Nhưng ca sĩ nhí chỉ có công làm nóng lại ca khúc, thực tế “Một con vịt” đã có tuổi đời và sức sống lâu bền. Đáng tiếc, người ta nhớ đến người hát ca khúc thành công nhưng lại quên mất người sinh ra ca khúc. Tác giả “Một con vịt” được giới thiệu qua loa: Nhạc sĩ Kim Duyên. Nhưng Kim Duyên là ai? Bây giờ nhạc sĩ ở đâu? Đang làm gì? …
Là một nhạc sĩ nghiệp dư?
Phóng viên gõ cửa nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha. Ông tiết lộ đôi điều: “Kim Duyên là một cô giáo. Cũng không rõ bây giờ bà còn sống hay đã mất. Bài “Một con vịt” có từ lâu lắm rồi, chắc tuổi đời phải ngoài 70, nếu không thì chắc cũng 65. Bởi hồi tôi còn bé đã biết bài này”. Vì sao một cô giáo lại viết được một ca khúc ăn khách dài lâu? Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha giải thích đơn giản: “Ngày xưa người ta học hành cẩn thận. Cho nên nhiều bà giáo biết sáng tác nhạc”.
Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng “chỉ điểm” phóng viên tìm đến nhà thơ từng được mệnh danh “thần đồng” Trần Đăng Khoa. Tác giả “Hạt gạo làng ta” tự tin giới thiệu: “Về âm nhạc, hỏi bất cứ bài ca đi cùng năm tháng nào tôi cũng biết ngay bài đó sáng tác năm nào, người đầu tiên hát là ai?”. Khi phóng viên hỏi đến bài hát thiếu nhi “Một con vịt”, Trần Đăng Khoa vui vẻ kể: “Năm 1962, khi đó tôi mới 4 tuổi, đã nghe chị tôi hát bài này rồi. Chị tôi lúc ấy hay nghêu ngao: “Một con vịt xoè ra hai cái cánh…”. Bài thứ hai chị tôi hay hát chính là bài “Đuổi chim”: “Vườn đỗ mẹ em trồng/ Nảy mầm xinh xinh quá/ Sáng ngày em ra trông/Thấy đàn chim đến phá…”.
Cũng như nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, nhà thơ Trần Đăng Khoa xác nhận: “Một con vịt” có tuổi đời cao, vì “khi còn nói ngọng tôi đã thuộc rồi mà”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa phỏng đoán, người viết “Một con vịt” không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp: “Tôi đoán là cô giáo mầm non, vì lời bài hát chuẩn giọng cô giáo mầm non. Chỉ có cô giáo mầm non mới hiểu tâm lý trẻ con như thế. Chắc là cô ấy bịa ra bài hát này để dạy trẻ con”.
Nhà thơ có nhiều bài thơ thiếu nhi nổi tiếng đánh giá: “Ca khúc “Một con vịt” không có gì cao siêu, âm nhạc không có gì đặc biệt, lời lại càng… vớ vẩn. Nhưng đặc biệt hiểu tâm lý trẻ con. Trẻ con hát “Một con vịt” rồi làm theo động tác của con vịt. Hát “Một con vịt xoè ra hai cái cánh” thì chúng giang tay ra. Đến câu sau “Nó kêu rằng các các các, cạc cạc cạc” thì vỗ vào mông. Đơn giản thế thôi, bé nào cũng làm được”. Đến đây, Trần Đăng Khoa khẳng định lại: “Tác giả “Một con vịt” chỉ có thể là cô giáo mầm non. Nhạc sĩ chuyên nghiệp không viết ngô nghê như thế. Nhưng chính ca khúc này lại sống lâu nhờ chất ngô nghê của nó”.
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà báo Phạm Hồng Tuyến, người gắn bó với chương trình “Những bông hoa nhỏ” hút khán giả một thời trên truyền hình, cũng cho biết, “Một con vịt” có tuổi đời rất cao: “Hồi mẫu giáo, lúc 4-5 tuổi, tôi đã hát bài đó rồi. Từ đó đến nay cũng đã 50 năm. Bài hát phải ra đời trước đó nữa”. Bà cũng khẳng định người viết “Một con vịt” có tên Kim Duyên: “Sau này làm chương trình “Những bông hoa nhỏ” hay có tiết mục đố bài hát. Đáp án của câu hỏi “tác giả “Một con vịt” là ai” luôn là Kim Duyên. Kim Duyên là một cô giáo, một tác giả không chuyên. Bà ở một tỉnh nào đó thuộc miền Bắc, chứ không phải Hà Nội. Có lẽ Kim Duyên sáng tác bài “Một con vịt” cho học sinh, rồi nó được lan truyền. Tôi cũng chỉ biết về tác giả “Một con vịt” đến thế thôi”.
Một người yêu thích nhạc Việt xin giấu tên bày tỏ: “Có thể Kim Duyên không phải hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Người ta có thể có một bài nổi tiếng nhưng chưa chắc là hội viên của Hội. Trong ca nhạc thiếu nhi, nhiều bài hát nổi tiếng được sáng tác bởi các nhạc sĩ chuyên nghiệp như Tân Huyền với “Chị ong nâu và em bé”; “Chú ếch con” của Phan Nhân; “Chú voi con ở Bản Đôn” của Phạm Tuyên… Nhưng cũng có những bài nổi tiếng được viết bởi tác giả không chuyên như trường hợp “Một con vịt” của Kim Duyên hay “Quả” của Xanh Xanh chẳng hạn: “Quả gì mà chua chua thế? Xin thưa rằng quả khế…”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng không biết tác giả Kim Duyên là ai: “Bài “Một con vịt” thì tôi biết nhưng tác giả là ai thì không biết. Bài hát đó phổ biến trong những năm 60-70 của thế kỷ trước. Nếu tác giả trong hàng ngũ nhạc sĩ chuyên nghiệp, là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì tôi theo dõi sẽ biết ngay. Nhưng Kim Duyên là cái tên lạ. Có thể là nữ chăng? Nếu tên Duyên mà sáng tác không chuyên còn có một người nữa. Người này là cán bộ Đoàn ở tỉnh Hải Dương. Hồi ấy có viết 1-2 bài hát. Liệu cô Duyên ấy có phải cô Duyên viết ca khúc tỷ lượt xem trên YouTube hay không?”.
Ca sĩ nhí Xuân Mai trình bày nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng, trong đó có “Một con vịt”
Ai hưởng lợi từ ca khúc tỷ “view”?
Xuân Mai góp phần làm nóng lại ca khúc thiếu nhi “Một con vịt” vào năm 1998 nhưng cô không phải người làm nên thành tích tỷ “view” (lượt xem) trên YouTube. Kênh Heo Con TV làm nên thành tích này qua MV “Một con vịt” với hình ảnh hoạt hình 3D sống động. Phát hành ngày 31/8/2019, sau gần 5 năm, đến thời điểm này MV “Một con vịt” của Heo Con TV đã cán mốc hơn 1 tỷ “view”. Phải kể đến “công lao” của các phụ huynh có con nhỏ và các bé. Một phụ huynh bình luận: “Bé nhà tôi mỗi lần ăn một chén cơm cày 5 view cho ca khúc con vịt này”.
Thành tích 1 tỷ “view” trên YouTube khiến không ít người tò mò doanh thu từ MV này của Heo Con TV là bao nhiêu? Rất khó tìm ra con số thực vì doanh thu từ lượt xem phụ thuộc nhiều yếu tố song một chuyên gia về mạng xã hội cho rằng, chủ kênh YouTube trên có thể nhận được khoảng 2 đến 3 tỷ đồng. Nhiều ca khúc phát YouTube không ghi tên tác giả. “Một con vịt” phát trên Heo Con TV cũng vậy. Liệu Heo Con TV có đi tìm tác giả Kim Duyên để chia sẻ nguồn lợi từ thành tích khủng?
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Gia đình tôi vẫn uỷ thác cho một đơn vị để giám sát bản quyền các bài hát của cha tôi trên môi trường số. Riêng bản quyền bài hát thì không thể một đơn vị giám sát là đủ. Cha tôi đã ký với Trung tâm Bản quyền Việt Nam sau đó gia đình lại vẫn phải uỷ quyền thêm một đơn vị nữa giám sát tất cả các bài hát thiếu nhi của cha tôi trên môi trường số, môi trường internet. Chuyện bản quyền rất phức tạp, rất nhiều nền tảng, nhiều phạm vi… Hồi đầu năm, các bạn ở đơn vị giám sát bản quyền trên môi trường số mà gia đình tôi ký hợp đồng có hỏi tôi: Chị có quen tác giả Kim Duyên không, để chúng em liên hệ xin tác quyền? Vì các bạn ấy muốn sản xuất video “Một con vịt” nhưng muốn được trả tác quyền cho tác giả để được sử dụng tác phẩm đàng hoàng. Nhưng tôi bất lực vì những gì tôi biết về tác giả Kim Duyên quá ít, cũng không biết bây giờ bà còn sống hay không?”.
Kể cả tác giả Kim Duyên còn sống cũng không dễ dàng để nhận về “đứa con tinh thần” nổi tiếng, đang “ăn nên làm ra” của mình. “Kim Duyên không phải người viết chuyên nghiệp, càng không phải tên tuổi lẫy lừng như nhạc sĩ Phạm Tuyên, sau bao nhiêu năm im hơi lặng tiếng, bỗng một ngày lại xuất hiện và nhận ca khúc “Một con vịt” là của mình, ai tin? Nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến không ít cuộc tranh chấp bản quyền ở trong nước, như trường hợp tranh chấp bản quyền phần lời ca khúc “Gánh mẹ” giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và ca sĩ Quách Beem chẳng hạn. Khi tác giả Kim Duyên viết “Một con vịt” làm gì đã có chuyện nhạc sĩ đăng ký bản quyền? Thế nên bây giờ đòi lợi ích hợp pháp của tác giả sẽ là gian nan”, một người yêu nhạc Việt giấu tên bình luận.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, người viết “Một con vịt” là nhạc sĩ nghiệp dư
Có những người viết ca khúc, viết thơ, viết truyện… chỉ muốn giấu mình. Bên thơ ca, đến nay độc giả trong nước vẫn tò mò T.T.Kh tác giả bài thơ tình “Hai sắc hoa Tigôn” là ai? Có khi không rõ tác giả lại khiến “Hai sắc hoa Tigôn” thêm phần thu hút? Nhưng nhuận bút văn chương vốn bọt bèo. Còn nguồn lợi từ ca khúc lại khác hẳn. Ngày xưa, viết “Thành phố buồn” nhạc sĩ Lam Phương mua biệt thự. Ngày nay, nhạc sĩ Đông Thiên Đức mua nhà, tậu xe cũng nhờ “Ai chung tình được mãi” cùng các bản “hit” của mình. Tác giả Kim Duyên đang ở đâu?
Ca khúc thiếu nhi dễ kiếm “view”?
MV “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP cũng phải chào thua “Bống bống bang bang” do bé Bào Ngư thể hiện được phát trên YouTube khoảng 8 năm trước, đến nay đã có hơn 609 triệu lượt xem. “Thương lắm thầy cô ơi” do bé Phan Hiếu Kiên thể hiện, khoảng chục năm trước, đã hơn 500 triệu lượt xem.
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tác giả “Một con vịt” sống ở một tỉnh phía Bắc, không phải Hà Nội
Có những ca khúc thiếu nhi quen thuộc bất ngờ dậy sóng nhờ mạng xã hội. Như trường hợp “Chị ong nâu và em bé” của cố nhạc sĩ Tân Huyền từng thành trào lưu cover với những phiên bản khác nhau, phiên bản miền Tây, phiên bản thất tình… Nhưng trào lưu cũng nhanh chóng đi qua, “Chị ong nâu…” lại trở về với các em bé.