Công việc đáng sợ nhất thế giới: Dọn dẹp hiện trường vụ án

Đây là một công việc được trả lương rất cao nhưng không phải ai cũng dám làm.

Dọn dẹp hiện trường vụ án là một ngành rất đặc thù giống như ngành tang lễ, tuy thu nhập rất cao nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm để đối diện với xác chết mỗi ngày.

Họ là những người kiếm tiền từ người chết. Càng có nhiều người chết thì họ càng kiếm được nhiều tiền. Sự thật này tuy rất phũ phàng nhưng đó là thực tế. Tại Mỹ, những người dọn dẹp hiện trường vụ án đều có sự hợp tác đặc biệt với phía cảnh sát.

Người dọn dẹp hiện trường vụ án

Khi có một vụ án xảy ra tại nhà riêng, người đầu tiên tới là cảnh sát, giám định viên hoặc nhân viên y tế. Nhiệm vụ của họ là thu thập bằng chứng, ghi lại hiện trường vụ án, khám nghiệm tử thi.

Công việc đáng sợ nhất thế giới: Dọn dẹp hiện trường vụ án - 1
Công việc đáng sợ nhất thế giới: Dọn dẹp hiện trường vụ án - 2

Khi các nhân viên nghiệp vụ rời khỏi hiện trường, căn phòng kinh hoàng nhuốm máu được giao cho những người dọn dẹp chuyên nghiệp.

Hiện trường của một vụ giết người, tự sát hoặc chết do tai nạn kinh hoàng. Căn phòng ngập trong máu, không khí tanh tưởi, xác chết thối rữa...

Việc dọn một căn phòng như vậy đương nhiên không dành cho tất cả mọi người. Những người làm nghề này cần có tâm lý vững và họ cũng đối mặt với nhiều rủi ro.

Một người dọn dẹp hiện trường vụ án mô tả những gì mình nhìn thấy là: “Máu bắn khắp nơi, đầy dấu vân tay trên tay nắm cửa, bóng đèn, tường, công tắc… Thậm chí có một vũng máu đông thành cục dưới giường, nơi nạn nhân cố gắng lẩn trốn. Máu thấm vào các vết nứt trên sàn nhà”.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều ngôi nhà người này từng xử lý. Máu của người chết có thể mang những mầm bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B và nhiều virus khác. Mỗi giọt máu nhân viên vệ sinh tiếp xúc cần phải được xử lý cẩn thận, vì nó có khả năng khiến họ bị nhiễm trùng.

20 phút sau khi làm việc, toàn thân nhân viên dọn dẹp đều ướt đẫm mồ hôi.

Nhân viên vệ sinh cần sử dụng chất khử trùng của bệnh viện để lau và chà sạch từng giọt máu trên tất cả bề mặt trong căn nhà. Đối với các vụ án man rợ, họ thậm chí cần phải thu thập những mảnh xương được chôn giấu trong vách thạch cao. Họ cần xử lý thảm, rèm hoặc nệm…

Thời gian dọn dẹp phụ thuộc vào mức độ khủng khiếp của hiện trường.

Cảnh xác chết thối rữa

Xác chết thối rữa thường không văng tung tóe khắp nơi như máu nhưng mức độ khủng khiếp của nó lại ngang ngửa. Một thi thể sau nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng sẽ biến đổi. Xác phình to, côn trùng xâm nhập, nội tạng tự tiêu hủy, da chảy nước. Mùi của hiện trường kiểu này là một nỗi ám ảnh đối với nhân viên dọn dẹp.

Thông thường, những người dọn dẹp sẽ đeo mặt nạ phòng độc để có thể thở nhưng loại mặt nạ này không có tác dụng ngăn mùi hôi. Đặc biệt là mùi tử khí, nó có thể khiến bạn phải chảy nước mắt. Mọi thứ đều không thể diễn tả được thành lời trừ khi bạn trực tiếp chứng kiến.

Công việc đáng sợ nhất thế giới: Dọn dẹp hiện trường vụ án - 3

Khi giám định pháp y mổ xác, thường có một lượng lớn chất lỏng, dịch thể, giòi… của người chết để lại hiện trường.

Ngoài việc xử lý đống lộn xộn này, nhân viên dọn dẹp còn phải bắt từng con giòi để tiêu hủy vì nó có thể mang mầm bệnh.

Người yếu tim không thể làm một công việc như vậy.

Trong nhiều trường hợp khi những người dọn dẹp đến hiện trường, các thi thể đã được khiêng đi nhưng tàn dư khủng khiếp vẫn còn ở đó.

Tại sao họ lại chọn làm công việc khủng khiếp này?

Mexico là một trong những quốc gia có tỷ lệ giết người cao nhất trên thế giới. Donovan là nhân viên đầu tiên làm công viện dọn dẹp hiện trường vụ án tại Mexico.

Năm 12 tuổi, Donovan lần đầu tiên nhìn thấy một thi thể, đó là một người chết trên đường. Trước những lời bàn tán của hàng xóm lúc đó, Donovan thản nhiên đi tới chỗ thi thể nhưng lại giật mình khi thấy con đường bê bết máu của người này.

Lúc đó, Donovan nghĩ ai là người sẽ đứng ra lau sạch các vết máu này. Sau cùng vẫn không có ai tới, Donovan và mẹ đã lấy nước rửa sạch các vết máu trên đường.

Kể từ lúc đó, Donovan trở nên tò mò nhiều hơn về vấn đề này và hỏi gia đình mình: “Ai là người làm sạch các vết máu tại hiện trường? Điều gì xảy ra sau đó? Làm thế nào để có thể làm sạch nó?”

Gia đình rất khó chịu trước những thắc mắc này của Donovan. Anh không nhận được câu trả lời nên tự mình đi tìm đáp án. Anh tìm thấy một cuốn sách nói về pháp y, bắt đầu tìm hiểu về cái chết và những gì xảy ra với xác chết.

Năm 17 tuổi, Donovan bắt đầu thử nghiệm. Anh tới một tiệm thịt mua gan và xương bò còn tươi mới, sau đó tự mày mò làm sạch vết máu tại nhà. Dần dần anh có ước mơ trở thành một người chuyên dọn dẹp hiện trường vụ án.

Giết người không giống như tai nạn, hiện trường có rất nhiều máu

Donovan đã phát minh ra hơn 300 công thức khác nhau để làm sạch vết máu và tiếp tục cải tiến chúng trong những năm qua. Ngoài máu, các chất dịch cơ thể khác như tinh dịch hoặc phân cũng cần được xem xét.

Donovan là người cuối cùng đến hiện trường vụ án.

Công việc đáng sợ nhất thế giới: Dọn dẹp hiện trường vụ án - 4

Sau khi cảnh sát rời đi, Donovan bắt đầu công việc của mình. Giống như những người dọn dẹp khác, anh thích vừa làm việc vừa nghe nhạc.

Một ví dụ khiến Donovan không thể quên trong những năm qua là một vụ giết người ở Mexico City khiến 4 người chết. Khi dọn dẹp nhà cửa, anh có thể thấy rõ những dấu hiệu của sự tự vệ và hoảng sợ. Anh cảm thấy rất tức giận và tuyệt vọng trước cảnh tượng trước mắt.

Cuối cùng, căn nhà mất hơn 10 tiếng đồng hồ để dọn dẹp. Khi bàn giao lại căn nhà như mới cho người thân của người chết, Donovan cảm thấy công việc mình rất có ý nghĩa khi có thể giúp đỡ người khác.

Những người dọn dẹp hiện trường vụ án cho biết, công việc này khiến họ cảm nhận được tầm quan trọng của lòng tốt. Nhưng đôi khi họ ngạc nhiên về sự độc ác của con người, "nó khiến bạn mất niềm tin vào mọi người".

Có nhiều đội dọn dẹp hiện trường vụ án phải đối phó với điều kiện hiện trường khắc nghiệt, phải trải qua một số rối loạn căng thẳng liên quan đến chấn thương, bao gồm trầm cảm, lo lắng và ác mộng mãn tính.

Việc làm này giúp họ nhận thức rõ hơn về bạo lực và khiến họ trân trọng cuộc sống hơn.