Thời Tam Quốc là thời đại loạn lạc, anh hùng hào kiệt khắp nơi hội tụ. Trong số các chư hầu, Lưu Bị là một nhân vật đặc biệt. Xuất thân từ tầng lớp bình dân "dệt rơm bán giày", bằng nỗ lực của bản thân, ông đã trở thành một vị bá chủ.
Ban đầu khi khởi binh, ông không có bất kỳ kế hoạch chiến lược nào, nay đánh nơi này mai đánh nơi khác, tuy có chút danh tiếng nhưng vẫn chưa làm nên đại nghiệp. Mãi đến khi được Gia Cát Lượng phò tá, Lưu Bị mới từng bước đi vào quỹ đạo. Có thể nói, việc mời được Gia Cát Lượng xuống núi phò tá là may mắn lớn nhất đời Lưu Bị.

Lưu Bị từng 3 lần tới mời Gia Cát Lượng giúp đỡ mình. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, theo Sohu và Sina, bên cạnh may mắn có được Gia Cát Lượng, Lưu Bị cũng bỏ lỡ rất nhiều nhân tài lỗi lạc khác. Nếu có thể chiêu mộ được tất cả cao nhân này, cục diện của nhà Thục Hán ắt hẳn đã khác.
5 cao nhân mà Lưu Bị đã bỏ lỡ
Thủy Kính tiên sinh
Đầu tiên phải kể đến thầy của Gia Cát Lượng – Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy. Tư Mã Huy là đại diện của ngoại tộc ở Kinh Châu, thường xuyên bị hào cường địa phương là Thái Mạo chèn ép, không có cơ hội thể hiện tài năng, đành bất đắc dĩ làm một ẩn sĩ. Thực chất, tài năng của ông rất ít người sánh kịp.
Thủy Kính tiên sinh tinh thông Đạo học, Kỳ môn, Binh pháp, Kinh học, học rộng tài cao. Ngay cả Gia Cát Lượng cũng xuất thân từ cửa của ông, Phượng Sồ Bàng Thống cũng từng lặn lội hai ngàn dặm để đến bái kiến. Thủy Kính tiên sinh có con mắt nhìn người, am hiểu rõ ràng về nhân tài ở Kinh Châu. Nếu ông hết lòng giúp đỡ Lưu Bị, hoàn toàn có thể giúp ông xây dựng một đội ngũ nhân tài mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể sánh ngang với đội ngũ mưu sĩ của Tào Tháo lúc bấy giờ.

Thủy Kính tiên sinh có con mắt nhìn người, am hiểu rõ ràng về nhân tài ở Kinh Châu. (Ảnh: Sohu)
Một nhân vật tầm cỡ như vậy, Lưu Bị tất nhiên cũng từng ra sức mời chào. Nhưng Thủy Kính tiên sinh lại có tâm tính thanh cao, không muốn dính líu đến tranh chấp thế gian. Sự giúp đỡ của ông dành cho Lưu Bị cuối cùng chỉ dừng lại ở việc tiến cử nhân tài, không thể thay đổi căn bản cục diện cuối thời Đông Hán. Đây không chỉ là tiếc nuối của Lưu Bị mà còn là tiếc nuối của lịch sử.
Gia Cát tứ hữu (4 người bạn của Gia Cát Lượng)
Kế đến là nhóm "Gia Cát tứ hữu": người đất Bột Lăng là Thôi Châu Bình (tự Quân), người đất Dĩnh Xuyên là Thạch Quảng Nguyên (tự Thao) và Từ Nguyên Trực (tự Thứ), người đất Nhữ Nam là Mạnh Công Uy (tự Kiến). Bốn người này đều là bạn thân của Gia Cát Lượng, mỗi người đều có tài năng hơn người. Nếu có thể được họ phò tá, Lưu Bị chắc chắn sẽ như hổ mọc thêm cánh.

4 người bạn của Gia Cát Lượng. (Ảnh: Sohu)
Theo Tam Quốc Chí, Gia Cát Lượng trong một lần dạo chơi trên thuyền cùng Mạnh, Từ và Thạch từng nói với họ rằng: "Tôi biết các huynh sau này có thể làm quan gì? Các huynh đều có thể sẽ làm đến chức thứ sử, thái thú"
Thôi Châu Bình

Thôi Châu Bình làm quan khá sớm, từng làm mưu sĩ dưới trướng Viên Thiệu. (Ảnh: Sohu)
Thôi Châu Bình làm quan khá sớm, từng làm mưu sĩ dưới trướng Viên Thiệu. Sau khi Đổng Trác vào kinh phế lập hoàng đế, Viên Thiệu trở mặt với ông ta. Đổng Trác muốn giết Viên Thiệu nhưng Viên Thiệu đã chạy thoát. Để trút giận, Đổng Trác đã giết cha của Thôi Châu Bình. Nghe tin này, Thôi Châu Bình vô cùng đau buồn, cho rằng mình là nguyên nhân khiến cha bị hại, nên kiên quyết về quê làm ruộng, không còn xuất sơn gây họa nữa. Khi ông rời đi, Viên Thiệu rất luyến tiếc nhưng Thôi Quân đã quyết chí ra đi, cuối cùng Viên Thiệu đành phải để ông đi.
Thạch Quảng Nguyên và Từ Nguyên Trực

Từ Thứ. (Ảnh: Sohu)
Thạch Quảng Nguyên và Từ Nguyên Trực đều xuất thân từ Dĩnh Xuyên, nơi sản sinh nhiều nhân tài. Từ Thứ từng giúp đỡ Lưu Bị, và đạt được những thành công nhất định. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Từ Thứ đã dùng kế đánh bại các tướng Tào là Lã Khoáng, Lã Tường, đấu trận thắng Tào Nhân, chiếm được Phàn Thành, tài năng không hề thua kém Gia Cát Lượng sau này. Thậm chí mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục còn nói rằng tài năng của Từ Thứ gấp mười lần mình.

Thạch Quảng Nguyên và Mạnh Công Uy. (Ảnh: Sohu)
Năng lực của Thạch Quảng Nguyên cũng ngang ngửa với Từ Thứ. Theo lời nhận xét của Gia Cát Lượng, hai người này đều có thể đảm nhiệm chức vụ Thứ sử, Thái thú, nhưng thực tế Gia Cát Lượng đã đánh giá thấp họ. Sau khi Gia Cát Lượng theo Lưu Bị, cả hai người đều đi về phía bắc theo Tào Tháo, Từ Thứ làm quan ở Tây Bắc, Thạch Quảng Nguyên làm Điển nông hiệu úy. Khi Gia Cát Lượng bắc phạt, nghe được tin tức của hai người bạn cũ, đã không khỏi than thở: "Tào Ngụy nhiều nhân tài đến vậy sao? Tại sao hai người này lại không được trọng dụng?". Điều này cho thấy hai người họ không chỉ đơn thuần là nhân tài cấp Thứ sử, Thái thú.
Mạnh Công Uy
Về phần Mạnh Công Uy, sử sách ghi chép khá sơ lược. Chỉ biết rằng sau khi Gia Cát Lượng xuất sơn, ông cũng chọn con đường làm quan ở phương Bắc. Về sau, Mạnh Kiến quả thực đã làm đến chức Thứ sử Lương Châu, Chinh Đông tướng quân, và được đánh giá là có tiếng tốt trong việc cai trị, là một vị quan tốt. Có thể thấy, với việc làm bạn với Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Thôi Quân, tài năng của Mạnh Kiến chắc chắn cũng không thua kém gì họ.

Về phần Mạnh Công Uy, sử sách ghi chép khá sơ lược. (Ảnh: Sohu)
Đáng tiếc, những nhân vật này đều có những lý do riêng, khiến họ lỡ duyên với Lưu Bị. Khi ba lần đến lều tranh, Lưu Bị gặp Thôi Quân trước, sau khi trò chuyện nhận thấy đây là một nhân tài, liền mời ông gia nhập. Nhưng Thôi Quân vì nhớ đến cái chết thảm của cha mình, nên tìm mọi cách thoái thác, cuối cùng vẫn ở lại quê nhà Kinh Châu. Còn Thạch Quảng Nguyên và Mạnh Kiến, tuy cũng được Lưu Bị mời chào, nhưng có lẽ do không coi trọng ông, nên đã không đồng ý. Đối với những người này, nếu Lưu Bị cũng kiên trì như với Gia Cát Lượng, thì chưa chắc không thể mời được họ xuất sơn. Còn Từ Thứ thì quả thực không còn khả năng, vì mẹ ông bị Tào Tháo bắt, nên ông buộc phải rời bỏ Lưu Bị.

Nếu Lưu Bị có Gia Cát Lượng và những cao nhân kể trên giúp đỡ thì cục diện Tam Quốc ắt hẳn đã khác. (Ảnh: Sohu)
Mất đi sự hỗ trợ của những nhân tài này, đội ngũ nhân sự của Lưu Bị chỉ có thể dùng hai từ "thiếu thốn" để hình dung. Để chiếm được Ích Châu, ba quân sư chủ chốt là Gia Cát Lượng, Pháp Chính, Bàng Thống đều theo Lưu Bị vào Xuyên, Kinh Châu chỉ còn lại một mình Quan Vũ trấn giữ.
Nếu lúc đó có một trong ba người Thôi Quân, Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Kiến ở lại, có thể giúp Quan Vũ bày mưu tính kế, thì có lẽ đã không có sự kiện Mạch Thành thất thủ về sau, Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng vẫn còn khả năng thực hiện. Lịch sử Tam Quốc khi đó chắc chắn đã rẽ sang một hướng khác.
Theo Sohu, Sina, 163