Sở trường “phá đồ” trong gia đình
Những ngày đầu năm mới, cậu học trò 12 hôm nào, nay đã hoàn thành học kỳ đầu tiên nơi giảng đường đại học và đang có quãng thời gian nghỉ Tết vui vẻ bên gia đình. Tôi có cuộc trò chuyện bất ngờ với chàng trai này...
Chàng trai với mái tóc “bồng bềnh” và nụ cười có chút ngại ngùng ấy là Vũ Hoàng Long (SN 2001), hiện đang là sinh viên năm nhất thuộc diện được tuyển thẳng tại khoa Khoa học máy tính, trường đại học Công nghệ, đại học Quốc gia Hà Nội.
Ít ai biết, niềm đam mê với khoa học kỹ thuật của Long bắt nguồn từ những sở thích thật khác lạ. Chàng trai đến từ mảnh đất Lào Cai hóm hỉnh bắt đầu câu chuyện: “Tôi có một sở trường rất “đặc biệt”, đó là “phá đồ”. Tôi có thể “phá” mọi thứ, cứ mua về là hỏng...”.
Sau đó, Long tủm tỉm: “Thực ra là tôi có sở thích “nghịch” đồ điện từ hồi lớp 5, mỗi khi được mua đồ chơi thì lại “phá” ra, tự mày mò lắp ráp mô tơ, nối điện,... để tạo thành đồ vật khác... Đó có lẽ do ảnh hưởng của các cuộc thi Robocon trên truyền hình, đã vô tình gieo cho tôi những ý tưởng lớn dần.
Đến năm học lớp 8, tôi mới bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật và bị cuốn theo. Sản phẩm đầu tiên mà tôi chế tạo để dự thi hồi lớp 8 chính là “Gậy tháo bóng đèn”, đã giành được giải Nhì cấp tỉnh”.
Chàng sinh viên với dánh người nhỏ nhắn tự nhận mình “nghịch ngầm” và “giỏi phá đồ”.
Trong những năm học phổ thông tiếp theo, cậu học trò Vũ Hoàng Long vẫn kiên trì theo đuổi đam mê với khoa học kỹ thuật của mình, thông qua những sản phẩm mới với tính ứng dụng ngày càng cao hơn.
Bị thu hút bởi những cuộc thi Robocon “đình đám” trên sóng truyền hình, Long theo dõi và dường như không bỏ sót chương trình nào từ hồi còn học tiểu học. Cũng chính vì vậy, chàng sinh viên năm nhất trường đại học Công nghệ, đại học Quốc gia Hà Nội này vẫn luôn dành một khối cảm tình rất lớn dành cho đất nước Mặt Trời mọc, nơi vốn là “trùm” Robocon, theo lời Long: “Nhật Bản thì nền công nghiệp robot luôn đứng đầu, và là một đất nước lý tưởng trong lòng tôi”.
Vốn là một chàng trai ít nói, hay bẽn lẽn, phải có một tình yêu mãnh liệt lắm, Long mới có thể chinh phục các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở nhiều “cấp độ” như vậy.
Thuộc lòng code mà không hiểu gì
Đó là tâm sự thẳng thắn của Vũ Hoàng Long trong giai đoạn “chập chững” thử sức với một trình độ mới.
Long chia sẻ: “Bản thân tôi rất thích tìm hiểu và chế tạo robot. Tuy nhiên, để có thể theo đuổi đam mê với robot, thì không thể thiếu lập trình, bởi đó giống như linh hồn của một robot vậy.
Trong khi, thời điểm đó, tôi hoàn toàn không biết gì, không biết phải bắt đầu như thế nào, không có người hướng dẫn, nên thường phải tự xem trên mạng để mày mò. Những ngày đầu tiên, tôi hoàn toàn không hiểu gì nên chỉ còn cách là phải học thuộc “code”. Sau khi “code” đi “code” lại mất vài tuần, tôi mới hiểu được cơ bản”.
Đam mê với khoa học kỹ thuật đến với Long bắt nguồn từ các cuộc thi Robocon.
“Tôi xin bố mẹ và cô Hiệu trưởng cho mình được đi học hỏi thêm. Thế là, trong suốt hai tháng hè năm 2018, tôi “vùi mình” trong một cơ sở đào tạo tại Hà Nội, ở đó, các anh chị đi trước cũng giúp đỡ và “chỉ giáo” cho tôi rất nhiều. Tôi vốn trầm tính, nên khi một mình học tập giữa Thủ đô, tôi không khỏi bỡ ngỡ, nhưng cũng nhận ra, đây là cơ hội cho mình rèn luyện bản thân, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn để lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn... Trong hai tháng ngắn ngủi được trải nghiệm học tập, tôi cũng có thêm nhiều bạn bè hơn, đặc biệt là những người cùng chung đam mê”, nụ cười quen thuộc lại xuất hiện trên gương mặt.
Chính những khoảng thời gian thử thách bản thân trong lĩnh vực mới đó đã khiến cậu học sinh Vũ Hoàng Long ngày nào tìm thấy “tình yêu” thực sự, quyết định trở thành tân sinh viên khoa Khoa học máy tính như hiện tại.
Từ “cánh tay giấy” đến vinh quang trên đấu trường quốc tế
Dự án “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” của Vũ Hoàng Long đã xuất sắc đoạt giải Ba chung cuộc lĩnh vực Robot và máy thông minh trong hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế - Intel ISEF 2019, khi cậu vẫn còn là một học sinh lớp 12, trường THPT số 1 TP.Lào Cai.
Chia sẻ về ý tưởng của dự án khoa học của mình, Long giải thích: “Sau khi được bố mẹ đưa đến bệnh viện, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân Parkinson không tự xúc ăn, khó khăn trong phục vụ bản thân và phải có người hỗ trợ. Thật vất vả! Từ đó, tôi đã nảy ra ý tưởng chế tạo và lập trình sản phẩm Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử sụng công nghệ xử lý hình ảnh”.
Hiện tại, Long vừa kết thúc học kỳ đầu tiên tại giảng đường đại học.
Tuy nhiên, ý tưởng chỉ là một phần mở đầu của câu chuyện, hành trình đưa ý tưởng thành sản phẩm mới chính là những chi tiết “đắt giá” của câu chuyện.
Có lẽ, ít ai biết rằng, trong giai đoạn đầu tiên, khi Long mới bắt đầu, bố mẹ cũng chỉ hỗ trợ những khoản nho nhỏ, nên nhiều khi vẫn còn khó khăn. Một người anh có chung đam mê robot với Long tiết lộ: “Hồi trước, Long từng dùng giấy bồi “lắp” thành cánh tay robot nữa cơ đấy!”.
Đến đây, Long mới bắt đầu bộc bạch về khả năng sáng tạo của mình: “Hồi ấy, tôi mày mò học theo những hướng dẫn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cánh tay robot của họ được in 3D, mà tôi cảm thấy như thế quá lãng phí, cũng chẳng có tiền để làm như vậy, nên tôi đã tự sáng tạo bằng vật liệu tái chế. Tôi sử dụng giấy và keo nến để đắp thành hình cánh tay, ngón tay. Để các ngón tay có thể cử động linh hoạt, tôi sử dụng những sợi chỉ để điều khiển...”.
Trong mắt bạn bè, Hoàng Long khá trầm tính.
Công việc nghiên cứu khoa học chế tạo các sản phẩm kỹ thuật không phải dễ dàng, đối với một học sinh phổ thông lại càng không. Đến tận bây giờ, chàng sinh viên năm nhất vẫn còn nhớ những lần gặp khó tưởng như không thể chịu được: “Mỗi khi có lỗi, tôi loay hoay tìm mãi mà không tìm ra vấn đề, thì rất dễ stress, dễ nản.
Để chế tạo robot, không phải làm một lần là sẽ được luôn, có lúc, thậm chí, cứ phải sửa đi sửa lại; rồi hỏng thì lại phải mua đồ mới. Trước mỗi cuộc thi, tôi càng áp lực khi sát ngày thi vẫn phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hoạt động, nếu có lỗi thì phải khắc phục ngay. Mỗi đợt thi căng thẳng lại “cướp đi vài cân thịt” của tôi, bố mẹ cũng phải lo lắng vì thấy tôi gầy rộc hẳn đi”.
Những cuộc thi về khoa học kỹ thuật khiến Long bị sút cân, nhưng không ngăn được cậu dành thời gian cho đam mê của mình. Hiện tại, mặc dù khá bận rộn với việc học tập và nghiên cứu tại giảng đường đại học, Long vẫn dành thời gian của mình để tham gia một số dự án khoa học cùng các thầy cô và các em học sinh tại trường cũ - trường THPT số 1 TP.Lào Cai.
Thầy Vương Quang Trọng, người đồng hành cùng Long trong dự án “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia.
Thầy Vương Quang Trọng, người đồng hành cùng Long trong suốt giai đoạn đầu tự hào chia sẻ: “Ý tưởng của Long thực sự rất ý nghĩa. Em ấy cũng rất nghiêm túc trong quá trình theo đuổi và thực hiện dự án này. Sau khi biết tin Long đã mang về giải Ba Intel ISEF 2019, tôi cũng hy vọng, những thành công bước đầu của Long sẽ giống như nguồn động lực để cậu ấy bước tiếp thật vững vàng.
Đồng thời, góp phần khơi dậy sự say mê khám phá khoa học cho học sinh, để học sinh biết vận dụng tổng hợp các kiến thức, học hỏi thêm nhằm giải quyết các vấn đề trong cuộc sống để phát triển tư duy, hoàn thiện kỹ năng để phục vụ cuộc sống”.