Đến hẹn lại lên, mỗi mùa xuân sang, Nhật Bản lại công bố dữ liệu dân số mới thu hút sự quan tâm của giới truyền thông trong khi các nhà chức trách vẫn đảm bảo sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Năm 2023, giới chức Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo rằng "bây giờ hoặc không bao giờ" cần giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm và dân số ngày càng thu hẹp.
Năm nay cũng không ngoại lệ. Theo dữ liệu sơ bộ được chính phủ công bố trong tuần vừa qua, năm 2023, số ca sinh mới đã giảm năm thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục và giảm 5,1% so với năm 2022.
Khách hàng xem quần áo trẻ em tại một trung tâm thương mại ở Kyoto vào ngày 20 tháng 10 năm 2023.
Không thể đảo ngược
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất của Nhật Bản, khi chính phủ không thể đảo ngược tác động kép: tỷ lệ sinh giảm và dân số già ngày càng tăng.
Số người chết mỗi năm nhiều hơn số người được sinh ra, khiến dân số giảm nhanh chóng - gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, nền kinh tế, hệ thống phúc lợi và cơ cấu xã hội của đất nước Mặt trời mọc.
Tất nhiên, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề này. Các nước láng giềng khu vực Đông Á, bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự, cũng như một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha và Ý.
Một ngày sau khi Nhật Bản công bố dữ liệu sơ bộ trong tuần này, Hàn Quốc cũng công bố số liệu riêng cho thấy tỷ lệ sinh của nước này - mức thấp nhất thế giới - lại giảm vào năm 2023.
Không giống nhiều quốc gia phát triển có tỷ lệ sinh thấp khác, Nhật Bản và các quốc gia Đông Á không dùng nguồn nhập cư để tăng dân số.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản đặc biệt ở chỗ nó đã hình thành trong nhiều thập kỷ - có nghĩa là tác động của nó hiện đã đặc biệt rõ ràng và khó có thể có giải quyết sớm.
Vì vậy, bất kỳ con đường nào Nhật Bản đi cũng có thể sẽ là bài học cho các quốc gia khác.
James Raymo, giáo sư xã hội học và nhân khẩu học tại Đại học Princeton, cho biết điều đầu tiên cần hiểu về cuộc khủng hoảng dân số ở Nhật Bản là nó chỉ liên quan một phần đến hành vi. Ông nói, phần lớn hơn của vấn đề liên quan đến lịch sử Nhật Bản và lịch sử đó đã định hình cơ cấu dân số của nước này như thế nào.
Để dân số duy trì ổn định, cần tỷ lệ sinh là 2,1 (tổng số lần sinh mà một phụ nữ có trong đời). Tỷ lệ cao hơn sẽ giúp dân số tăng.
"Ở Nhật Bản, thước đo mức sinh đó đã ở mức dưới 2,1 trong 50 năm qua", Raymo nói. "Nó giảm xuống dưới mức đó sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu năm 1973 và không bao giờ tăng trở lại".
Tính đến năm 2023, tỷ lệ sinh của Nhật Bản ở mức 1,3. Con số này vẫn tương đối ổn định trong một thời gian, có nghĩa là, ngày nay, trung bình một phụ nữ Nhật Bản có số con gần bằng với 5 hoặc 10 năm trước.
Vấn đề thực sự là tỷ lệ sinh luôn ở mức thấp trong thời gian dài. Một quốc gia có thể duy trì dân số ổn định nếu tỷ lệ đó chỉ giảm trong vài năm - nhưng khi tỷ lệ này duy trì ở mức dưới 2,1 trong nhiều thập kỷ, thì dân số già hóa là điều dễ hiểu.
Vì tỷ lệ chênh lệch đó, tổng số trẻ sinh ra mỗi năm sẽ tiếp tục giảm - ngay cả khi phụ nữ bắt đầu sinh nhiều con hơn - bởi vì số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã quá ít và đang giảm dần qua mỗi năm.
Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi Nhật Bản cố gắng tăng tỷ lệ sinh một cách nhanh chóng và ngay lập tức - điều mà các chuyên gia cho là phi thực tế - dân số của nước này chắc chắn sẽ tiếp tục giảm trong ít nhất vài thập kỷ nữa.
Cuộc sống độc thân
Raymo cho biết có nhiều lý do khiến tỷ lệ sinh ở Nhật Bản thấp nhưng vấn đề chính là ngay từ đầu người trẻ đã không muốn kết hôn.
Cha mẹ đơn thân hoặc trẻ em sinh ra từ các bà mẹ chưa kết hôn ở Nhật Bản ít phổ biến hơn nhiều so với nhiều nước phương Tây. Vì vậy, ít người đăng ký kết hôn đồng nghĩa là có ít trẻ sơ sinh hơn.
Số lượng các cuộc hôn nhân ở Nhật Bản đã giảm gần 6% vào năm 2023 so với năm trước - lần đầu tiên giảm xuống dưới 500.000 sau 90 năm, theo dữ liệu sơ bộ được công bố trong tuần này. Tỷ lệ ly hôn cũng tăng 2,6% trong năm ngoái.
Một cặp đôi tạo dáng chụp ảnh cưới gần những cây anh đào đang nở hoa ở khu vực Yonomori của Fukushima, Nhật Bản, vào ngày 2 tháng 4 năm 2023.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt cao, kinh tế suy thoái, lương không tăng, không gian hạn chế và văn hóa làm việc khắt khe của đất nước này là những lý do khiến ít người trẻ muốn hẹn hò hoặc kết hôn.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của IPSS, "sự sẵn sàng lập gia đình của người Nhật đã giảm đáng kể".
Trong số những người trưởng thành độc thân chưa từng kết hôn, ngày càng ít người nói rằng họ có ý định lập gia đình, trong khi nhiều người nói rằng họ sẽ không cô đơn ngay cả khi tiếp tục sống một mình.
Đối với phụ nữ, chi phí kinh tế không phải là lý do duy nhất cho việc trì hoãn kết hôn. Trong xã hội Nhật Bản, phụ nữ đã kết hôn thường được kỳ vọng sẽ đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích các ông chồng chia sẻ nhiều hơn với vợ.
Tương lai ra sao?
Tác động của cuộc khủng hoảng dân số là hiển nhiên.
Các ngành công nghiệp đang thiếu hụt lao động; ít lao động trẻ; một số vùng nông thôn đang dần trở thành nơi hoang tàn, thậm chí có ngôi làng suốt 25 năm không có trẻ sơ sinh nào chào đời.
Raymo cho biết ngay cả ở các thành phố, mọi thứ đang thay đổi. Nhiều công việc dịch vụ đều do thanh niên nhập cư hoặc sinh viên từ các quốc gia khác đến làm.
Nhiều năm qua, các nhà chức trách đã thúc đẩy nhiều sáng kiến khác nhau nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con, chẳng hạn như tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em hoặc trợ cấp nhà ở. Một số thị trấn thậm chí còn trả tiền cho các cặp vợ chồng có con.
Tuy nhiên, do sự suy giảm dự kiến sẽ tiếp tục trong ít nhất vài thập kỷ, Nhật Bản có thể sẽ phải hứng chịu "đòn giáng mạnh" vào hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe cũng như các cơ sở hạ tầng xã hội khác.
Raymo khẳng định điều đó không có nghĩa là Nhật Bản sẽ phải chịu số phận - tỷ lệ sinh có thể sẽ giảm xuống vào một thời điểm nào đó và đất nước sẽ điều chỉnh. Nhưng điều đó sẽ mất thời gian và Nhật Bản cần chuẩn bị cho "một chặng đường thực sự gập ghềnh để đạt được trạng thái cân bằng mới".
Nguồn: CNN