. Ở Việt Nam cũng không khác, học bổng Chevening đã khá lâu đời và rất cạnh tranh.
Và mình chọn học Th.S khá muộn bởi mình muốn dành khoảng thời gian trước đó để trau dồi một lượng kiến thức nền “đủ dùng”, phục vụ cho quá trình viết luận, làm nghiên cứu về sau. Mình cho rằng, đi theo quá trình “học - trải nghiệm, đi làm - học” sẽ giúp mình thực tế hóa được những lý thuyết đã tiếp thu rồi rút ra kinh nghiệm để soi chiếu ngược lại vào lý thuyết nghiên cứu.
Ngọc Quỳnh hoạt động xã hội ở Kenya năm 2013.
Hồ sơ xin học bổng của chị nổi bật ở điểm nào so với hơn 65.000 hồ sơ khác?
Mình thật sự đã may mắn khi trúng học bổng ngay lần đầu đăng ký. Trong hồ sơ gồm có các thành tích về học tập, giải thưởng, ấn phẩm khoa học. Chevening cũng đòi hỏi ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực tiễn sau Đại học trong lĩnh vực đăng ký. Và bản thân mình đã đáp ứng được điều đó nhờ nhiều năm làm việc tại New York.
Bên cạnh đó, việc viết các bài luận chia sẻ về lý do, mục đích, kế hoạch của mình cho việc học chuyên ngành Phát triển xã hội cũng như 2 lá thư giới thiệu đóng vai trò mấu chốt khiến người xét tuyển hiểu hơn về tính cách cũng như kinh nghiệm, hoài bão của người dự tuyển.
Khoảnh khắc mình nhận thông báo trúng tuyển học bổng Chevening và thư mời nhập học Thạc sĩ tại trường University College London… quả là một cảm giác thăng hoa!
Kết quả của “khoảnh khắc thăng hoa” đó, chị nhận tấm bằng tốt nghiệp Thạc sĩ loại Xuất Sắc cùng học bổng học lên Tiến sĩ. Nhưng, lý do gì khiến chị chọn trở về Việt Nam?
Mình đã xác định sẽ dành ít nhất 2 đến 3 năm làm việc tại Việt Nam, vừa để suy nghĩ kỹ hơn về chủ đề nghiên cứu phù hợp cho bậc Tiến sĩ, nhưng quan trọng nhất là để hiện thực hóa ước mơ đã ấp ủ.
Mình nhận thấy một thực tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay rất tài năng, nhiều đam mê, hoài bão, nhưng gặp khó khăn trong việc phát triển khả năng của bản thân và tiếp cận ra các cơ hội bên ngoài. Vì vậy, mình đã ước muốn được tham gia sâu hơn vào mảng giáo dục để tương tác, chia sẻ và tạo động lực dựa trên kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm vốn có của bản thân để giúp các bạn vươn xa hơn.
Quỳnh trở về Việt Nam để thực hiện dự án giáo dục đã ấp ủ từ lâu.
Được biết, trong kỳ thi ngày 18/8 vừa qua, chị đã đạt điểm tuyệt đối IELTS. Vậy, yếu tố quan trọng nhất giúp chị rèn luyện và nâng cao trình độ ngoại ngữ mỗi ngày là gì?
Mình không phủ nhận rằng so với một số bạn khác, mình có lợi thế hơn về việc học tiếng Anh do sống ở nước ngoài nhiều năm. Vì vậy, điểm 9.0 với mình là một quá trình tổng thể từ cố gắng của bản thân cộng với những cơ hội đã nhận được.
Và cũng như bao kỳ thi khác, để được điểm cao IELTS cũng đòi hỏi các bạn phải biết cách làm bài đúng và đủ khéo léo để đáp ứng được các tiêu chí chấm điểm.
Với mình, tiếng Anh hoặc bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, cần được sử dụng thường xuyên, chủ động, và đa dạng để tiến bộ một cách toàn diện. Chúng ta có nhiều các phương tiện để tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày, qua sách báo, phim ảnh, âm nhạc, các câu lạc bộ, mạng xã hội… Điều quan trọng là mình phải hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc mở ra hàng trăm, hàng ngàn cánh cửa kiến thức và cơ hội để vươn ra thế giới. Từ đó mình sẽ chủ động và hăng say học tiếng Anh một cách thực chất nhất.
Chứng nhận kết quả thi IELTS của Ngọc Quỳnh ở tuổi 34.