Ngày 26/6/2017, tại nhà cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh (giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), một số người được cho là đại diện của Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành ập vào nhà tiến hành lập biên bản giáo viên vì “Tổ chức dạy thêm trái phép”.
Nhiều phụ huynh ký vào đơn làm chứng việc cô Nguyễn Thị Hoa Anh không dạy thêm. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hiện trường lúc ấy, có một nhóm trên mười học sinh đang ngồi học.
Câu chuyện được cô Hoa Anh kể lại: Họ xông vào nhà, một người lớn giọng hỏi đám trẻ đang đứng run một góc:
“Một tuần đi học mấy buổi? Học phí bao nhiêu?”
Khi các bé trả lời: “Cô không có lấy tiền” thì vị cán bộ ấy lên tiếng quát:
“Thầy cô dạy không được nói dối sao mấy đứa lại nói dối giỏi thế?”.
“Tụi con không phải nói dối đâu cô, tụi con nói thật mà.
Khi nghe chúng tôi hỏi sao các em lại biết cô không thu tiền?
Cô Hoa Anh nói rằng các em nhìn thấy mẹ đưa tiền nhưng tôi không nhận.
Mặc cho cô giáo đứng giải thích đó chỉ là mấy đứa trẻ hàng xóm nghỉ hè không người trông coi nên cha mẹ mang sang gửi.
Là mấy đứa cháu con của cô em gái trên thành phố về quê chơi ở lại nhà dì.
Là con của một vài đồng nghiệp của cô sang nhà vừa chơi, vừa ôn bài cho đỡ quên kiến thức.
Thế nhưng họ bỏ mặc và biên bản vi phạm quy định dạy thêm, học thêm vẫn cứ được lập trước bao con mắt của đám học trò tội nghiệp.
Có em cứ thắc mắc mãi: “Sao cô dạy học cho chúng mình mà cũng bị phạt?”
Dạy thêm nhưng không thu tiền có vi phạm quy định dạy thêm, học thêm?
Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT định nghĩa về dạy thêm học thêm rất rõ ràng.
Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với 15 phụ huynh học sinh (học tại nhà cô giáo Hoa Anh hôm Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành ập vào lập biên bản).
Tất cả 15 phụ huynh đều khẳng định rằng, cô giúp chỉ bài cho các em trong thời gian hè mà không thu một đồng học phí.
Phụ huynh trả ơn cô bằng những kí bơ, kí cafe, kí tiêu trong vườn nhà hay con gà, con vịt nuôi trong nhà.
Có người còn cho biết, trả tiền cô không lấy nên luôn tìm cơ hội giúp đỡ lại cô.
Ví như có lần bố chồng cô bị bệnh phải nằm viện, cô Hoa Anh phải vào viện chăm bố đúng thời gian con của cô ôn thi.
Thế là, những phụ huynh ấy thay nhau tới nhà nấu ăn cho con cô hàng tháng trời.
Việc giáo viên dùng kiến thức của mình dạy cho đám trẻ học hành nhất là vào dịp hè và tuyệt đối không thu tiền, đây là hành động đẹp cần lan tỏa và biểu dương.
Vậy tại sao một hành động đẹp của cô giáo như thế đã không được biểu dương mà lại bị một số cán bộ phường lập biên bản và cho rằng vi phạm quy định dạy thêm, học thêm?
Phải chăng Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành đang hiểu sai Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT?
Theo quy định Thông tư 17, dạy không thu tiền, không phải là dạy thêm.
Cô giáo Hoa Anh dạy học sinh trong hè nhưng không thu một đồng học phí thì không thể coi là dạy thêm, học thêm được.
Vậy, việc Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành ập vào lập biên bản cho rằng cô vi phạm dạy thêm trái phép là trái với quy định của Thông tư 17.
Chưa nói đến việc cán bộ xông vào nhà lập biên bản dạy thêm, tra hỏi đám trẻ trước mắt hàng chục em đứng ngơ ngác nhìn.
Họ đã xem cô giáo chẳng khác gì tội phạm đang làm một việc xấu xa, cần lên án.
Thử hỏi việc làm ấy, hành động ấy có vi phạm pháp luật không?
Có làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt học sinh và bao người không?
Hệ lụy của việc bị lập biên bản dạy thêm trái phép
Có thể nói, sau cái biên bản Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập và tròng vào cổ cô giáo Hoa Anh cái tội “dạy thêm, học thêm trái phép”.
Ngày 27/6/2017 Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập tức lập tờ trình số 37/TTr-UBND đề nghị thực hiện xem xét xử lý hành vi này.
Ngày 18/7/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột điều chuyển cô giáo Hoa Anh từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến công tác tại trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh cho đến nay đã 3 năm nhưng vẫn chưa được trở về trường cũ.
Điều đáng nói rằng, khi cô bị điều chuyển đi nơi khác ngôi trường cô đang dạy vẫn đang trong tình trạng thiếu giáo viên.
Cô đã mang tiếng bị chuyển trường vào vùng khó (nơi cô đã từng dạy hơn 10 năm trước đó) là do bị kỷ luật.
Giáo viên mà mang “án” kỷ luật bên người cũng sẽ mất hết lòng tin nơi đồng nghiệp, nơi phụ huynh.
3 năm bị kỷ luật, cô giáo Hoa Anh đã làm biết bao đơn thư, dự bao nhiêu cuộc tiếp dân chỉ mong mình được giải nỗi oan ấy nhưng tất cả chỉ là muối bỏ biển.
Phẫn uất, mất lòng tin nơi công lý đã dẫn đến hành động quỳ trước cổng Ủy ban Nhân dân tỉnh hôm 7/7/2019 vừa qua.
Chúng tôi tha thiết yêu cầu, những người có trách nhiệm nơi đây hãy một lần ngồi lại, bình tâm xem xét thật kỹ trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh (trên cơ sở cả lý và tình), để giải tỏa những uẩn ức mà cô giáo đang phải gánh chịu từ những quyết định bất hợp lý mà cấp chính quyền nơi đây đã ban hành trong thời gian vừa qua.
Đó cũng là cách lấy lại lòng tin cho người dân thấy mình bị oan sai, cũng như ổn định được tâm lý để cô giáo còn an tâm với công việc trồng người.