Đi mò ốc dẫm phải gỗ quý, ly kỳ chuyện 4 ngày lặn suối cưa cây kích thước khủng của hai người đàn ông

Anh Chung và anh Hạnh dùng cưa tay, lặn xuống đáy sâu khoảng hơn 2m để cắt cành cây lên trước. Mỗi lần lặn chỉ được 20-30s, cắt được 2-3 nhát lại phải ngoi lên mặt nước.

Đi mò ốc dẫm phải gỗ quý

Rời xa phố thị, chúng tôi về huyện miền núi xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nơi đang xôn xao câu chuyện hai người đàn ông đi bắt ốc phát hiện cây gỗ quý ở dưới khe suối trong một buổi chiều mưa gió. Trên con đường ngoằn nghèo dẫn vào suối Dốc Đá tại thôn 1 đầy sỏi đá, bốn bề được bao quanh bởi núi rừng.

Khu vực khe suối nơi phát hiện khối gỗ “khủng”

Để tiếp cận được hiện trường, chúng tôi phải đi lội bộ qua một khe suối, băng qua con đường rừng gần 10p mới đặt chân đến vị trí khối gỗ được phát hiện và đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Qua quan sát, khe suối nơi phát hiện cây gỗ là khu vực hạ nguồn, nơi có nhiều lượng nước đổ về từ các dãy núi lớn. Phía Tây là dãy núi lớn, còn phía Bắc là bãi đất trống, nơi chăn thả gia súc. Tại khu vực này lượng đất, đá được đào bới ngổn gang, cây gỗ được đưa lên phía bờ, chia thành 3 phần: Phần thân, phần rễ và cành.

Sau nhiều ngày “mất ăn, mất ngủ” vì gỗ, anh Trần Đức Hạnh (SN 1976, tại thôn 8) trở nên mệt mỏi. Người đàn ông với khuôn mặt đen nhẻm, gầy gò buồn bã khi cây gỗ được phát hiện và trục với lên đã bị lập biên bản thu hồi chờ định giá tài sản.

Kể về quá trình phát hiện cây gỗ, anh Hạnh cho biết, vào khoảng 18h tối ngày 21/7, anh cùng anh Nguyễn Đức Chung (SN 1984, trú tại thôn 9) vào khe Dốc Đá tại thôn 1 để bắt ốc. Khi đang bắt ốc ở khe suối, chân anh dẫm phải cành cây lớn ở dưới nước. Vì quá tò mò, người đàn ông này liền lặn xuống dưới để kiểm tra thì phát hiện một cành của cây gỗ to đã mục, phía dưới thân đã bị đất, đã vùi lấp.

Anh Chung cùng anh Hạnh người trực tiếp phát hiện và đưa gỗ lên bờ

Thấy vậy, anh Hạnh cùng anh Chung cầm dao xuống chặt một mảnh gỗ mang về nhà kiểm tra. Theo nhận định của những lão làng ở thôn thì đó là gỗ lim xanh quý hiếm nên sáng ngày hôm sau, hai người mang dao, cưa, cuốc… vào khe để đưa khối gỗ này lên bờ.

“Ban đầu hai anh em cũng không nghĩ là quý, nên vào đây cắt mang về nhà sử dụng. Nhưng khi càng lặn xuống sâu kiểm tra thì đây là cây gỗ còn nguyên rễ, rất to và không thể nào hai người dùng sức đưa lên được nên chúng tôi thuê thêm 2 máy xúc và đào, ngoài ra dân làng cũng vào đây để phụ giúp”, anh Hạnh kể lại.

4 ngày lặn suối cưa gỗ quý

Ban đầu anh Chung và anh Hạnh dùng cưa tay, lặn xuống đáy sâu khoảng hơn 2m để cắt cành cây lên trước. Đáy khe khá sâu, lại không phải là thợ chuyên nên mỗi lần lặn chỉ được 20-30s, cắt được 2-3 nhát lại phải ngoi lên mặt nước.

Cận cảnh cây gỗ khủng dài khoảng 15m, đường kính 80cm

Khi quá mệt hai người lại thay phiên nhau ròng rã đến ngày thứ 3 mới cắt đứt được phần cành cây và đưa lên bờ. Còn hai máy múc hoạt động liên tục từ 6h sáng đến tối mịt. Đến ngày 25/7, cùng với sự hỗ trợ của gần 100 người dân trong thôn, cây gỗ “khủng” được đưa lên bờ.

“Thật sự mấy ngày làm đó mệt cứ lặn ở nước triền miên nhưng vui vì nghĩ ông trời thương tình ban cho gỗ quý. Cứ nghĩ khi lấy được lên chúng tôi sẽ trích một phần tài sản này để xây dựng nhà văn hóa thôn 1, một phần để về sử dụng nhưng không ngờ sự việc lại phức tạp như vậy”, anh Chung trầm ngâm kể lại.

Đúng 9h sáng ngày 25/7, cây gỗ dài khoảng 15m, có đường kính khoảng 80cm được đưa lên bờ. Khi người dân đang hoan hô vui mừng vì thành quả mấy ngày ròng rã ở khe suối được đền đáp bằng cây gỗ cực “khủng” thì bất ngờ bị lực lượng chức năng vào lập biên bản để thu hồi tài sản này. Tuy nhiên thời điểm này người dân địa phương không đồng ý cho xe đưa đi vì họ cho rằng tài sản này thuộc về hai người đàn ông phát hiện được.

Phần rễ cây gỗ khủng đã bị mục

Theo ông Phạm Ngọc Trường (67 tuổi, trú tại thôn 1) cho rằng, cây gỗ này bị vùi lấp khoảng trên 80 năm về trước. Trước đây khu vực nơi phát hiện gỗ được gọi là sông Đá Dựng, thời điểm đó gia đình ông vào sinh sống tại đây không có những cây gỗ lớn như thế này. Ngoài ra ông Trường nhận định, khả năng trước đây vùng núi này xảy ra trận lũ quét, khiến cây gỗ bị vùi lấp xuống khe suối.

“Cây còn nguyên rễ và cành, nên chỉ có thể bị trôi từ rừng xuống vùi lấp tại đây. Riêng cây gỗ này phải bị vùi lấp ít nhất 80 năm trước, bởi những lão làng ở đây họ đều nhận định khi vào sinh sống tại đây không có những cây gỗ to như này nữa”, ông Trường nói.

Liên quan đến sự việc này, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng thông tin, việc xã lập biên bản tạm giữ cây là đúng pháp luật, do nghi ngờ đây là gỗ quý thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh, qua quan sát đường vân, xác định cây gỗ khoảng trên 80 năm tuổi, do bị vùi lấp dưới nước quá lâu nên gỗ đã chuyển màu, rất khó xác định ngay là loại gỗ gì.

“Bước đầu tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì đấu giá cây gỗ để sung công quỹ, trích ra một khoản chia cho hai người có công phát hiện và trục vớt”, ông Huấn nói.