Hình ảnh về người đàn ông tự nhận là “ca sĩ”, thực chất là Phú Lê mặc trang phục của hoàng đế triều Thanh (Trung Quốc), biểu diễn ca nhạc và tặng quà cho các cháu thiếu nhi vùng cao tại một tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến dư luận “dậy sóng” chỉ trích.
Phú Lê được biết tới là “giang hồ mạng”, tự nhận là “ca sĩ”, hay thường xuyên rao giảng đạo đức, “nghĩa khí giang hồ” trên kênh YouTube. Phú Lê tham gia vào một số video ca nhạc, phim ngắn chủ đề giang hồ có nhiều cảnh quay bạo lực. Tháng 8/2020, vợ chồng Phú Lê và Thúy Kiều từng bị Công an TP.Hà Nội bắt giữ để phục vụ công tác điều tra về vụ việc đánh người gây thương tích.
Chương trình diễn ra tại trường tiểu học và THCS Làng Nhì ở tỉnh Yên Bái trong dịp Tết Trung thu vừa qua. Ngoài Phú Lê, chương trình còn có sự góp mặt của một số “giang hồ mạng” khác. Thậm chí trong một số hình ảnh, vị hiệu trưởng của trường cũng có mặt trên sân khấu, nhảy múa phụ họa bên cạnh Phú Lê.
Hiệu trưởng của trường cũng có mặt trên sân khấu, nhảy múa phụ họa bên cạnh Phú Lê
Cư dân mạng bày tỏ phẫn nộ trước sự việc. Nhiều người nhận xét đây là việc làm vô cùng phản cảm, kệch cỡm.
“Giờ nhiều anh cứ cầm mic nghĩ mình là ca sỹ. Như giang hồ mạng Phú Lê trong một buổi biểu diễn thiện nguyện trong đêm Trung thu. Anh này mặc cả bộ hoàng phục “Ái Tân Giác La” lên sân khấu. Và không chỉ ở buổi biểu diễn này, Phú Lê xuất hiện trong trang phục này rất nhiều lần, gây phản cảm cho cộng đồng mạng”, một khán giả lên tiếng.
“Hành động thiện nguyện có thể tốt nhưng ăn mặc lố lăng, phản cảm thế này thì không thể nào chấp nhận nổi”, một khán giả khác viết.
“Lãnh đạo nhà trường mới là đạo diễn của vụ này. Mời 1 anh trào lưu giang hồ mạng về hát "thuyết trình về văn hóa và lịch sử" cho 9 khối học sinh của trường đấy”, khán giả Lưu Quang viết.
“Nhà trường là nơi truyền thụ văn hoá cho học sinh mà để cho những người này vào, thật phản giáo dục”, khán giả Thắng Trương Ngọc viết.
“Theo tôi những sự việc tương tự sẽ không bao giờ cho phép xảy ra... Nếu muốn như vậy thì ta nên kiên quyết xử lý mạnh tay mới răn đe được”, “Nếu cơ quan làm việc thì phải làm việc với thầy hiệu trưởng. Tại sao lại cho người ta ăn mặc như vậy hát”… là những ý kiến của cư dân mạng.
Theo Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ, trong cuộc sống thường ngày, nếu một người có am hiểu về lịch sử và những khía cạnh khác trong cuộc sống thì sẽ không mặc những bộ trang phục như vậy, nhất là ở trong môi trường giáo dục như ở trường học. Cũng theo nhà nghiên cứu, hành động phản cảm của Phú Lê đã xâm phạm không gian trường học, xâm phạm không gian giáo dục.
Hiện tại cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã có văn bản yêu cầu báo cáo về vụ việc.