Vài tháng trước, trong căn phòng trọ không số ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, nhiều đêm Tuấn không chợp mắt nổi. Cậu kể lòng bộn bề những trăn trở về việc mình không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân, không kiếm được việc cùng với những lo lắng về bà ngoại và người anh trai khác cha ngày bán dạo ven hồ, đêm tá túc trong các khu lao động trả tiền ngủ theo ngày.
"Em nhìn thấy cuộc đời mình cũng có nguy cơ tăm tối như vậy", chàng trai quê Thanh Hóa chia sẻ.
Nhà có truyền thống ba đời mưu sinh bên Hồ Gươm, Tuấn trở thành đứa trẻ đường phố từ ngày đi còn chưa vững. Cậu bé được tổ chức Blue Dragon tiếp cận vào năm 13 tuổi. Tổ chức mong muốn đưa em đến tham gia các lớp học kiến thức, kỹ năng và năng khiếu. Nhưng hơn hai năm đầu để kéo em ra khỏi vòng tròn mưu sinh không dễ.
Người lớn trong nhà muốn Tuấn phải đi kiếm tiền. Trong mắt họ, chẳng có gì quan trọng bằng có tiền để mua bữa cơm chiều, đóng suất ngủ tối. Sau này khi đến với tổ chức, Tuấn bắt đầu thích vì có nhiều trò chơi, đồ ăn ngon, được ngồi máy lạnh. Cậu cũng tò mò khi mấy đứa từng lang thang ngoài phố giống mình giờ nói tiếng Anh, nhảy hip-hop và đá bóng giỏi.
"Ánh mắt những đứa trẻ đường phố ám ảnh lắm", chị Lương Thu Hường, nhân viên công tác xã hội của tổ chức hỗ trợ trẻ em đường phố Blue Dragon (Rồng Xanh) nhớ lại. "Ánh mắt đó cầu xin sự giúp đỡ, mong muốn được yêu thương".
Hết lớp 5 cậu nghỉ học nhưng không theo chân bà ra hồ mà ở lại với tổ chức để học các kỹ năng và nghề đầu bếp. Cậu đã có kinh nghiệm làm việc hai nhà hàng ở vị trí phụ bếp.
Đầu năm nay khi đủ 18 tuổi, Tuấn chuyển ra ngoài sống tự lập. Hồi tháng 3, tại một nhà hàng lớn ở Xuân Diệu, chàng trai đến phỏng vấn xin việc cùng hai chứng chỉ nấu ăn của mình nhưng bị từ chối vì không có giấy tờ tùy thân. Vài ngày sau, Tuấn xin vào một nhà hàng nhỏ hơn ở phố cổ. Cậu đã được nhận vào làm một ca, song cuối buổi hỏi đến giấy tờ không có cũng bị đuổi.
"Em hụt hẫng và mất phương hướng", Tuấn kể.
Đây không phải là lần đầu tiên Tuấn thiệt thòi vì không có giấy tờ tùy thân. Ba năm trước, cậu được Blue Dragon chọn đi học tiếng Anh một tháng ở Singapore, nhưng sau cùng không đi được. "Ít nhất bốn cơ hội đi Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines đã bỏ lỡ", Tuấn nói. "Nhiều lần em được trao các cơ hội đi học, kể cả đi làm ở nước ngoài, nhưng đến một tờ giấy chứng minh thân phận em cũng không có".
Cũng vì thế, cậu cũng không có cơ hội được đi tàu, máy bay. Có những chuyến cùng Blue Dragon ra tỉnh ngoài bằng ôtô, Tuấn nơm nớp cảm giác sợ sệt.
"Em luôn có nỗi sợ chẳng may có người đến hỏi giấy tờ không đưa ra được sẽ bị thu gom, nhốt vào trung tâm nào đó", cậu bày tỏ.
Tuấn trong trận giao lưu bóng đá ở Đà Nẵng, hôm 20/4. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Thu Hường cho biết giấy tờ của Tuấn là vấn đề nan giải. Suốt thời gian trước đây xin cho em đi học ở bất cứ đâu cũng luôn gặp khó khăn, đôi khi không thể thực hiện được vì không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh. "Vì vướng mắc giấy tờ nên ngay cả các bằng cấp của em ấy đến hiện tại cũng chưa chính thức", chị cho biết.
Việc tìm kiếm lại những thông tin gốc rất khó khăn khi Tuấn, cũng như nhiều trẻ em khác ở Blue Dragon, sinh ra trong các gia đình khuyết thiếu, hoặc bố mẹ không đăng ký kết hôn, vì không đóng viện phí nên không có giấy chứng sinh. Bản thân nhiều phụ huynh không biết chữ, trong quá khứ từng có chuyện liên quan đến pháp luật nên rất ngại khi tiếp xúc với chính quyền. Tình trạng không có giấy tờ đã truyền từ đời này sang đời khác.
Vì mẹ Tuấn đã lấy chồng khác và chuyển khẩu theo gia đình chồng, nên tất cả phải dựa vào bà ngoại gần 80 tuổi, đã tha hương gần 50 năm. Bà khẳng định cháu từng có giấy khai sinh ở quê nhưng đã bị mất. Gần đây với sự tư vấn của những người có kinh nghiệm, gia đình đã viết đơn xin kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của chính quyền ở quê cũ.
Mất nhiều chuyến đi từ Hà Nội về Thanh Hóa, phối hợp với các cơ quan chính quyền từ huyện, xã, thôn và họ hàng để chứng minh thân phận của Tuấn, cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết.
"Cầm trên tay căn cước công dân, em cảm tưởng như có một cái đèn chiếu sáng mọi thứ. Từ giờ em có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì em mong muốn", Tuấn chia sẻ.
Trong đợt này, bà ngoại Tuấn cũng được làm căn cước. "Đây như một phép màu", bà nói. Dù nhiều tuổi, bà tin căn cước này sẽ cho mình được làm và hưởng nhiều quyền công dân mà trước nay không được.
Tuấn đang chuẩn bị một chương trình broad game cho trẻ em ở Rồng Xanh, chiều 26/4. Ảnh: T.H
Phát biểu tại một sự kiện năm 2023, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết qua quá trình làm căn cước công dân cho người dân, cơ quan chức năng phát hiện có cả triệu người không có bất cứ thứ giấy tờ nào, họ đa phần thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội.
"Từ cậu bé đánh giày ra thành phố, lớn lên trưởng thành ở Hà Nội đến những người bán hàng rong, đi làm mướn, cuộc sống của họ chỉ kiếm ăn qua ngày, ngủ ở nhà trọ, gầm cầu. Các con các cháu sinh ra vẫn theo số phận bố mẹ, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học", bộ trưởng nói.
Chị Thu Hường cho biết thêm gia đình Tuấn như một vòng lặp, đời bà, đời mẹ đến đời con mưu sinh bên hồ Gươm. Là người làm công tác xã hội, những người như Hường luôn mong muốn tiếp cận hỗ trợ, để những đứa trẻ phá vỡ vòng lặp đó.
"Để giúp được Tuấn cần nhiều thời gian, nguồn lực, không chỉ một tổ chức mà cần cả một xã hội và các hệ thống chính sách an sinh xã hội vào cuộc", chị Hường nói.
Ngay sau khi có căn cước công dân, Tuấn được đi máy bay lần đầu tiên trong đời với chuyến công tác tới Đà Nẵng tham gia một sự kiện giao lưu bóng đá. Vài tháng nay, ngoài làm đầu bếp, chàng trai còn đi dạy bóng cho học sinh ở Hà Nội.
Đêm trước ngày lên đường, trong khu nhà trọ không số bụi bặm, chàng trai 18 tuổi không ngủ được. Nhưng lần này cậu thao thức vì cảm giác lâng lâng.
"Có quá nhiều thứ chờ mong phía trước, mà giờ đây em đã có quyền được ước mơ và cố gắng biến thành hiện thực", chàng trai nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.