Trước đây, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (sống tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng gia đình ở trong ngôi nhà cấp bốn được xây từ năm 1969. "Nhà không có tivi, không có bàn ghế phòng khách, mỗi lần mưa đều dột, tường bong tróc. Mỗi khi bạn bè đến chơi, những lời nhận xét không mấy tốt đẹp về ngôi nhà khiến mình cảm thấy chạnh lòng và xót xa", cô nói. Nhà Nguyệt cũng từng được một số học sinh mượn để làm bối cảnh quay tiểu phẩm Chí Phèo.
Do đó, ngay từ khi mới học cấp một, Nguyệt đã mơ ước về ngôi nhà mới khang trang, có phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ để bố mẹ không phải sống trong cảnh thiếu thốn và cô cũng không phải chạy ra ngoài ban đêm để đi vệ sinh.
Nguyệt cố gắng nỗ lực học tập, phấn đấu thành cô giáo. Năm 18 tuổi, cô thi đỗ trường Đại học Sư phạm, chăm chỉ dạy gia sư kiếm tiền. Do nhà chật, gia đình cô phải xếp tủ quần áo, đồ đạc vào một góc để dành chỗ cho học sinh. Còn Nguyệt ngồi học, soạn giáo án trên giường đến tận khi ra trường.
Đến năm 2017, cô ý thức hơn trong việc tích lũy tiền bạc để cuộc sống khấm khá. "Mình đã dốc sức để làm việc chăm chỉ, không đi du lịch và không nghỉ ốm, trừ khi nặng quá phải đi bệnh viện. Mình tự nhủ nếu không cố gắng từ bây giờ, không chỉ cuộc sống sau này của bản thân mà cả của bố mẹ cũng gặp nhiều khó khăn. Tất cả vì mục tiêu xây dựng ngôi nhà mơ ước", Nguyệt cho hay. Cô cũng phải gác lại một số mối quan hệ bạn bè để phấn đấu hết mình cho mục tiêu.
Năm 2020, Nguyệt có bằng thạc sĩ tích lũy được số vốn kha khá. Năm 2024, ngôi nhà trong mơ từ thuở nào của Nguyệt đã trở thành hiện thực khi cô 29 tuổi. Nguyệt chi trả toàn bộ chi phí xây dựng nhà, sắm sửa thiết bị điện tử với hơn bốn tỷ đồng. Nguyệt cũng vay thêm ngân hàng đôi chút và đã sắp trả hết nợ.
"Vì bố mẹ mình không có lương hưu, bố mình chạy xe ôm, mẹ làm lao công nên mình muốn tự thực hiện ước mơ của bản thân, giảm bớt sự lo lắng cho phụ huynh về tài chính gia đình", Nguyệt nói.
Tổ ấm mới được xây cạnh nhà cũ, có bốn phòng ngủ khép kín, một phòng khách, một phòng học, một phòng thờ, sân thượng để gia đình thư giãn. Trong nhà còn có 6 phòng vệ sinh, hai phòng nhỏ chứa đồ, hai hầm, một thang máy tiện cho bố mẹ Nguyệt di chuyển vì ông bà đã lớn tuổi.
Trong quá trình xây nhà, Nguyệt thuê người thiết kế, giám sát riêng từng hạng mục. Còn cô thuê một nhà khác để ở, giám sát từ xa. "Mình nghĩ mọi người không nên thuê trọn gói mà nên thuê êkíp thiết kế, xây nhà riêng và cần có người giám sát. Đồng thời, nếu tiếc tiền thiết kế rồi sau đó không hợp ý, có thể bạn phải tốn thêm tiền đập đi xây lại. Xây nhà nên phù hợp với túi tiền của mình, không cần quá hoành tráng", Nguyệt nói.
Ngôi nhà của Nguyệt mang phong cách hiện đại và tiện lợi sinh hoạt. Trong quá trình sắm đồ nội thất, cô giáo 9X thường tìm nhiều chỗ, so sánh giá cả, chất lượng rồi mới "chốt đơn".
Nguyệt yêu thích nhất phòng học, cô chất đầy tủ kệ với vài trăm cuốn sách.
"Năm 2024, mình đã hoàn thành ước mơ về một ngôi nhà khang trang. Khi vào nhà mới, mọi người đến chúc mừng nhiều lắm, đợt Tết cả trăm người tới chung vui. Giờ mình chỉ mong sắp tới sẽ tìm được một chàng rể cho bố mẹ để gia đình có thêm niềm vui và hạnh phúc", cô giáo trẻ cho hay.
Trong ảnh là phòng ngủ của Nguyệt, vì thích tính đối xứng nên cô đặt hai gối.
Minh Nguyệt thích tận hưởng khoảnh khắc thư giãn khi nằm xem TV. Khi đã đạt được ước mơ, Nguyệt nói mục tiêu hiện giờ là cân bằng thời gian cho bản thân và công việc.
Phòng WC của Nguyệt có thêm bồn tắm để thư giãn.
Phòng em trai Nguyệt cũng mang phong cách hiện đại với tông đen xám chủ đạo.
Phía bên trong phòng ngủ của bố mẹ Nguyệt kê nội thất màu vàng nhạt.
Nguyệt cũng dành thêm một phòng cho khách.