Quan điểm "kiếm tiền nuôi gia đình là việc của đàn ông" dần trở nên lạc hậu ở thời đại phụ nữ được “cởi trói” chuyện bếp núc và trao cho rất nhiều cơ hội công việc. Có không ít gia đình, vợ giỏi giang, thành đạt, kiếm tiền giỏi hơn chồng và trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình.
Các ông chồng thường nghĩ gì khi vai trò “xây nhà và xây tổ ấm” giữa vợ chồng được hoán đổi?
“Đàn ông nên xông pha kiếm tiền, còn vợ quán xuyến việc nhà”
Một số ông chồng cho rằng, câu nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” luôn đúng trong mọi thời đại. Đàn ông, đàn bà sinh ra đã được trao cho thiên chức và nhiệm vụ riêng. Mỗi người nên giữ đúng vai trò của mình thì cuộc sống hôn nhân mới đi vào quỹ đạo.
Anh Lâm (Vĩnh Phúc) chia sẻ, phụ nữ có thiên chức sinh con, làm mẹ, khó có thể toàn tâm, toàn ý phát triển sự nghiệp. Nếu vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải chật vật kiếm tiền nuôi gia đình thì quá thiệt thòi cho vợ. Bởi vậy anh luôn xác định, bản thân là trụ cột kinh tế trong gia đình, còn thu nhập của vợ chỉ là hỗ trợ một vài khoản chi tiêu sinh hoạt khác.
Một số người cho rằng, để vợ làm trụ cột gia đình thì chồng sẽ mất tiếng nói (ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, anh Trung Hiếu (Hà Nội) thì cho rằng, để vợ làm trụ cột gia đình thì chồng sẽ mất tiếng nói. Vốn dĩ, vai trò của người vợ là chăm sóc gia đình, còn chồng giống như người thuyền trưởng, “chuyến tàu hôn nhân” có đi đúng hướng hay không, phụ thuộc vào những quyết sách của chồng.
“Thử nghĩ mà xem, người vợ ra ngoài lăn lộn kiếm cơm, khi nhìn lên những người đàn ông thành đạt chắc chắn sẽ có phút giây nào đó thở dài về anh chồng “bỉm sữa” ở nhà. “Gái ham tài, trai ham sắc”, đàn bà từ sâu đáy lòng vẫn muốn có một chỗ dựa chứ không phải là bờ vai để chồng dựa vào. Thế nên, là đàn ông thì nên xông pha kiếm tiền, để vợ chu toàn việc nhà cửa”, anh Hiếu chia sẻ.
“Ai giỏi việc gì làm việc đó, không phân biệt vợ hay chồng”
Không ít đàn ông lại cho rằng, phân công vai trò dựa vào năng lực cũng như nhu cầu, sở thích của mỗi người chứ không nhất thiết vợ phải quán xuyến nhà cửa, chồng phải kiếm tiền nuôi gia đình. Cuộc sống hiện đại là cả hai vợ chồng cùng lao động kiếm tiền, cùng phân bổ công việc nhà sao cho hợp lý.
Anh Lê Phước (Hà Nội) thừa nhận: “Vợ chồng tôi bằng tuổi, tôi là một người chồng nhưng thu nhập ít hơn vợ nhiều lần”.
Từng có thời điểm, cả vợ chồng anh đều lao vào kiếm tiền, riêng vợ anh vừa phải lo hết mọi việc trong nhà, vừa phải làm đêm, làm ngày để phát triển sự nghiệp. Kết quả, con cái, nhà cửa không được chăm sóc chu toàn, mọi thứ đảo lộn. Có lúc, vợ anh vừa làm việc, vừa chăm con ở bệnh viện đến mức cũng ngã bệnh theo. Lúc này, anh mới nhìn nhận lại và sắp xếp lại công việc.
"Ai kiếm tiền nhiều hơn không quan trọng, quan trọng là vợ chồng hiểu nhau, san sẻ cùng nhau" (Ảnh minh hoạ)
“Tôi thấy công việc của vợ tốt hơn mình, thu nhập cao hơn nên tự nguyện giảm bớt việc, có thời gian chăm sóc vợ con. Vợ tôi cũng rất vui vẻ với quyết định này. Cô ấy còn nói: “Anh đừng nghĩ anh kiếm ít tiền hơn thì phải phụ thuộc vào em. Anh vẫn là chủ gia đình, vẫn là chỗ dựa vững chãi của mẹ con em”, anh chia sẻ.
Cuộc sống gia đình ổn định hơn càng khiến anh tin quyết định của mình đúng đắn. Anh cho rằng, việc ai kiếm tiền nhiều hơn không quan trọng, quan trọng là vợ chồng hiểu nhau, san sẻ cùng nhau.
Anh Mai Quân (Phú Thọ) cũng có cùng quan điểm. Anh từng có một người bạn, công việc ngon lành, lương bổng tốt nhưng một ngày bất ngờ chuyển sang làm công việc bán thời gian để có thời gian lo cho con.
Khi có dịp ngồi cùng nhau tâm sự, anh mới biết, do vợ của anh bạn đó làm lương cao hơn, bận rộn hơn nên anh quyết định lui về chăm sóc gia đình. Người bạn đó kết luận rằng: “Gia đình nào cũng cần một người chịu hi sinh công việc, không quan trọng là vợ hay chồng, ai có năng lực tốt hơn thì làm chủ kinh tế, người còn lại lui về hậu phương thì con cái mới có tương lai”.
Anh Quân chia sẻ: “Gia đình cũng như một xã hội thu nhỏ, ai giỏi việc gì làm việc đó, miễn sao cả hai vợ chồng cùng làm việc và chung sức xây dựng gia đình. Không nhất thiết chồng phải ra ngoài kiếm tiền, vợ thì chui vào bếp. Tôi biết nhiều người nấu ăn giỏi hơn vợ nên giành lấy việc nấu ăn. Vợ giỏi kiếm tiền thì để vợ kiếm. Miễn sao không phải là một người thì chật vật kiếm tiền, còn một người mải mê nhậu nhẹt, chơi game là được”.