Chị Lưu ở Tín Dương, Hà Nam (Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ câu chuyện không vui mà mình vừa gặp phải trong ngày đầu năm mới. Theo lời kể, một người họ hàng lâu ngày không gặp đã dẫn hai con đến nhà chị chúc Tết. Lúc đó, chị không ở nhà, chỉ có mẹ ra tiếp đón.
Do không gặp lâu ngày nên mẹ chị Lưu và người họ hàng mải mê nói đủ chuyện, không chú ý tới hai đứa trẻ. Một lúc sau đó, khi người lớn cùng nhau nấu cơm dưới bếp, hai đứa trẻ đã lẻn vào phòng của chị Lưu. Không chỉ lục tung phòng của chị Lưu, chúng còn nghịch phá toàn bộ những chai lọ mỹ phẩm được đặt trên kệ.
Phát hiện căn phòng của mình đã thành “bãi chiến trường”, chị Lưu sững sờ một lúc, sau đó lập tức chụp ảnh và quay video lại rồi gửi cho người thân. Từ đoạn video, có thể thấy mỹ phẩm nằm lăn lóc khắp nơi, các hộp phấn đắt tiền bị đục khoét, son được dùng để vẽ lên sàn nhà.
Thấy chị Lưu tức giận, mẹ của hai đứa trẻ nói rằng đã nghiêm khắc phê bình các con, đồng thời xin lỗi qua điện thoại nhưng tuyệt nhiên không có ý định bồi thường. Sau khi biết chuyện, mẹ chị Lưu khuyên rằng mọi người là người thân, không nên làm ầm lên.
Chị Lưu nghe lời mẹ khuyên, dần bình tĩnh lại, cũng không đòi nhà họ hàng kia phải bồi thường vì không muốn làm mất không khí vui vẻ ngày Tết.
Sự việc tưởng như đã kết thúc lại bùng lên khi dân mạng tự định giá các loại mỹ phẩm bị phá hỏng. Một số dân mạng cho rằng bộ mỹ phẩm của chị Lưu có thể lên đến 20.000 NDT (khoảng hơn 70 triệu đồng). Biết giá trị của bộ mỹ phẩm, nhiều người xót thay chị Lưu, đồng thời khuyên chị không nên mềm lòng với những đứa trẻ nghịch phá đó.
Cách đây không lâu, cách xử lý khi con vô tình làm hỏng cổ vật gần 5 tỷ của một phụ huynh ở Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc) cũng trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng.
Cụ thể, trong lúc đi tham quan một bảo tàng tư nhân ở Vũ Hán, một em học sinh bất cẩn xô đổ tác phẩm điêu khắc cổ trị giá 1,3 triệu NDT (khoảng gần 5 tỷ đồng). Phía bảo tàng đã yêu cầu gia đình của học sinh này bồi thường tổn thất.
Bố mẹ của học sinh nói trên sau đó đăng một bài viết rất dài lên mạng xã hội, nêu ra 2 câu hỏi: Dựa vào căn cứ nào để xác định giá trị của cổ vật bị làm hỏng là 1,3 triệu NDT và nếu đó là vật phẩm có giá trị như vậy thì tại sao bảo tàng không chăng dây, đậy kính lại để cho và bảo vệ tài sản của mình?
Hành động của bố mẹ đứa trẻ đã dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt. Nhiều người cho rằng vị phụ huynh này đang đôi co, chống chế để không phải bồi thường cho sai lầm của con. Thế nhưng, một số khác lại nghĩ rằng những điều mà bố mẹ đứa trẻ nêu ra là hợp lý, họ hoàn toàn có quyền mời bên thứ ba thẩm định lại giá trị cổ vật trước khi bồi thường.
Trước hai câu hỏi của bố mẹ học sinh, đại diện bảo tàng cho biết họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về mức định giá, không bao giờ cưỡng ép hay muốn thu lợi từ sự việc. Người đại diện này cũng tiết lộ phía bảo tàng và gia đình học sinh đang trong quá trình thương lượng, hòa giải với sự giúp đỡ của cảnh sát.