Mới đây, một con mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp được đào ở huyện miền núi thuộc thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Quá trình thi công đã vô tình hé lộ một "bí cảnh" kỳ vĩ bị chôn vùi tại dãy núi đá vôi hình thành từ thời kỳ Ordovic (khoảng 480 triệu năm trước).

Ảnh các thành viên đoàn thám hiểm tiến hành khảo sát khoa học bên trong hang động tại huyện Đạo Trân, thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc
Ông Triệu Yết Vũ - Phó Tổng Thư ký Ủy ban chuyên ngành hang động thuộc Hội Địa chất Trung Quốc cho biết đây là một hang động ẩn mình trong tầng địa chất kỷ Ordovic cách đây 480 triệu năm.
Khu vực này nằm gần Khu bảo tồn thiên nhiên Đại Sa Hà, tỉnh Quý Châu, hầu như không có dấu vết sinh hoạt của con người. Nơi đây sở hữu nguồn nước dồi dào, được lọc qua hàng trăm mét lớp đá vôi trắng trong suốt hành trình dài, tạo nên chất lượng nước tinh khiết và môi trường lý tưởng để hình thành một "ngân hàng gene hang động trầm tích" hiếm có trên thế giới.
Bên trong hang có một số mái vòm cao hơn 100 mét. Những giọt nước rơi từ trần hang xuống giữa không trung, tạo thành các hạt "khí dung" giàu canxi bicacbonat. Chính quá trình này đã tạo nên các kỳ quan lắng đọng đặc sắc với vô số cấu trúc độc đáo như thạch nhũ, hoa đá, nhánh đá, nho đá, san hô đá…

"Phiến canxi" được các thành viên đoàn thám hiểm phát hiện bên trong hang động.

Cảnh quan măng đá ống trong lòng hang động.

Cảnh quan đá mây trong hang động
Ngoài ra, nhóm khảo sát còn phát hiện nhiều viên "ngọc hang động" cực kỳ quý hiếm, với độ tinh khiết cao, trong suốt lấp lánh như ngọc.

Ngọc hang động được tìm thấy trong hang động này
Trước các kết quả khảo sát thu được, ông Triệu Yết Vũ bày tỏ rằng: "Trong nhiều năm khảo sát hang động, tôi chưa từng thấy nơi nào có trầm tích tinh khiết như vậy, chúng trắng mịn như ngọc bích. Những gì tìm thấy ở đây vượt xa hiểu biết trước đây của chúng tôi."
Trong đợt khảo sát, các chuyên gia còn tìm thấy một "sảnh động" rộng hàng vạn mét vuông, với hàng ngàn cột thạch nhũ trắng như băng tuyết vươn cao như khu rừng pha lê. Chất đá trắng mịn không tì vết là kết quả của nước ngầm có độ tinh khiết rất cao, giàu canxi cacbonat và gần như không chứa tạp chất.

Cảnh quan thạch nhũ được các thành viên đoàn khảo sát phát hiện trong lòng hang.

Cảnh quan thạch nhũ dạng con thoi được phát hiện
Ông Trương Viễn Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban chuyên môn hang động thuộc Hội Địa chất Trung Quốc, đồng thời là chuyên gia thẩm định Công viên Địa chất Thế giới – khẳng định: "Nhiều cấu trúc địa chất như các tinh thể màng canxi cacbonat dạng chóp vốn chỉ xuất hiện trong lý thuyết mô hình, vậy mà tại đây lại hiện hữu thành từng cụm. Về mặt quy mô, chất lượng, chủng loại và giá trị nghiên cứu, hang động này có thể là độc nhất vô nhị ở Trung Quốc."
(Theo Baidu)