Con trai về nhà với mái tóc dài, mặc váy ôm, mẹ sốc nặng rồi lại thấy may mắn

Có một người con chuyển giới, bà Hạnh từng đau khổ nhưng rồi lại thấy may mắn. Bởi bà có thêm một cô con gái để yêu thương và được yêu thương.

Sốc khi con trai trở về với mái tóc dài

Đỗ Tây Hà (tên khai sinh là Đỗ Minh Tiến, 31 tuổi, quê Tây Ninh), được mệnh danh là “Hoa khôi chuyển giới đất Tây Ninh”. Hà từng tham gia cuộc thi “Miss International Queen Vietnam 2023” (cuộc thi tài sắc dành cho người chuyển giới nữ ở Việt Nam – PV), lọt vào top 9 chung cuộc và giành giải phụ “Trang phục đẹp nhất”. 

Tây Hà là một trong những người đẹp chuyển giới nổi tiếng, hiện là người mẫu tự do tại TPHCM. Trong hành trình tìm lại giới tính thật của mình, chị đã trải qua nhiều đau đớn về thể xác, tinh thần. Dẫu vậy, niềm khát khao cháy bỏng được trở thành một người phụ nữ trọn vẹn đã giúp chị vượt qua tất cả.

Trên hành trình gian nan ấy, chỗ dựa vững chãi nhất của Hà là mẹ - bà Võ Thị Diệu Hạnh (SN 1961, quê Tây Ninh). Giống như nỗi trăn trở của Hà trong suốt những năm tháng sống đời “thân sâu hồn bướm”, bà Hạnh cũng trải qua quãng thời gian đau khổ, day dứt.

Bà Hạnh sinh được 2 người con trai. Người con trai cả năm nay 38 tuổi, đã yên bề gia thất. Hà là con thứ hai, từ nhỏ đã nhẹ nhàng, trầm tính. Bằng linh cảm của một người mẹ, bà Hạnh sớm nhận ra sự khác biệt của con. 

“Thấy con thích chơi búp bê, thường đi xin vải vụn về may váy cho búp bê, tôi đã hoài nghi một điều gì đó. Ở vùng quê nghèo khi ấy, khái niệm về đồng tính, chuyển giới rất mơ hồ, vợ chồng tôi lại bôn ba chợ búa để kiếm cơm nên không thể sát sao với con”, bà Hạnh kể.

Bà Hạnh từng sốc khi thấy con trai để tóc dài, mặc váy

Bà Hạnh từng sốc khi thấy con trai để tóc dài, mặc váy

Con thứ hai của bà Hạnh lớn đến đâu lộ vẻ nữ tính đến đó. Thấy con thích chơi với nhóm bạn gái, bà càng lo lắng. Bà Hạnh đăng ký lớp học võ cho con, thường động viên con chơi các môn thể thao sức mạnh,... 

Khi con vào đại học, thấy con mặc áo sơ mi, quần jean, vóc dáng vạm vỡ hơn, bà Hạnh yên tâm phần nào. Vợ chồng bà động viên con cố gắng học hành, sau này có công việc ổn định, lấy vợ sinh con, vậy là hoàn thành những việc lớn của đời người.

Nào ngờ, những gì bà thấy chỉ là vỏ bọc Hà cố tình tạo ra để che giấu giới tính thật của mình. Bà thừa nhận, chiếc vỏ ấy quá dày để đến khi con “thoát kén”, vợ chồng bà đã một phen sốc nặng.

“Hà học đại học ở TPHCM. Cho đến năm cuối đại học, Hà bất ngờ trở về nhà với mái tóc dài và một chiếc đầm ôm sát cơ thể. Tôi nhìn con mà hết hồn, còn chồng tôi sốc nặng”, bà Hạnh kể.

Hà thổ lộ giới tính với mẹ. Bà Hạnh chẳng biết làm gì ngoài rơi nước mắt. Chồng bà phản ứng gay gắt, từ lời nói đến hành động khiến con tổn thương. Nhìn hai cha con cãi nhau đến “sập nóc nhà”, bà Hạnh buồn khổ. Bà vừa thương con, vừa thương mình rơi vào cảnh oái oăm.

Kể từ đó, Hà rất ít khi về nhà. Chồng bà vẫn giữ thái độ lạnh lùng như vậy, nhất quyết không chấp nhận cậu con trai thứ bỗng trở thành con gái.

Riêng bà có suy nghĩ khác. “Con là tôi sinh ra, dù con muốn làm con trai hay con gái tôi cũng chấp nhận. Tôi cố gắng đối xử với Hà thật bình thường để con không tự ti, mặc cảm. Một mình con bươn chải giữa cuộc đời đã quá đáng thương, giờ con lại phải đối đầu với gia đình nữa thì sao chịu nổi”, bà trải lòng.

Những năm tháng sau này, bà càng thương Hà nhiều hơn. Hà ít về nhà, bà gọi điện hỏi thăm con, nhắc con chuyện ăn ngủ đúng giờ. Chỉ cần con khỏe mạnh, sống tốt, dù ở trong hình hài nào bà cũng vui lòng.

Gọi con là “con gái”, mua váy cho con mặc

Năm 19 tuổi, Tây Hà bắt đầu tiêm hoóc môn nữ. Sau này, nhờ được một viện thẩm mỹ tài trợ, Hà đã thành công chuyển giới thành nữ.

Không thể đồng hành cùng con trong hành trình đầy đau đớn ấy là nỗi tiếc nuối lớn nhất của bà Hạnh. Bà chỉ biết gọi điện cho con, động viên con vượt qua nỗi đau để hoàn thành ước nguyện của đời mình.

Tây Hà là niềm tự hào của mẹ

Tây Hà là niềm tự hào của mẹ

Trước đây, khi nghe những lời bàn tán đầy cay nghiệt của mọi người về con mình, bà Hạnh trách móc ông trời giỏi trêu ngươi. Nhưng khi nhìn con ngày càng nữ tính, xinh đẹp, dịu dàng, bà lại cảm ơn ông trời đã cho bà một cô con gái.

Bà vui khi thấy con cười nhiều hơn. Bà nghĩ: “À thì ra Tiến làm con gái cũng xinh đẹp như thế”. Và với bà Hạnh, “con hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc”.

Được chứng kiến con tỏa sáng trên sàn diễn thời trang, trong các cuộc thi sắc đẹp, bà thấy hãnh diện. Đó là cuộc đời con muốn sống, bà Hạnh hiểu điều đó và hết lòng ủng hộ.

“Cha của Hà qua thời gian cũng dần chấp nhận giới tính thật của con. Giờ đây, thấy con để tóc dài, mặc váy, ông ấy không phàn nàn nữa. Có điều, những lúc ở nhà, ông vẫn gọi Hà là ‘thằng Tiến’”, bà Hạnh cười chia sẻ.

Với bà Hạnh, Hà là cô con gái nhỏ. Bà gọi Hà là “con gái”, thi thoảng mua đầm tặng cho con. Mỗi lần về quê, Hà thường ngủ với mẹ, hai mẹ con tâm sự chuyện công việc, cuộc sống.

Hà là một người con có hiếu. Chị thường về thăm cha mẹ, đi chợ, vào bếp nấu cho cha mẹ những món ăn ngon. Thi thoảng, Hà lại gửi tiền cho cha uống cà phê, gửi tiền cho mẹ mua thuốc bổ...

“Cha của Hà nói với tôi rằng ‘thằng Tiến thế mà lại sướng. Nó không cần lấy vợ, sinh con, không phải lăn lộn lo cho gia đình. Nó chỉ cần sống tốt cuộc đời nó’. Thực ra, tôi cũng chỉ mong như vậy. Con cứ sống tốt cuộc đời con, không cần quá thành đạt, giỏi giang, sống khỏe mạnh, yêu đời là được”, bà Hạnh trải lòng.

Tây Hà từng nói: “Món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể tặng cho đấng sinh thành của mình là niềm tự hào và an tâm từ bạn”. Với bà Hạnh, cô con gái nhỏ của bà đã làm được điều đó. 

Ảnh: NVCC