Cuộc sống tự lập của những đứa trẻ miền sơn cước khiến nhiều người hổ thẹn

Dù thiệt thòi trăm bề nhưng những đứa trẻ miền sơn cước vẫn khiến người ta ánh lên nhiều xúc cảm ngưỡng mộ bởi nghị lực và ý chí sắt đá. 

6 năm trước, những tấm gỗ và bạt cũ được thầy cô, người dân Mường Toong (Điện Biên) sắp xếp, dựng thành căn phòng nhỏ. Từ đó, nơi này là chỗ ăn, ngủ, nghỉ của hàng trăm học sinh.

Cuộc sống tự lập của những đứa trẻ lên 8

Sáng sớm trên miền sơn cước, khi cảnh vật vẫn chìm trong những làn sương giá, người ta đã nghe đâu đó tiếng lũ trẻ nội trú rì rầm, vang ra tận cổng trường. Rồi tiếng trống trường của bác Cẩm vang lên.

Đúng 5h30 phút, những đứa trẻ chỉ chờ như vậy để bật dậy, nhanh chóng dọn dẹp giường ngủ, phòng nội trú, gấp chăn gối rồi ùa ra bể nước vệ sinh cá nhân. Đứa nào cũng trên tay một chiếc xô nhỏ có ghi tên, lớp, trong đó có bàn chải đánh răng, khăn mặt, một hai bộ quần áo mang đi giặt.


Đúng 6h, không gian trong nhà ăn đã đông đủ. Bác Cẩm bê trên tay thùng xốp to đựng đồ ăn sáng. Mỗi sáng một món, có hôm là bánh bao, xôi, mì tôm; còn hôm nay, mỗi đứa 2 chiếc bánh rán.

Những học sinh lớp 5 nhanh chóng phụ người bảo vệ già phát bánh rán cho từng em nhỏ. Chỉ vài phút sau, nhà ăn đã không còn bóng đứa trẻ nào. Chúng chạy ra sân trường, dành nốt khoảng thời gian trước buổi học để bắn bi, nhảy dây, chơi chuyền.

Bác Cẩm nhìn ra sân, cười nói: “Bọn trẻ nó thế đấy, nhanh lắm. Tối ngủ sớm nên sáng ra dậy sớm, chỉ mong bác đánh trống, phát đồ ăn sáng xong rồi ra sân chơi với nhau thôi”.

Với 325 em nội trú, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 có số học sinh đông nhất của huyện biên giới Mường Nhé (Điện Biên). Khu nội trú chia ra làm hai dãy dành cho nam và nữ.

Bé Hoa đang là học sinh lớp 4E, em ở cùng phòng với 9 bạn khác cùng bản Huổi Đanh với mình. Cứ chiều thứ sáu hàng tuần, Hoa sắp xếp quần áo, bát, thìa, bàn chải đánh răng gọn gàng vào chiếc ba lô rồi rủ các bạn cùng phòng băng qua quãng đường hơn 10 km trở về Huổi Đanh. Đến chiều chủ nhật, em sẽ quay lại trường học.

Cũng giống như tất cả cô, cậu bé khác, Hoa xuống trường ở nội trú từ năm lớp 3. Lớp 1 và 2, các em còn quá nhỏ, xa gia đình, nên được sắp xếp cho ở điểm trường tại bản, nơi có thầy cô giáo lo dạy chữ, vận động học sinh đến trường. Khi lên lớp 3, đủ “chín chắn”, các em sẽ xuống trường và bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập.


Giờ nghỉ trưa bắt đầu từ 11h đến 1h30 phút. Bữa cơm được các thầy cô chuẩn bị sẵn. Mỗi bữa một món, có đầy đủ thịt cá, rau xào và canh. Theo chia sẻ của cô Hồng - Hiệu trưởng - tiền ăn của các em được Nhà nước hỗ trợ 575.000 đồng/tháng.

Ăn cơm xong, những đứa trẻ mang theo khay cơm của mình ra bể nước xếp hàng chờ đến lượt rửa, không như thời gian trước, chúng chạy nhốn nháo, tranh nhau để xong nhanh nhất. Đó cũng là điều mà cô Hồng, mỗi khi nhắc về lũ trẻ, có phần “tâm đắc”.

Thời gian đầu mới trở thành trường nội trú vất vả lắm, các em quen sống tự do, ăn uống bằng tay, không biết rửa khay cơm. Giáo viên dần dần uốn nắn, nhắc nhở, đã tạo nên môi trường quy củ hơn nhiều. Giờ đây, mỗi khi có học sinh lớp 3 mới vào, thầy cô không cần nhắc nhở nhiều. Những bạn lớp 4, 5 làm để các em học theo.


Hoa trở về phòng sau giờ ăn cơm trưa. Không gian ở đây yên tĩnh hơn rất nhiều so với phòng của các cậu học trò tinh nghịch. Thầy cô trực trưa ở trường cũng yên tâm khi để các cô bé tự ngủ nghỉ, sinh hoạt cùng nhau.

Ở góc phòng, vài em đang cùng nhau chăm chú xem một chị lớn chơi trò chơi trên mobile. Chiếc điện thoại là công cụ giải trí mới mẻ, hấp dẫn đối với những đứa trẻ này. Có những gia đình chỉ có một chiếc điện thoại để liên lạc, nhưng khi con em đi học xa, cũng cố gắng mua thêm một chiếc nữa để tiện liên lạc, đưa đón vào cuối tuần hoặc để chúng gọi về khi thấy nhớ nhà.

Tiếng trống tan học vang lên, những em không ở nội trú thì trở về nhà, còn đám trẻ lại ùa ra sân trường, tranh thủ vui chơi. Khoảng thời gian sau buổi học chiều là lúc các em rủ nhau đi tắm theo từng nhóm. Tiếng dội nước xối xả cùng âm thanh nô đùa tạo nên bầu không khí tấp nập quen thuộc.


19h giờ hôm nay, cô Chuyên và thầy Luân trực ôn bài cùng các em. Quang cảnh ngôi trường thật lạ lẫm, mọi thứ xung quanh tối om, chỉ có phía phòng học vẫn sáng đèn. Tiếng đám trẻ tập đọc tiếng Việt đều đặn, không khác lắm với những buổi học ban ngày.

21h là hết thời gian ôn bài, những đứa trẻ tự giác đi nhẹ nhàng về phòng ngủ của mình, đợi thầy cô điểm danh rồi tắt điện.

Nói về chuyện ngủ nội trú của các em, cô Hồng bật cười nhớ lại những năm đầu, có nhiều đứa học xong còn ngồi sân trường bắn bi đến 1-2h sáng. "Ở bản thì không có điện, xuống trường đèn điện ở sân lại bật cả đêm nên các em mải chơi lắm, chẳng nghĩ gì. Phải mất một thời gian, cô tắt hết điện tối om ở sân trường để các em biết rằng trời tối, còn đi ngủ”, cô Hồng nói.

Tuy phải sống xa bố mẹ nhưng bù lại chúng có thêm những quãng thời gian vui đùa bên bạn bè. Cũng như các trường học vùng cao khác, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt chưa đủ tốt nhưng cùng thầy cô, học sinh nơi đây đã tự tạo cho mình một cuộc sống tự lập.


Những tia sáng vùng biên

Theo chân những cô, cậu bé nội trú trở về làng, phóng viên đến bản Yên, cách trường tiểu học trung tâm hơn 7 km. Quãng đường không dài nhưng cũng mất 2 tiếng vừa đi bộ vừa nghỉ.

Bản Yên có 100% người Thái sinh sống. Họ có những phong tục rất đặc biệt và lâu đời. Đây là dân tộc bản địa ở vùng đất này. Cũng giống như đa phần bản khác, bản Yên không điện, không nước, không sóng điện thoại. Bản có tổng cộng 22 học sinh đang trong độ tuổi tiểu học. Các em đều được đến trường với sự hỗ trợ, vận động của cán bộ, thầy cô giáo.

Người dân bản Yên lấy việc làm nương rẫy nuôi sống gia đình. Mỗi năm chia ra làm 2 mùa, mưa và khô. Mùa khô do không có hệ thống tươi tiêu, chẳng lấy đâu ra nước trồng trọt, người dân sẽ nghỉ mùa vụ. Đàn ông trong bản, thời gian này, sẽ đi làm thuê. Phụ nữ cùng trẻ em ở nhà chăn nuôi, tìm măng, hái rau rừng đem bán.

Năm nay, mùa mưa đến muộn, dân bản chưa thể trồng trọt được gì, thực phẩm dùng cho những bữa cơm hàng ngày thiếu thốn. Những đứa trẻ lại rủ nhau vào rừng với mong muốn kiếm nhiều măng mang về thêm thắt vào bữa trưa của gia đình.



Trong đám trẻ đó có cậu bé Thao. Cùng lứa tuổi học sinh tiểu học ham chơi nhưng khác với nhiều đứa trẻ ở bản Yên, Thao chín chắn và ngoan ngoãn hơn. Sáng nào cậu bé cũng khoác chiếc túi, đeo dao ngang hông lên rừng tìm măng, chiều lại về đi hái rau rừng cho bà nấu bữa cơm tối.

Thao có bố là người dân tộc Thái, mẹ và ông ngoại dân tộc Cống - một trong số những dân tộc đặc biệt ít người ở Việt Nam. Nhà nghèo, ngày mới sinh Thao, bố em bỏ đi làm ăn biệt xứ. 3 năm sau, mẹ Thao xây dựng hạnh phúc mới và đổi lại giấy khai sinh cho con theo họ của chồng mới. Ít lâu sau, mẹ sinh em Thiên.

Hoàn cảnh gia đình ngày càng túng thiếu, mẹ Thao rời bỏ quê hương, vượt biên qua Trung Quốc làm thuê, để lại Thao và Thiên cho ông bà ngoại chăm sóc. Cũng từ lúc đổi lại giấy khai sinh, số giấy tờ tuỳ thân của Thao bắt đầu “loạn” cả lên do mang 2 cái tên khác nhau. Ông bà ngoại cũng đã già, lại không được học hành nhiều nên chẳng biết làm sao để sửa đổi lại.

Cũng từ ngày mẹ cậu bé quyết định tha hương, bà ngoại hay gọi điện những lúc gia đình khó khăn, thiếu thốn, nhưng chưa lần nào liên lạc được với con gái. Cứ thế thời gian trôi qua, những cuộc gọi trở nên ít dần, đến nay, không còn liên lạc gì nữa.



Gia đình Thao bên bữa cơm tối với chiếc đèn dầu lấp ló. Mặc dù nhà ở ngay cạnh chiếc máy phát điện nước suối của bản, ông bà Thao cùng không có điều kiện để kéo dây điện về nhà. Sinh hoạt buổi tối của cả nhà chủ yếu bằng đèn dầu, đèn pin, đèn sạc.

Ở những bản không điện, ăn cơm xong, mọi người thường đi ngủ luôn; một là để tiết kiệm dầu hoả, hai là cũng không có gì để làm giữa cái trời tối mù mịt ngoài kia.

Thao ngồi một mình cạnh bàn học, khi mọi người đã ngủ hết. Quanh cậu bé là những phép toán lờ mờ trên bức vách, được em viết lên bằng than củi để làm bài tập về nhà.

70% là tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã Mường Toong, trong khi con số này chỉ ở mức 5,35% trên cả nước, tính đến năm 2018. Kinh tế khó khăn, đói nghèo bủa vây những bản làng nơi vùng biên giới. Không ai biết trước tương lai ở đây sẽ ra sao. Những đứa trẻ như Thao chính là niềm hy vọng mới, bởi chúng mang trên vai tương lai của bản thân, của gia đình và cả dân bản nơi đây.

“Chỉ con chữ mới thay đổi được đói nghèo”
Đó là câu nói của thầy giáo Nguyễn Văn Xênh, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Toong số 1, cắm bản ở điểm trường Huổi Ping, người dạy lớp ghép 1 và 2 duy nhất ở đây. Mỗi khi nhắc về thầy Xênh, các thầy cô giáo khác hay nói vui với cái tên “anh thầy người Mông” hay “thầy một mình một vương quốc”.

Thầy Xênh sinh năm 1987, tốt nghiệp đại học ngành sư phạm ở Hà Nội năm 2010. Ngay lúc đó, chàng thanh niên mong muốn tìm công việc đúng với ngành học, đã xin lên mảnh đất cực Tây Tổ quốc làm giáo viên.

Ngay từ những ngày đầu lên vùng biên giới Mường Nhé, thầy Xênh đã xung phong làm giáo viên cắm bản. Thầy chia sẻ những ngày đó, mình đang là cậu thanh niên chưa vợ, chưa con, chưa vướng mắc chuyện gia đình, mang được cái chữ đến tận bản xa xôi là ý nghĩ duy nhất. Từ đó đến nay, thầy có duyên với bản Huổi Ping. Đã có lúc thầy chuyển công tác sang bản khác nhưng rồi lại quay trở lại với người dân bản này.

Hiện nay, thầy dạy lớp ghép ở bản Huổi Ping - bản 100% người Mông. Đó là nguồn gốc có cái tên “anh thầy người Mông”, mặc dù nam giáo viên là người miền xuôi chính gốc.

Từ chàng trai gốc Kinh, sau những năm tháng gắn bó với người dân nơi đây, thầy Xênh quen thuộc dần với phong tục, lối sống của những dân tộc của họ. Huổi Ping còn rất nhiều phụ nữ, trẻ nhỏ không biết tiếng Kinh. Những lúc nói chuyện hoặc vận động trẻ đi học, anh đều phải dùng tiếng H’Mông để trao đổi với phụ huynh.

"Thời gian đầu chưa rõ, lúc nào đi đâu cũng phải có vài đứa học trò đi theo để phiên dịch, nay thì đã không cần phiền chúng nữa”, giáo viên này cười nói.

Sau thời gian lên lớp, chiều tối, thầy Xênh lại vào bản thăm hỏi, nói chuyện với dân bản. Ở đây 8 năm, thầy thuộc hết tên những người dân trong bản.

Ngoài dạy học cho các em, thầy còn là người chuẩn bị cơm trưa tất cả ngày trong tuần. Tranh thủ những giờ ra chơi giữa buổi, thầy vào bếp lọ mọ pha chế, nấu nướng. Thỉnh thoảng sau bữa trưa, thầy lại lôi mấy cậu nhóc tóc tai bờm xờm ra để cắt.

"Đặt mua cái tông đơ về chỉ để cắt tóc cho học sinh, mùa hè nóng nực nhìn đầu tóc chúng nó mà phát ngốt. Ngày trước cắt tóc cho một em mà không hỏi ý kiến phụ huynh, hôm sau, bố mẹ cháu bắt đền thầy vì cắt tóc làm con họ bị ốm", thầy Xênh tâm sự.

Đến những mùa nương rẫy, phụ huynh lại muốn các em ở nhà giúp việc, không cho đến trường, nam giáo viên lại phải đến từng nhà vận động. Đôi lúc có những em nghỉ học 2-3 ngày không lý do, thầy cũng phải đến tận nơi để tìm hiểu, hỏi thăm.

Thầy Xênh tâm sự: “Tôi không mong dạy những đứa trẻ những kiến thức bài bản như học sinh miền xuôi. Tôi mong chúng học được tiếng phổ thông, nói chuyện, giao tiếp, tính toán được, vậy là vui lắm rồi”.

Lối vào Huổi Ping dọc theo con suối Nậm Xả. Đây cũng là con đường mà thầy cô di chuyển hàng ngày. Mùa khô còn có thể đi xe máy nhưng đến mùa mưa thì cả bản Huổi Ping bị cô lập hoàn toàn, muốn ra ngoài bản phải thuê bè của người dân. Những mùa mưa, thầy Xênh cũng ở lại trường hàng tuần, ăn nhờ nhà dân rồi ngủ nhà công vụ ở điểm trường.

Hành trình đến lớp
Trưa chủ nhật hàng tuần, con đường xuống trung tâm xã của 4 bản Nậm Xả, Huổi Ping, Bản Yên và Ngã Ba trở nên tấp nập hơn khi những đứa trẻ đi học. Con đường này mới được mở rộng, san phẳng cách đây không lâu để phục vụ giao thông của 4 thôn. Dễ đi hơn nhưng dưới trưa nắng không có một bóng cây, đám trẻ cứ đội nắng mà đi.

Những đứa trẻ trong các bản gọi nhau đi học thành từng tốp, lớp lớn gọi những đứa bé hơn. Rồi đi một quãng, chúng lại tụ tập với những tốp của bản khác, con đường cứ thế ồn ào đông đúc dần lên. Thỉnh thoảng, ai đi xe máy một mình xuống trung tâm xã thì như một thói quen, trên đường “tóm” 2-3 đứa trẻ cho chúng đi nhờ.



Đi đến những nhà dân ven đường, đám trẻ dừng lại vào nghỉ ngơi, xin nước uống. Điều này trở thành quen thuộc với người dân nơi đây. Họ không ngại ngùng hay xa lạ gì với việc cả đám trẻ ùa vào nhà mình uống nước.

Lúc nào nhà có nhiều thức ăn, đám trẻ được bố mẹ chuẩn bị cho gói cơm mang đi đường. Bạn nào có cơm thì chia cho những đứa khác. Cứ thế, mỗi đứa một miếng, chẳng no được bụng nhưng vẫn rất vui vẻ. Không chỉ chia sẻ đồ ăn, chúng còn ríu rít nói chuyện cuối tuần mình ở nhà thế nào, đi hái măng, bẫy chim hay câu cá.


Trời nắng, cậu bé Việt nhanh nhảu chạy về ven đường, vặt cho mình một túm lá cây dại đội đầu. Một vài đứa lạ lẫm với chiếc máy ảnh, thi thoảng tò mò ngó về phía ống kính rồi cười thành tiếng, chạy đi.

Việt cùng đám bạn nhìn thấy ôtô đầu tiên trong suốt quãng đường. Mấy cậu bé đua nhau chạy theo hò hét thích thú khi chiếc xe làm con đường bụi mù mịt. Ở thành phố, những đứa trẻ đôi lúc còn tự động che mũi khi thấy bụi trên đường, nhưng với đám trẻ ở đây, đó như một trò chơi thú vị. Với chúng, buổi đi học nào may mắn lắm thì mới gặp được 1-2 chiếc xe như vậy.

Tiếp tục hành trình đến lớp là việc băng qua con suối mùa khô Nậm Xả. Được lội qua con suối này để đi học có lẽ là “sự may mắn” của đám trẻ, bởi khi mùa lũ về, nơi đây thành dòng nước xiết, ngăn cách mọi giao thông trong vùng.

Lúc đó, cha mẹ thường phải đưa các em đi học. Những nhà không có thời gian, con phải nghỉ học, vì không yên tâm để chúng đi qua dòng nước mênh mông của con suối. Chính vì vậy, đầu năm nay, cây cầu qua suối Nậm Xả đang được gấp rút thi công. Ai cũng hy vọng công trình này sẽ hoàn thiện trước mùa mưa.


Sau ba tiếng đồng hồ đi bộ, đến trung tâm xã, đứa nào cũng tươi cười, còn chạy đuổi nhau vào tận sân trường, không có vẻ gì là mệt mỏi. Theo chia sẻ của cô San, chủ nhiệm lớp 3D, do cuộc sống ở bản làng, các em hay lên rừng kiếm củi, lên nương, đi bộ quen rồi. Người lớn đôi khi còn không có sức để đi quãng đường đó dưới trời trưa nắng như vậy.

Đến được trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 nằm ở trung tâm xã Mường Toong, một thế giới khác hoàn toàn với bản làng và cả quãng đường mà các em vừa đi qua. Có đường to, có nhiều ôtô, có điện sáng.

Mặc dù chưa đạt chuẩn quốc gia, chưa có cơ sở vật chất đầy đủ, còn thiếu thốn đủ thứ, ngôi trường đã là một trong những điều tốt nhất mà những đứa trẻ nơi đây may mắn có được.