Mới đây, thông tin về một công ty quảng cáo có trụ sở tại thành phố Tây An, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc chuyển văn phòng tới một vùng nông thôn miền núi, giao thông bất tiện với mục đích ép nhân viên phải nghỉ việc gây xôn xao cư dân mạng.
Theo đó, một nhân viên cũ của công ty này tên Chang cho biết, công ty thông báo với mọi người sẽ chuyển văn phòng tới địa điểm làm việc mới ở dãy núi Tần Lĩnh. Địa điểm này rất hẻo lánh, phải mất 2 giờ di chuyển (1 chiều), có ít sự lựa chọn giao thông công cộng với người không có xe ô tô riêng.
"Các đồng nghiệp không có xe ô tô phải đi xe buýt hết 3 tiếng, sau đó đi bộ thêm 3km nữa qua các con đường núi mới tới được văn phòng", Chang nói và cho biết thêm rằng, nếu bắt taxi từ tuyến tàu gần nhất tới văn phòng sẽ tốn 60 tệ (200 nghìn đồng), công ty không hỗ trợ chi phí đi lại.
Địa điểm văn phòng mới không chỉ ở vị trí xa xôi mà còn thiếu các tiện nghi cơ bản, buộc các nhân viên nữ phải tới ngôi làng gần nhất để sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Đặc biệt, khi trời tối, nơi này còn có rất nhiều chó hoang. Bất chấp những lời phàn nàn của nhân viên, công ty từ chối giải quyết mọi thứ.
Sau nhiều lần khiếu nại không thành công, 14/20 nhân viên bao gồm cả Chang nộp đơn từ chức. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau, họ bàng hoàng khi phát hiện ra công ty đã chuyển về thành phố Tây An và đang tích cực tìm kiếm nhân viên mới. Mọi người chợt nhận ra, mục đích của ông chủ là muốn họ tự động nghỉ việc để không phải bồi thường lao động.
Khi Chang chia sẻ câu chuyện này lên mạng, thông tin lập tức lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhưng công ty cũ của anh bác bỏ mọi cáo buộc, còn dọa kiện vì tội vu khống, bôi nhọ danh tiếng công ty.
Phía đại diện của công ty nói với trang SCMP rằng: "Giá thuê văn phòng ở khu trung trung thâm thương mại rất cao, văn phòng mới đang được cải tạo, vì thế chúng tôi mới tạm thời chuyển tới vùng núi trong 1 tuần".
Tuy nhiên, các nhân viên cũ cáo buộc công ty nói dối, họ được thông báo là văn phòng mới ở miền núi hẻo lánh này sẽ là trụ sở của công ty trong thời gian dài, có thể hơn 1 năm.
Phần lớn dân mạng Trung Quốc đứng về phía các nhân viên cũ, cáo buộc công ty có hành vi thao túng và thậm chí vi phạm hợp đồng lao động. Việc thay đổi địa điểm làm việc mà không có sự đồng ý của nhân viên là vi phạm hợp đồng.