1. Cây dương Pando (khoảng 80.000 năm tuổi)
Thoạt nhìn, cây dương lá rung có tên gọi Pando ở Utah, Mỹ trông giống như một cánh rừng. Trên thực tế, cánh rừng này chỉ có một cây duy nhất với niên đại lên tới 80.000 năm tuổi và nối liền với hơn 40.000 gốc.
Thoạt nhìn cây dương lá rung Pando trông tựa như một cánh rừng lớn. (Ảnh: Nature)
Theo USDA, cây dương Pando là một trong những cây cổ và lớn nhất thế giới. Toàn bộ khu rừng rộng tới hơn 43 ha đều là những cây con mọc ra từ một cây mẹ duy nhất. Chúng được nối liền với nhau bằng bộ rễ cây dày đặc trong lòng đất. Tuổi thọ của mỗi thân cây này là khoảng 130 năm. Đặc biệt, mỗi cây con là một bản sao giống hệt nhau, nếu có một cây chết đi, rễ của chúng sẽ tiếp tục tái tạo thành cây mới ở vị trí gần đó.
2. Cây Jurupa Oak (13.000 năm tuổi)
Jurupa Oak là cây thuộc họ cây sồi lâu đời nhất trên thế giới được tìm thấy ở dãy núi Jurupa ở Crestmore Heights, quận Riverside, California, Mỹ. Các nhà khoa học ước tính rằng nó đã tồn tại ít nhất 13.000 năm, nhưng có lẽ thực chất nó còn già nua hơn.
Jurupa Oak phát triển như một quần thể gồm 70 cụm thân cây cao khoảng 1m. (Ảnh: Nature)
Jurupa Oak được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà thực vật học Mirch Provance vào những năm 1990. Nó phát triển thành quần thể như vậy chỉ khi xảy ra cháy rừng và các cành bị đốt của nó mọc ra chồi mới. Cây sồi có khoảng 70 cụm thân trong một bụi có diện tích 25x8 m và chiều cao 1 m.
Nó là cây duy nhất sống ở khu vực có khí hậu khô hơn nhiều và độ cao thấp hơn so với nơi cây sồi Palmer cùng loại thường phát triển. Vào ngày 16/12/2021, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings.org) chính thức công bố Jurupa Oak là "Cây sồi loại Palmer lâu đời nhất thế giới".
3. Cây Old Tjikko (9.550 năm tuổi)
Cây Old Tjikko mọc trên núi Fulufjället của tỉnh Dalarna của Thụy Điển là một cây vân sam Na Uy đã sống 9.550 năm dù nó chỉ cao chưa đầy 5m. Theo các nhà khoa học, cây Old Tjikko hiện vẫn đang phát triển. Họ đã dùng phương pháp đồng vị carbon để xác định tuổi của hệ rễ cây.
Cây Old Tjikko chỉ cao gần 5m nhưng đã sống gần 10.000 năm. (Ảnh: Nature)
Thân cây chính được ước tính là chỉ một vài trăm tuổi, nhưng cây này đã sống sót lâu hơn nữa do nó đã áp dụng phương pháp nhân bản vô tính. Cụ thể là nó đã giâm cành rơi xuống đất và bén rễ, hoặc giâm rễ mà từ đó một thân mới sẽ mọc lên.
Trước khi nhà địa chất Leif Kullman phát hiện ra vào năm 2004, cây Old Tjikko vẫn sống vô danh. Sau đó, ông đã đặt tên cho nó theo tên chú chó đã qua đời của mình.
4. Cây bách Gran Abuelo (gần 5.500 năm tuổi)
Một nhóm các nhà nghiên cứu của Chile đã tìm thấy một cây bách cổ thụ hơn 5.000 năm tuổi đang còn sống trong vườn quốc gia Alerce Costero của quốc gia này. Nhóm nghiên cứu sử dụng kết hợp các mô hình tính toán bằng máy tính và các phương pháp truyền thống để tính tuổi của cây. Do đó, họ tính được rằng cây bách này đã gần 5.500 năm tuổi.
Cây bách Gran Abuelo ở Chile đã gần 5.500 năm tuổi. (Ảnh: Nature)
Theo tiến sĩ Jonathan Barichivich, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thì phương pháp này tính được tới 80% quỹ đạo sinh trưởng của một cái cây và chỉ có 20% khả năng cây có số tuổi thấp hơn so với tính toán mà thôi.
Phát hiện này sau đó đã được công bố, cây bách cổ thụ này đã được đặt biệt danh là "Gran Abuelo", có nghĩa là Ông cố. Cây bách này đã được công nhận là di tích quốc gia ở Chile.
5. Cây thông Methuselah (gần 5.000 năm tuổi)
Cây thông Methuselah ở công viên rừng quốc gia Inyo ở California, Mỹ được coi là cây thân gỗ còn sống lâu nhất thế giới. Các nhà khoa học ước tính tuổi đời của nó khoảng 4.853 năm tuổi. Họ cũng rất ngạc nhiên khi cây thông này vẫn còn sống tốt dù phát triển trong một khu đất nghèo dinh dưỡng, đồng thời nhiệt độ quanh khu vực luôn quá nóng vào mùa hè và quá lạnh vào mùa đông.
Cây thông Methuselah đã sinh sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt suốt gần 5.000 năm. (Ảnh: Nature)
Cây thông Methuselah được đặt theo tên của ông nội của Noah vị tộc trưởng cuối cùng trước trận Đại Hồng Thủy, người đã sống thọ tới 969 tuổi. Schulman - người đầu tiên tìm ra cây này đã quyết định dùng cái tên Methuselah để đặt cho cây thông.
Nguồn:NatGeo, Smithsonianmag, The Guardian