Cô giáo Vật lý Trần Thanh Nga không còn là cái tên xa lạ với cộng đồng mạng sau những buổi livestream dạy học bởi cách truyền tải kiến thức độc đáo, mới lạ. Ngoại hình ưa nhìn cũng là điểm cộng giúp cô giáo trẻ thu hút nhiều người xem.
Được biết, Thanh Nga sinh năm 1998, quê Hà Nội, tốt nghiệp loại Giỏi ngành Sư phạm Vật lý của trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện Thanh Nga đang giảng dạy tại đang giảng dạy tại trường THPT Đào Duy Từ và trường THPT Việt Nam - Ba Lan tại Thủ đô Hà Nội.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống sư phạm nên từ bé Nga đã có ước muốn trở thành cô giáo. "Khi từ 4-5 tuổi tôi đã thích làm giáo viên và cũng tập viết bảng phấn từ hồi đó tới tận bây giờ, và tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ làm một nghề nào khác ngoài làm cô giáo", Thanh Nga cho hay.
Thanh Nga hiện đang giảng dạy tại 2 trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Thanh Nga chia sẻ cô quyết tâm trở thành giáo viên môn Vật lý từ câu chuyện "ghét của nào trời cao của ấy".
"Vào thời điểm học cấp 3 tôi rất sợ Vật lý, thế nhưng trong một cuộc tranh luận trên lớp, có một bạn nam tỏ ra coi thường rằng con gái thì sẽ học không tốt môn tự nhiên bằng con trai, từ đó, tôi quyết tâm chọn học khối tự nhiên để chứng tỏ bản thân và chứng minh bạn ấy hoàn toàn sai lầm. Và rồi càng học, càng tìm hiểu thì tôi càng thấy môn Vật lý rất hay và hấp dẫn.
Kiến thức bộ môn này sẽ giúp chúng ta trả lời được cách mà mọi thứ xung quanh ta vận hành như thế nào, từ những nguyên tử rất nhỏ cho đến hệ mặt trời, vũ trụ, từ những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống đến những cỗ máy phức tạp. Bản chất vật lý chính là cái lý của sự vật, giải thích mọi điều trong cuộc sống và nó không hề đáng sợ và khô khan như suy nghĩ của mọi người", Thanh Nga kể lại.
Nhan sắc trong trẻo của Trần Thanh Nga.
Đối với việc dạy học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19, Thanh Nga cho biết đây vừa là cơ hội vừa là thử thách đối với tất cả giáo viên.
Cô giáo trẻ cho rằng việc truyền tải kiến thức qua màn hình máy tính khiến cô không ít tiếp xúc và hiểu rõ được học sinh bởi không thể cầm tay chỉ việc và giai thích chi tiết như việc học ở trên trường. Bình thường học sinh đã ngại hỏi, khi học online học sinh còn ngại ngần hơn. Bên cạnh đó, việc nhìn máy tính quá lâu cũng khiến học sinh mệt mỏi, chưa kể đến những trục trặc khách quan như mất mạng, mất tín hiệu rồi đôi khi máy tính hổng hóc... cũng khiến cho công việc dạy và học bị ảnh hưởng.
Thanh Nga cho biết đây vừa là cơ hội vừa là thử thách đối với tất cả giáo viên.
Điều khiến cô giáo sinh năm 1998 vô cùng tiếc nuối còn bởi dù được phân công dạy khối 10 nhưng đến giờ cô vẫn chưa được biết hoc sinh mình ở ngoài như thế nào và lo sợ tình cảm cô trò sẽ bị vơi đi phần nào.
Sau quá trình giảng dạy trực tuyến và tìm hiểu về tâm lý học sinh, Thanh Nga đã đưa ra những lời khuyên để giúp các em duy trì được tinh thần học tập dù không được đến trường: "Trước hết tôi nghĩ các bạn học sinh nên cố gắng rèn thói quen đọc trước bài mới để có thể nắm bắt tốt hơn và hiểu sâu hơn khi giáo viên giảng bài, tiếp đến cho mình một không gian học tập thực sự thoải mái và nghiêm túc, đừng nằm trên giường hay trên ghế mà hãy ra bàn ngồi học. Tắt các trang mạng xã hội không cần thiết vì nó là nguyên nhân chính gây ra xao nhãng việc học.
Các bạn cần ghi chép bài vở thật đầy đủ vì nó không chỉ giúp ghi nhớ những gì giáo viên dạy mà còn kích thích suy nghĩ và kéo dài khoảng thời gian tập trung. Đương nhiên trong một lớp học, nếu muốn không buồn ngủ thì phải tạo được một không khí học tập sôi động và chủ động, tương tác, đặt câu hỏi cho giáo viên về tất cả những vấn đề mình còn thắc mắc, và không giấu dốt. Cuối cùng là một phần hết sức quan trọng, đó là hãy nghỉ ngơi thư giãn hợp lý sau giờ học, tập thể dục thể thao nhẹ nhàng khởi động trước và sau giờ vào lớp để tinh thần được thoải mái sau 1 ngày đã ngồi quá lâu bởi cột sống gen Z đang rất đáng báo động".
Một buổi học trực tuyến của Thanh Nga cùng các em học sinh.
Đặc biệt, cô giáo Thanh Nga có phương pháp dạy học riêng cho mình để đam bảo lớp học luôn sôi nổi: "Trước hết mỗi tiết học tôi sẽ cho lớp khởi động để các em không buồn ngủ như cho cả lớp hát 1 bài, hoặc kiểm tra 1 bài nho nhỏ lấy điểm thành phần... sẽ khiến cho các bạn tỉnh táo hơn. Tôi mình luôn cố gắng làm bài giảng đẹp nhất có thể, để học sinh nhìn có thể thấy thoải mái hơn.
Về riêng Vật lý, tôi sẽ tìm mọi cách để cho học sinh xem nhiều thí nghiệm thực tế nhất có thể, ngoài ra là những thí nghiệm ảo và các ví dụ liên quan đến cuộc sống sẽ khiến cho học sinh dễ hiểu và hứng thú hơn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho học sinh điểm để khuyến khích tinh thần giơ tay phát biểu cũng là một việc làm mình thấy rất hiệu quả khi dạy online, khi được điểm cao học sinh cũng có thêm nhiều năng lượng".
Thanh Nga cho biết cô luôn cố gắng để học trò được quan sát thí nghiệm thực tế nhiều nhất có thể.
Chia sẻ về dự định, Thanh Nga cho hay muốn tập trung tối đa để hoàn thành tốt những thứ mình đang xây dựng. "Tôi đang dạy ở cả 2 trường nên mình sẽ cần tập trung vào công việc chính ở trên trường trước, bên cạnh đó, tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để có thể phát triển song song nền tảng dạy online, livestream trên các trang mạng xã hội để học sinh khắp nơi đêu có thể được học", Thanh Nga chia sẻ.
Thanh Nga cho hay muốn tập trung tối đa để hoàn thành tốt những thứ mình đang xây dựng.