Nhiều người đàn ông thật kỳ lạ, khi còn chung sống dưới một mái nhà thì họ còn quan tâm và yêu thương những đứa trẻ. Vợ chồng vừa chia ly, tình yêu và sự quan tâm của anh ta với con cũng theo đó mà biến mất. Xích mích và hận thù với vợ cũ, anh ta giận lây sang cả những đứa trẻ vô tội của mình.
Trà (31 tuổi, TP.HCM) chia sẻ cô kết thúc cuộc hôn nhân ngột ngạt và nhiều mâu thuẫn của mình cách đây 4 năm. Nguyên nhân bởi chồng cô rất keo kiệt và tính toán với vợ con, chưa nói anh còn nghe lời mẹ chồng răm rắp khiến Trà bao phen phải chịu ấm ức và tủi thân.
“Sau ly hôn chồng cũ không chu cấp cho con trai của chúng tôi đồng nào trong khi lương của anh ta là 20 triệu. Khi tôi trách móc thì anh ta bảo ai nhận nuôi con thì người ấy phải chịu toàn bộ trách nhiệm, anh ta gửi tiền cho thằng bé nhưng tôi lại mang đi tiêu riêng cho bản thân thì sao? Tôi biết tính chồng cũ nên cũng chẳng tranh cãi thêm”, Trà kể.
Những năm sau đó, Mạnh - chồng cũ của Trà chỉ thi thoảng đến thăm con chứ không hề gửi đồng nào cho Trà nuôi bé. Cách đây 2 năm, con trai Trà phải làm phẫu thuật cắt amidan theo chỉ định của bác sĩ. Vừa hay lúc đó Trà hết tiền mà bệnh tình của con thì phải điều trị ngay. Số tiền cần cho cuộc phẫu thuật không lớn, Trà hoàn toàn có thể vay mượn bạn bè, anh em. Song cô nghĩ đến Mạnh là bố đẻ của bé, anh nên có trách nhiệm và cũng cần được biết về tình hình sức khỏe của con trai. Trà đã gọi điện thông báo cho Mạnh biết chuyện và ngỏ ý hỏi vay tiền chồng cũ.
Ai ngờ đâu điều cô nhận được lại là lời từ chối phũ phàng từ Mạnh. “Đừng có mà vẽ việc ra để moi tiền của tôi. Đầy đứa trẻ có cần cắt amidan đâu mà chúng vẫn khỏe mạnh bình thường đấy thôi. Cô không nuôi được thằng bé thì đưa về đây để tôi nuôi. Tôi đã nói rồi, ngày nào cô còn nhận nuôi nó thì tôi sẽ không đưa bất cứ xu nào cả. Đưa tiền cho cô có chắc cô mua sắm cho con hay lại đắp vào bản thân?”, Mạnh mất kiên nhẫn trả lời Trà. Sau đó dù Trà có gửi cho Mạnh kết luận của bác sĩ nhưng Mạnh vẫn không quan tâm.
“Lúc ấy tôi nhận ra chẳng qua anh ta không muốn thực hiện trách nhiệm làm bố của mình. Anh ta nghĩ rằng thi thoảng đến thăm con thế đã là đủ lắm rồi. Anh ta không muốn phải mất một chút tiền nào với suy nghĩ sau này con lớn thì vẫn là con của mình chẳng mất đi đâu được. Nhưng lũ trẻ đâu có thể tự dưng mà lớn và trưởng thành được…”, Trà nói.
Sau chuyện ấy Mạnh có đến thăm con trai nhưng chỉ quan tâm bằng những lời nói suông, thậm chí một hộp sữa cũng không mua được cho bé. Đến nước ấy Trà thật sự phát sợ sự tính toán chi ly và keo kiệt quá mức của chồng cũ. Cô thầm thấy may mắn vì mình đã thoát ra được cuộc hôn nhân với người chồng như vậy.
Hai năm sau ngày con trai Mạnh nhập viện phẫu thuật cắt amidan, Trà bỗng chủ động tìm đến gặp anh. Để rồi lời đề nghị mà cô đưa ra lập tức khiến Mạnh mặt cắt không còn giọt máu. Trà sắp tái hôn và chồng sắp cưới của cô muốn con trai riêng của Trà mang họ anh. Anh sẽ đặt thằng bé trong sổ hộ khẩu của gia đình, việc đổi họ giúp bé không có cảm giác lạc lõng và cô đơn trong gia đình mới. Đó cũng là lời hứa của anh về việc sẽ coi con riêng của vợ chẳng khác gì con đẻ của mình.
“Theo quy định của pháp luật thì việc đổi họ này phải có sự đồng ý của anh nên tôi mới tìm đến đây. Mang tiếng là bố ruột của thằng bé nhưng những năm qua anh đã làm được gì cho con trai mình? Đến vài trăm nghìn mua hộp sữa cho con trai mà anh còn tiếc rẻ, anh có xứng đáng làm một người bố nữa không? Thôi thì anh không thể làm bố thằng bé, vậy hãy để cho người khác thay anh làm điều đó!”, Trà đã nói với chồng cũng như vậy.
Lúc đó Mạnh mới chết đứng nhận ra suy nghĩ của bản thân trước nay hoàn toàn sai lầm. Công sinh không bằng công dưỡng, anh có công sinh ra đứa trẻ nhưng lại không góp chút công sức nào để nuôi nấng chúng nên người, anh hoàn toàn có thể bị mất đi quyền làm bố của mình.
Tất nhiên Mạnh sống chết không đáp ứng. Sau đó anh đã thay đổi, bắt đầu gửi tiền chu cấp cho con trai, mua cho bé rất nhiều thứ cho bé và thường xuyên đón con về chơi, mục đích vun đắp tình cảm bố con. Trà thấy vậy nên cũng không ép buộc chồng cũ thêm, nếu là điều tốt cho con thì cô sẽ không phản đối. Đúng là chỉ khi sắp mất đi thứ quý giá của bản thân thì người ta mới sốt sắng để tìm cách giữ!