Đất Rừng Phương Nam: Một chương truyện mới đầy tiềm năng về câu chuyện huyền thoại về vùng đất Nam Bộ

Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh đã mở ra một chương mới cho câu chuyện quen thuộc bằng ngôn ngữ điện ảnh và “bé An” Hạo Khang - diễn viên nhí tiềm năng của màn ảnh Việt.

Kỳ vọng luôn đi kèm với áp lực, nên ngay khi dự án Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh được công bố, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và đoàn làm phim đã nhận được rất nhiều sự chú ý cũng như đánh giá trong suốt quá trình quay phim lẫn quảng bá trước khi công chiếu. Và sau khi chính thức ra mắt những khán giả đầu tiên, Đất Rừng Phương Nam đã hồi đáp thật trọn vẹn cho những kì vọng mà khán giả dành cho bộ phim.

Đất Rừng Phương Nam theo chân cậu bé An (Hạo Khang) xuôi về phương Nam đi tìm cha sau khi má tử nạn. Trên hành trình đó, An gặp gỡ được những người bạn, người thầy cùng đồng hành với mình, và dần dần trưởng thành hơn khi chứng kiến sự đấu tranh bảo vệ quê hương của người dân ở những nơi mình đã đi qua. Hành trình của An đã gợi mở ra những bức tranh, câu chuyện về vùng đất Nam Bộ hào sảng và nghĩa tình một thời.

Đất Rừng Phương Nam: Một chương truyện mới đầy tiềm năng về câu chuyện huyền thoại về vùng đất Nam Bộ - 1

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam, Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh đã làm tốt việc kế thừa và phát triển, đem đến một phim điện ảnh có nhịp phim nhanh gọn, cảnh quay hoành tráng, đẹp mắt và câu chuyện hấp dẫn.

Dẫn dắt từ việc An theo chân má chạy giặc vì thân phận hoạt động cách mạng của cha đã bị bại lộ, hành trình của An chính thức bắt đầu khi má mất vì trúng đạn lạc trong trận bạo loạn trên cầu. Điểm cải biên rõ rệt nhất của bản điện ảnh là nhân vật Út Lục Lâm của Tuấn Trần, trở thành một người anh bất đắc dĩ của An. Út Lục Lâm chăm sóc An ngay sau khi mất má, thời điểm đau thương nhất trong cuộc đời của cậu bé mới hơn 10 tuổi. Bản thân Út Lục Lâm cũng đã “dạy hư” An những ngón nghề trộm vặt với mình, nhưng những diễn biến ở cuối phim cho thấy, ngay cả một tên lưu manh đầu đường xó chợ như Út Lục Lâm cũng thay đổi và trưởng thành hơn trước cảnh lầm than của quê hương.

Các tuyến nhân vật khác như cha con ông Tiều (Tiến Luật) và bé Xinh (Bảo Ngọc), cha con chú Ba bắt rắn (Công Ninh) và thằng Cò (Đỗ Kỳ Phong) được thể hiện tròn trịa Đặc biệt, Tiến Luật đã có vai diễn thay đổi hình tượng hài hước quen thuộc, bên cạnh các phân cảnh võ thuật thì cảm xúc của một người cha dành cho con gái, tình nghĩa của một sư phụ dành cho đệ tử nhỏ cũng khiến nhiều khán giả xúc động.

Đất Rừng Phương Nam: Một chương truyện mới đầy tiềm năng về câu chuyện huyền thoại về vùng đất Nam Bộ - 2

Và Đất Rừng Phương Nam sẽ không thể “cán đích” thành công nếu không có Hạo Khang. Theo thông tin được đoàn làm phim đưa ra, Hạo Khang vốn đi casting cho vai Cò, ngược lại Đỗ Kỳ Phong lại casting cho vai An. Nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nhìn ra được đặc điểm phù hợp ở hai diễn viên nhí để yêu cầu đổi casting, và thực tế cho thấy quyết định của anh là hoàn toàn chính xác.

Nếu Đỗ Kỳ Phong trong vai Cò có nét bụi bặm, ngông nghênh của một đứa trẻ thôn quê “rành 6 câu vọng cổ” cuộc sống bươn chải, thì Hạo Khang với chiếc răng khểnh khá phù hợp với ngoại hình của một cậu học trò chốn thành thị, học trường Tây, lần đầu nếm mùi cuộc sống. Hạo Khang nắm bắt và hòa nhập tốt với nhân vật của mình, một nhân vật có nội tâm hơi phức tạp hơn trải nghiệm của một cậu học trò sinh ra trong thời bình. Từ ánh mắt ngơ ngác khi phải theo má xuôi về miệt dưới tìm cha: “Vậy là từ nay con không được đi học nữa hả thầy”, dần trở nên lanh lẹ và trưởng thành hơn.

Đặc biệt, trong nhiều phân đoạn đối diễn với các diễn viên trưởng thành như Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, đạo diễn quyết định quay một long-take cận cảnh dài hơi không cắt để Hạo Khang chứng minh năng lực diễn xuất của mình, khi đôi mắt cậu bé dần rơm rớm nước mắt theo cảm xúc nhân vật. Sở hữu đôi mắt biết nói và ngày một trau dồi kỹ năng, Hạo Khang đã cho thấy một diễn viên nhí tiềm năng ngay ở vai diễn điện ảnh đầu tay của mình.

Đất Rừng Phương Nam: Một chương truyện mới đầy tiềm năng về câu chuyện huyền thoại về vùng đất Nam Bộ - 3

Đất Rừng Phương Nam: Một chương truyện mới đầy tiềm năng về câu chuyện huyền thoại về vùng đất Nam Bộ - 4

Hình ảnh và âm nhạc trong phim cũng trở thành những “nhân vật” quan trọng của Đất Rừng Phương Nam. Bối cảnh trải dài sáu tỉnh Nam Bộ đã giúp bộ phim có được những thước phim thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng, một bức tranh đầy tự hào về cảnh đẹp của Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Đi kèm với hình ảnh mãn nhãn là giọng hát của nghệ sĩ Trọng Phúc trong “Bài ca đất phương Nam” thân thương, khiến khán giả chìm đắm trong không khí đậm chất Nam Bộ.

Đất Rừng Phương Nam: Một chương truyện mới đầy tiềm năng về câu chuyện huyền thoại về vùng đất Nam Bộ - 5

Đất Rừng Phương Nam: Một chương truyện mới đầy tiềm năng về câu chuyện huyền thoại về vùng đất Nam Bộ - 6

Phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam đang được khởi chiếu trên toàn quốc.