Theo chia sẻ của cô gái tên Hiểu Khánh, 24 tuổi, cô chưa từng yêu đương nên mẹ vô cùng lo lắng. Mới đây, mẹ Hiểu Khánh liên tục giục cô đi xem mắt, giới thiệu đối tượng cho cô.
Lúc đầu Hiểu Khánh phản đối vì cho rằng đàn ông ưu tú trước giờ sẽ không cần đi xem mắt, những người đi xem mắt đều có vấn đề, không có bản lĩnh. Thế nhưng mẹ Hiểu Khánh lại khẳng định, đối tượng hẹn hò điều kiện cực kỳ tốt, không chỉ anh tuấn tiêu sái mà gia cảnh lại rất tốt.
Khi Hiểu Khánh hỏi vặn lại mẹ, tại sao một đối tượng tốt như thế lại cần phải giới thiệu, theo lẽ bình thường phụ nữ phải vây quay anh ta rồi, không đến lượt cô thì mẹ lại nói: "Nếu mẹ trẻ hơn 20 tuổi, chính mẹ cũng sẽ tấn công anh ta, không đến lượt con".
Nghe xong đã cảm thấy bất thường, Hiểu Khánh biết mẹ đang nói khích mình nhưng để đối phó với mẹ, cô đành cắn răng chịu đựng đi xem mắt. Không ngờ, sau khi tìm được địa điểm buổi xem mắt, Hiểu Khánh không thấy anh chàng đẹp trai nào mà chỉ thấy một ông chú ngồi trên băng ghế, như thể đang đợi ai đó.
Tiến đến hỏi, Hiểu Khánh bàng hoàng nhận ra, đối tượng mà mẹ cô giới thiệu lại là ông chú này. Ông chú cũng nhìn lại Hiểu Khánh vẻ nghi ngờ. Khi nhận ra Hiểu Khánh chính là đối tượng được mai mối với mình, ông chú lại tỏ thái độ tức giận.
Hiểu Khánh bị nghi ngờ tham tiền bạc, hám giàu có mà quyết định đi xem mặt một ông già như ông.
"Tại sao bà mối lại làm mối cho tôi với cô. Tôi không tìm một cô gái xinh đẹp như vậy. Thu nhập của tôi cũng khá nhưng đã 60 tuổi, tôi muốn tìm một người phụ nữ tương đương tuổi mình hoặc chỉ nhỏ hơn vài tuổi để cùng chung sống về già", ông chú thẳng thắn nói.
Sau đó người này còn nghi ngờ Hiểu Khánh vì tham tiền bạc, hám giàu có mà quyết định đi xem mặt một ông già như ông. Tiếp đó, ông chú lên giọng dạy dỗ Hiểu Khánh, nói rằng muốn tìm tình yêu thực sự thì đừng đặt tiền lên hàng đầu, khiến cô gái trẻ dở khóc dở cười, không biết giải thích ra sao.
Thanh niên Trung Quốc bất mãn vì bị ép đi xem mắt
Được gia đình sắp xếp hàng chục cuộc "hẹn hò mù quáng" để tìm đối tượng hẹn hò, nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân rơi vào lo lắng, áp lực, thậm chí không muốn về thăm nhà.
An An (28 tuổi, nhân viên truyền thông) nhớ lại thời gian nghỉ Tết Nguyên đán "khủng khiếp" vừa qua khi bố mẹ liên tục sắp xếp cho cô những buổi xem mắt với cả chục chàng trai.
Mỗi năm, cứ đến cận Tết, bố mẹ An An đều rất bận rộn, nhưng không phải vì họ lo dọn dẹp hay sắm sửa, mà là bận tìm "mối" cho cô con gái của mình. Nghe có ai giới thiệu có chàng trai tốt, họ đều lưu liên hệ để đợi đến lúc cô về quê sẽ lên lịch trình gặp mặt.
Vì lẽ đó, An An luôn cảm thấy lo lắng, thậm chí chán nản và không muốn về thăm nhà.
Theo The Paper, không riêng An An mà rất nhiều người trẻ ở Trung Quốc đều tỏ ra áp lực mỗi khi bị thúc giục chuyện cưới xin, hẹn hò và bị ép đi xem mắt liên tục. Trên mạng xã hội Xiaohongshu, có hơn 10.000 bài viết liên quan đến chủ đề "Những buổi hẹn hò mù quáng vào lễ hội mùa xuân".
"Tôi cuối cùng đã phải ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ về vấn đề này. Sau khi hiểu được rằng tôi không thích hẹn hò mù quáng, họ chấp nhận để tôi tự do yêu đương. Tuy nhiên, tôi cũng phải hứa với bố mẹ sẽ cố gắng tìm một người hẹn hò sớm để họ không quá lo" - An An nói.
Ảnh minh họa: shutterstock
Chengzi - một cô nàng đang độc thân kể đã bị bố mẹ sắp xếp 14 cuộc xem mắt trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua. Suốt cả tuần nghỉ Tết, sáng nào cô cũng phải dậy sớm thay quần áo rồi tiếp chuyện những anh chàng được bố mẹ họ đưa đến nhà. Trong khi cặp nam nữ ngồi nói chuyện trong nhà, phụ huynh đôi bên cũng đứng bàn tán sôi nổi ngoài sân. Những cuộc xem mắt diễn ra trong không khí gượng gạo.
Chengzi thừa nhận cô không thể chấp nhận nổi những buổi hẹn hò mù quáng kiểu này. Tuy nhiên, dù muốn cự tuyệt xem mắt, cô vẫn không thể thoát khỏi áp lực từ bố mẹ. "Bố mẹ liên tục hỏi tôi có nhắn tin mỗi ngày với người ta không, tình cảm của chúng tôi tiến triển đến đâu rồi...", cô kể.
Tại Trung Quốc, nhiều phụ nữ độc thân trên 25 tuổi cảm thấy sợ phải về nhà và đối mặt với vô số áp lực cũng như mong muốn mai mối từ cha mẹ. Theo một khảo sát của trang Zhenai.com, khoảng 85% người độc thân trên 30 tuổi cho biết cha mẹ họ thúc giục phải sớm thành hôn.
Shen - cô gái 27 tuổi tại Ninh Ba đã lựa chọn con đường khá vất vả để lẩn trốn chuyện này. Cô dành nguyên một tháng trời để chỉnh sửa 10 bức ảnh ghép cô và một diễn viên nổi tiếng. Khi gửi về cho bố mẹ, họ đều rất hài lòng. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cô phát hiện ra bài đăng của bố mình trên mạng xã hội. "Đêm qua tôi mơ thấy con gái mình kết hôn. Tôi đã khóc rất nhiều và tỉnh dậy nhiều lần trong đêm. Tôi bắt đầu tập phát biểu cho ngày trọng đại của con gái rồi...", cha của Shen thổ lộ với bạn bè trên mạng xã hội.
Trên thực tế, cụm từ "phụ nữ thừa" là khái niệm khá phổ biến tại châu Á, nếu như gần 30 tuổi họ vẫn chưa lấy chồng. Nhưng quá trình phát triển kinh tế thần tốc của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã khiến nhiều phụ nữ quyết định chọn sự nghiệp thay vì kết hôn sớm, hoặc chẳng cần kết hôn. Xu hướng này đã khiến tỉ lệ sinh nở tại Trung Quốc giảm đi nhanh chóng suốt 1 thập kỷ vừa qua.
Ảnh minh họa: shutterstock
Mặc dù đàn ông so nhiều hơn 33 triệu người so với phụ nữ ở Trung Quốc, phụ nữ vẫn dễ bị coi là "phần thừa" hơn so với nam giới. Trong khi chiến dịch tăng tỉ lệ sinh nở chưa đạt hiệu quả, việc khuyến khích phụ nữ trẻ lập gia đình và sinh con sớm cũng chẳng khá hơn. Tỉ lệ kết hôn tại Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong 5 năm qua, và hiện đất nước này còn tới 200 triệu người trưởng thành còn độc thân.
Chênh lệch giới tính khi nam nhiều hơn nữ, áp lực kinh tế và xã hội là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng khó khăn trong việc kết hôn. Dữ liệu điều tra dân số vào năm 2000 và 2010 cho thấy thanh niên từ 25 đến 29 tuổi có trình độ đại học nhiều khả năng là người độc thân. Đặc biệt, phụ nữ ở các thành phố phát triển ít có mong muốn kết hôn hơn.
Để giải quyết tình trạng suy giảm dân số, chính quyền Trung Quốc đã bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2015 và thậm chí cho phép sinh con thứ 3 từ tháng 5/2021. Tuy nhiên, nó không thực sự tạo ra chuyển biến lớn khi ngày càng nhiều người trẻ ngại sinh con.