Cuộc sống luôn có những giai đoạn thăng trầm. Khi còn trẻ, chúng ta khó nhận ra vấn đề này và thường cảm thấy chán nản vì những khó khăn không đáng kể. Trên thực tế, xét từ góc độ phát triển và thay đổi tâm lý cá nhân, khoảng thời gian khó khăn và kém hạnh phúc nhất của đời người phải là giai đoạn khoảng 10 năm, từ 45 đến 55 tuổi. Bởi những người trong độ tuổi này, họ không chỉ phải đối mặt với áp lực về thể chất mà còn phải đối mặt với áp lực tâm lý do xã hội đặt ra.
Theo quan điểm y học, một khi con người đã qua độ tuổi 45, các chức năng thể chất sẽ suy giảm dần và thể trạng ngày càng xấu đi, thậm chí sinh lực của mỗi người cũng giảm sút. Con người rất dễ bị tổn thương, chỉ cần cơ thể có vấn đề thì lập tức hàng loạt vấn đề tiếp theo sẽ xuất hiện.
Điều này không chỉ đúng trong khía cạnh thể chất, mà còn bao gồm cả khía cạnh tinh thần.
Trong thời đại ngày nay, do nhịp sống xã hội ngày càng tăng và áp lực xã hội ngày càng lớn, tình trạng "khủng hoảng tuổi trung niên" càng tới sớm hơn, kéo dài lâu hơn.
Các cuộc khủng hoảng tuổi trung niên có thể kéo dài khoảng 3–10 năm ở nam giới và 2–5 năm ở phụ nữ. Khủng hoảng ở nam giới có nhiều khả năng do các vấn đề công việc, sự nghiệp gây ra; còn ở phụ nữ, thường đến từ các đánh giá cá nhân về vai trò của họ trong gia đình, xã hội.
Những vấn đề giống như quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn. Khi đạt đến một mức nhất định, những xui xẻo và tai ương sẽ xuất hiện, khiến chúng ta từ từ hiểu được khó khăn trong cuộc sống là gì.
Cha mẹ già đi còn con cái trong độ tuổi học hành
Giáo sư David Blanchflower, Đại học Dartmouth, Mỹ, đã kiểm tra dữ liệu từ 132 quốc gia và xem xét mối quan hệ giữa mức độ hạnh phúc và độ tuổi cá nhân.
Ông đồng thời kiểm tra về trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, tình trạng việc làm và nhận định "khủng hoảng tuổi trung niên" thực sự tồn tại. Chính nỗi sợ hãi và thực tế liên quan đến việc già đi khiến hầu hết mọi người suy sụp.
Chuyên gia giải thích, hầu hết mọi người ở độ tuổi cuối 45 đều là một phần của "thế hệ bánh mì kẹp" - những người phải chăm sóc cha mẹ già và gia đình nhỏ của mình cùng lúc.
Về mặt tài chính, họ phải hỗ trợ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cha mẹ, đồng thời chi trả cho việc học hành của con cái.
Áp lực cuộc sống lớn
Khoảng thời gian từ 40 tuổi đến 50 tuổi thuộc về tuổi trung niên, đó cũng là khoảng thời gian căng thẳng nhất của một người. Khi bước sang tuổi 50, cuộc sống của họ gần như đã ổn định, khó có những thay đổi lớn.
Những người ở độ tuổi này dễ gặp một số vấn đề về tinh thần do sự phát triển nghề nghiệp và áp lực trong cuộc sống gia đình. Nhiều người bị lo lắng, mất ngủ, sụt cân và các vấn đề khác. Bởi trách nhiệm họ cần gánh vác nhiều và nặng nề.
Tuy nhiên, một cuộc sống thoải mái và tươi đẹp luôn cần một số tiền nhất định để duy trì. Dưới ảnh hưởng của áp lực việc làm rất lớn, họ phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Họ cũng là nhóm người có nhiều khả năng bị công ty đào thải nhất. Họ lo lắng rằng kiến thức và kỹ năng của mình không còn theo kịp sự phát triển của thời đại.
Lúc này, ý nghĩa của hôn nhân sẽ là giúp 2 người tìm ra mục tiêu, hướng đi để cùng nhau làm việc, đồng thời giải tỏa áp lực cuộc sống trong quá trình chia sẻ, đồng hành cùng nhau.
Khi cả hai vợ chồng đều có thể quan tâm đến cuộc sống gia đình, cùng nhau chăm sóc cha mẹ già và lo lắng cho con cái, những vấn đề nêu trên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ.
Nghỉ hưu
Khi bạn 45 tuổi, bạn có còn muốn tiếp tục làm việc không? Thực tế, trong thời đại đề cao vật chất như ngày nay, ai cũng cần phải làm việc cho đến già cùng nỗi lo "cơm-áo-gạo-tiền".
Tuy nhiên, vì công việc có áp lực cạnh tranh rất lớn và thị trường lao động ngày càng "nóng" hơn, điều đó đồng nghĩa những người trung niên sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi.
Điều này đã trở thành một quy luật bất khả kháng ở công sở. Khi mà năng lực, trình độ của bạn vẫn rất tốt nhưng điều kiện sức khỏe và độ tuổi không còn phù hợp, doanh nghiệp hiển nhiên sẽ tìm kiếm nhân sự trẻ khỏe để thế chỗ.
Tuổi trẻ mất việc, nhảy việc thì vẫn có thể từ từ chờ đợi các cơ hội mới. Công ty này không tuyển thì tìm công ty khác. Nhưng thất nghiệp tuổi trung niên thì là cơn ác mộng thực sự vì bản thân họ phải là chỗ dựa cho người khác, không thể "vô ưu vô lo" qua ngày.
Đây chính là "đại họa" mà chúng ta phải học cách dần thích nghi và chấp nhận khi bước vào giai đoạn từ 45-55 tuổi. Điều quan trọng là, dù ở độ tuổi nào, bạn cũng phải giữ vững tâm hồn lạc quan, tiếp tục học hỏi và điều chỉnh bản thân ở trạng thái thích hợp nhất.
Không có công việc nào kéo dài mãi mãi. Gia tăng năng lực cạnh tranh của bản thân không thua kém thế hệ trẻ, bạn mới có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên một cách an toàn.
Thất nghiệp tuổi trung niên là cơn ác mộng thực sự vì bản thân họ phải là chỗ dựa cho người khác, không thể "vô ưu vô lo" qua ngày. Ảnh minh họa
Những ước mơ chưa thực hiện
Nhiều người đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình và có ước mơ, mục tiêu muốn phấn đấu ẩn sâu trong trái tim mình. Đáng tiếc trước đây điều kiện sống không được tốt nên họ phải giấu ước mơ này trong lòng.
Tuy nhiên, khi trưởng thành, họ cần phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ thế giới bên ngoài. Nếu một người bước vào độ tuổi trung niên trước khi thể thực hiện được ước mơ của mình, vấn đề này sẽ trở thành nỗi tiếc nuối của họ.
Giai đoạn này, mỗi người nhìn lại những trải nghiệm khiến bản thân hối tiếc, sau đó mong chờ và tự hỏi giai đoạn tiếp theo sẽ như thế nào. Tâm trạng này có thể gây ra sự lo lắng, kém hạnh phúc.
Có thể nói, những người trung niên luôn bị vây quanh bởi nhiều cảm xúc tiêu cực khác nhau. Họ phải học cách chấp nhận sự già đi của bản thân, chấp nhận áp lực từ thế giới bên ngoài và học cách chung sống với những ước mơ chưa thực hiện được.
May mắn thay, sau khi thành công vượt qua giai đoạn này, họ có thể hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống. Và hãy cố gắng sử dụng thời gian còn lại để nâng cao giá trị cuộc sống của mình.
Áp lực về sức khỏe
Tuổi thọ trung bình đã tăng lên, vậy tại sao tuổi trung niên vẫn khủng hoảng "sống khỏe"? Thực chất, việc một người sống đến 50 tuổi, 70 tuổi hay 90 tuổi thì đều không đem tới quá nhiều ý nghĩa khác biệt.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tuổi thọ trung bình của người Việt đã ở mức khá cao, hơn 73 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. Như vậy, mỗi người có khoảng gần 10 năm cuối đời (trung bình khoảng 11 năm đối với nữ giới và khoảng tám năm đối với nam giới) không được khỏe, sống chung với các bệnh tật.
Người cao tuổi luôn phải đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như: Mạch vành, huyết áp, tiểu đường, ung thư... Ngoài ra, còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ.
Những người trung niên hiện đại phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao nên sẵn sàng đánh đổi "tuổi thọ" để kiếm tiền, đồng nghĩa với việc sức khỏe của họ không ngừng giảm xuống, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Do đó, chúng ta luôn phải biết cách tự cân bằng, điều hòa và vạch ra kế hoạch phù hợp nhất cho mình.
Theo giáo sư David Blanchflower, nếu bạn thấy mình cảm thấy chán nản ở giai đoạn từ 45 đến 55 tuổi, nên thực hiện các bước tích cực để cải thiện bản thân. Ví dụ, hãy chú ý ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm, đi dạo ngoài thiên nhiên. Điều này giúp bạn tiếp xúc với nhiều dopamine và serotonin hơn do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Mặc dù đường cong hạnh phúc là một hiện tượng tự nhiên mà bạn không thể hoàn toàn tránh khỏi, nhưng bạn có thể giảm tác động của nó đến cuộc sống bằng cách kết nối với bạn bè, dừng so sánh bản thân với bất cứ ai, học cách giúp đỡ mọi người và bày tỏ lòng biết ơn trong cuộc sống.